Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

SOP là gì? SOP trong khách sạn là gì?

Chào các bạn.,
Lâu nay trong các buổi họp các bạn thường xuyên nghe, chúng ta phải thực hiện quy trình này, quy trình kia, phải tuân theo những quy định công ty, hay ngắn gọn hơn là các SOP (Standard Operating Procedure), vậy các bạn hãy cùng tìm hiểu SOP là gì? Vì sao chúng ta cần có SOP? tuân thủ SOP mang lại lợi ích gì cho các bạn và công ty?

SOP là gì?
SOP (Standard Operating Procedure) là quy trình thao tác chuẩn. Đây là một hệ thống các quy trình chuẩn được tạo ra để hướng dẫn nhân viên thực hiện và duy trì chất lượng công việc với hiệu quả cao nhất. (P/s: và ổn định nhất khi duy trì hiệu quả, chất lượng đồng đều trong thời gian dài nhất)
Quy trình này giúp những nhân viên mới làm quen nhanh với môi trường làm việc và tránh những sai sót xảy ra. SOP được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: giáo dục, hàng không, y tế, quân sự… và cả ngành khách sạn.

SOP trong khách sạn là gì?
Trong ngành khách sạn, các nhà quản lý cũng ứng dụng SOP để tạo ra một quy trình chuẩn riêng cho mỗi bộ phận trong khách sạn: lễ tân, nhà hàng, buồng phòng,… để hướng dẫn nhân viên thực hiện công việc và duy trì chất lượng công việc các bộ phận với hiệu quả cao nhất và ổn định nhất. Bên cạnh đó, những quy trình chuẩn này cũng giúp nhà quản lý ngăn ngừa việc lãng phí tài nguyên của khách sạn.

Mỗi một bộ phận trong khách sạn sẽ có những quy trình thao tác chuẩn khác nhau. Nhưng về cơ bản, các quy trình phải đảm bảo những nội dung sau: khối lượng công việc, đặc điểm của từng công đoạn, thời gian cần thiết để thực hiện công việc, yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện công việc.
Quy trình thao tác chuẩn có tác dụng quan trọng trong việc quản trị nhân lực của khách sạn:
  •  Làm cơ sở để hướng dẫn công việc cho nhân viên của từng vị trí trong khách sạn.
  •  Là cơ sở để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc của nhân viên.
  •  Giúp cho công tác đề bạt trong công việc đối với những nhân viên có năng lực
  •  Là căn cứ chính xác để đào tạo nhân lực trong khách sạn

SOP giúp gì cho chúng ta?
Trước tiên, SOP là công cụ giúp bảo vệ chính các bạn khi làm việc trong môi trường cần có sự phối hợp giữa nhiều bộ phận, nhiều giai đoạn công việc khác nhau, vì SOP là quy trình thao tác chuẩn được quy định sẵn, chỉ cần mỗi bạn làm đúng SOP của mình thì cả hệ thống sẽ chạy tốt, chỉ cần bạn làm đúng theo hướng dẫn thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về vấn đề không phải do khâu mình đảm nhận vì mỗi khâu có sự phân công và mô tả công việc rõ ràng, sai khâu nào sẽ xử lý khâu đó. Ngoài ra, việc tuân thủ SOP là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên, trước khi các bạn làm tốt thì ít nhất hãy làm đúng trước.

Sau đó, SOP là công cụ giúp công ty xây dựng và quản trị được chất lượng dịch vụ được duy trì ở mức ổn định và đồng đều nhất giữa các khách sạn, và quan trọng nhất là có thể duy trì tính hiệu quả, ổn định trong thời gian lâu dài và có khả năng nhân rộng ra toàn hệ thống, chúng ta nếu không xây dựng được SOP và duy trì tính kỷ luật khi tuân thủ SOP thì đừng quá mơ mộng về việc phát triển hệ thống, quy mô công ty.

Yêu cầu cơ bản đối với nhân viên, quản lý? 
Đối với nhân viên, điều công ty yêu cầu cao nhất là tính kỷ luật khi thực hiện SOP trong công việc, chỉ cần các bạn làm đúng và làm đủ là đã đáp ứng được 80% yêu cầu công việc, 20% còn lại là thành tích vượt trội nếu có và không bắt buộc đối với các bạn. Cho nên, đối với cty không yêu cầu các bạn "sáng tạo" ra các SOP mới, là nhân viên - các bạn luôn được lắng nghe và hoan nghênh các phản hồi, ý kiến đóng góp giúp quản lý điều chỉnh quy trình và phổ biến cho toàn bộ thành viên cùng thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất. Còn việc vì sao các bạn thắc mắc hễ các bạn làm sai gì là trừ tiền, khiển trách, cty cũng trả lời luôn đó là biện pháp để nhắc các bạn đang làm sai SOP và nhắc các bạn làm đúng hướng dẫn chứ số tiền phạt các bạn rất nhỏ so với những thiệt hại mà từ việc làm sai quy trình của các bạn mà công ty phải gánh chịu, một lần có thể nhắc nhở, lần 2 trừ vào kinh tế và khiển trách, nếu các bạn liên tục mắc lỗi hoặc không tuân thủ quy trình thì có vẻ bạn không phù hợp với công việc hiện tại hoặc cty không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của bạn, cả 2 trường hợp đều rất khó hợp tác lâu dài và cùng phát triển với nhau được. Ngoài ra, công ty có chính sách thưởng phạt, bạn làm tốt thì các bạn được thưởng, bạn làm sai thì bạn phải chịu trách nhiệm với tập thể và đồng nghiệp, không thể nào mình làm sai mà để cả nhóm chịu thay được.

Đối với quản lý, trước khi các bạn đảm nhận công việc quản lý thì các bạn đã là 1 nhân viên và nắm rõ quy trình, nên phải thường xuyên rà soát, lắng nghe phản hồi và đưa ra những điều chỉnh phù hợp và mang lại hiệu quả nhất cho công ty và tập thể, yêu cầu của cty đối với nhân viên có thể chỉ cần dừng lại ở việc phản hồi vấn đề, còn đối với quản lý thì phải có giải pháp cho từng vấn đề.

Đối với công ty, như các bạn biết, hầu hết chúng ta đều trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm và mỗi mô hình kinh doanh có đặc thù riêng nên chúng ta phải thường xuyên lắng nghe, ghi nhận, điều chỉnh và tiếp tục lắng nghe để xây dựng SOP ngày càng hiệu quả và ổn định nhất.

Tổng kết lại, một tập thể muốn làm việc hiệu quả nhất cũng giống như đội phóng, ngoài sân cỏ mỗi thành viên là một thành viên trong gia đình, chúng ta tôn trọng tính cách cá nhân của mỗi thành viên và yêu thương nhau như gia đình, là động lực để khi ra sân chúng ta là một đội bóng có sự kỹ luật và hổ trợ tốt giữa các bộ phận, mỗi bạn có 1 vị trí và vai trò riêng góp phần làm nên thành công hoặc thất bại của một tập thể, ai cũng muốn làm huấn luyện viên, làm tiền đạo mà không chịu làm thủ môn, hậu vệ hoặc không chịu chuyền bóng cho nhau, muốn thể hiện mình là ngôi sao thì đó không phải đội bóng và cầm chắc thất bại.

Rất cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc bài viết dài này, hy vọng sau khi đọc bài này các bạn nắm rõ được SOP là gì và hiểu rõ tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của chính các bạn và cả công ty.

P/s: tham khảo thêm về SOP trong khách sạn tại đây: https://www.hoteljob.vn/tin-tuc/sop-la-gi-sop-trong-khach-san-la-gi


Trân trọng cảm ơn.,
Dan Thai

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Đóng vai phản diện


Hồi đó, khi chuẩn bị thu âm cho bản nhạc của mình, tôi có thuê một tay bass. Nhưng sau đó khi nghe lại mấy bài anh ta chơi, tôi quyết định tự chơi bass cho luôn. Tôi rất vui đã quyết định thế, và hài lòng với kết quả. Có điều nghe nói 13 năm rồi mà anh ta vẫn ghét tôi.
Một nhà văn ở Los Angeles khoái công ty CD Baby của tôi, và đòi tôi thuê ông làm tư vấn, rõ ràng là muốn nhập hội. Sau nhiều lần đề nghị và bị tôi từ chối, ông dọa nói với mọi người CD Baby là đồ dỏm trừ khi tôi thuê ông. Tôi không chiều, vì vậy ông đã ‘cấm vận’ tôi công khai nhiều năm nay.
Một vài bạn gái và đồng nghiệp cũ ghét tôi. Một số người tôi chưa bao giờ gặp viết trên blog của họ là họ ghét tôi hết cỡ thợ mộc.
Mắc cười là: Tôi khoái làm kẻ ác – kẻ ác mà họ cần.
Một số người chỉ có thể cảm thấy ổn bằng cách làm cho người khác sai.
Tôi biết mình đang làm việc tốt và có ích. Tôi tràn đầy yêu thương, không gì làm tôi buồn cả. Vì vậy, tôi nghĩ nếu trong đời này cần có ai đó đóng vai phản diện, người đó nên là tôi!
Tôi chẳng thấy phiền khi làm kẻ ác, và điều đó nhắc tôi nhớ là mình thực sự rất hạnh phúc.
Vì vậy, cứ tiếp tục thế đi, bất cứ ai. Cứ việc ném nỗi bực tức đến cho tôi. Tôi hạnh phúc được làm kẻ ác cho mọi người nếu có ai đó thấy cần!
Lời bình: Những người thiếu tự tin thường cần một ai đó gánh lấy lỗi lầm của họ để nuôi ước mơ làm người hùng trong câu chuyện của mình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những người hùng vĩ đại nhất đều đóng vai phản diện trong hầu hết những câu chuyện dài…
Theo: ecoblader

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

,

Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền?

Chỉ cần vượt qua được "lời nguyền", những người hướng nội sẽ là những người tuyệt vời nhất.

Trong những ngày tháng chông chênh nhất của tuổi trẻ, bạn tôi có nói với tôi rằng: sự nhạy cảm lẽ ra phải là một món quà đối với thế giới, thay vì là lời nguyền với những người sở hữu nó. 
Câu nói đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài, bởi trong một xã hội ngày càng ồn ào, phù phiếm và thực dụng, nơi mà lời khuyên tốt nhất đối với một người con trai là làm giàu bằng mọi cách, và lời khuyên tốt nhất đối với người con gái là làm đẹp (cũng bằng mọi cách), thì đâu là nơi tồn tại cho những người nhạy cảm, lãng mạn, theo đuổi sự tĩnh lặng và những giá trị đạo đức? Đâu là nơi tồn tại cho những người hướng nội mang lời nguyền là sự nhạy cảm của chính mình? 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 1.
Keanu Reeves - một trong những diễn viên hướng nội được biết đến nhiều nhất

Lời nguyền hướng nội trong xã hội hướng ngoại 

Một bà chị hướng nội tôi quen là người yêu nghề, chăm chỉ, có tinh thần cống hiến và đầy trách nhiệm. Nhưng nhược điểm là trực tính, không khéo ăn khéo nói, vì vậy mà thường xuyên thua thiệt trong các cuộc họp khi đồng nghiệp cố tình tranh công hay đổ trách nhiệm. Đó cũng không phải là người biết "cư xử khéo léo", biết "gần gũi" cấp trên. 
Vì vậy sau hai năm cống hiến, cuối cùng chị cũng phải nghỉ việc, khi nhận ra rằng vị trí hợp đồng mà chị phấn đấu để được kí, vốn từ lâu đã được dàn xếp cho một người khác. Đó là một người mới, và là người quen của cấp trên. 
Một người bạn hướng nội khác của tôi là một cô gái thông minh, tử tế và mạnh mẽ. Cô ấy đã đấu tranh hết mình để bảo vệ tình yêu, ngay cả khi tất cả bạn bè đều khuyên rằng người yêu của cô ta không xứng đáng. Nhưng cô bạn tôi quá tử tế để tin rằng tình yêu nhẫn nại và bao dung của mình có thể cảm hóa được người kia, và cũng quá mạnh mẽ để tin rằng "bỏ cuộc không bao giờ là lựa chọn của bản chất con người". 
Để rồi giữa thực tế cuộc sống phũ phàng, anh người yêu cuối cùng bỏ đi theo người mới, bỏ lại tình yêu của bạn tôi như con chim bước hẫng, đâm thẳng vào bức tường, đến nát vụn, rỉ máu, không còn cất lên tiếng hót. 
Một người em hướng nội khác lại có ước mơ được đi nhiều nơi, và học tốt tiếng Anh là chìa khóa để em thực hiện ước mơ đó. Là người tỉ mỉ, chu đáo, chăm chỉ, em xin vào làm trợ giảng tại một trung tâm Tiếng Anh và đặt nhiều tâm huyết vào đó. Những tưởng đó là một lựa chọn đúng đắn để em thực hiện ước mơ, nhưng rồi cuối cùng một ngày, em phải rời xa công việc của mình, vì bị nhận xét là quá ít nói và không biết bày tỏ sự thân thiện với học viên. 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 2.
Đó là những gì mà người hướng nội phải đối mặt hàng ngày trong cuộc sống của mình. Và sau hàng trăm, hàng ngàn lần như thế, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể không tự chất vấn: 
"Tại sao mình cống hiến như vậy, mà cuối cùng họ lại âm thầm chơi xấu sau lưng?" 
"Tại sao mình đã cho đi chân thành, để rồi cái nhận lại là phản bội?" 
"Tại sao mình không thể sống "khéo" hơn, trong khi dường như mọi người đều có thể?" 
... 
Tất cả đều dẫn đến một câu hỏi: 
Phải chăng có gì đó không ổn, trong chính tính cách của mình? 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 3.
Và rồi như cô công chúa Elsa trong bộ phim hoạt hình Frozen, không ít người hướng nội cảm thấy mình sinh ra đã mang sẵn một lời nguyền, và họ ngày càng cô lập trong những bức tường tự bản thân xây nên. Có những người có thể vượt lên bằng cách thay đổi bản thân mình cho giống với những người hướng ngoại, và thi thoảng "đi trốn" để thoát khỏi những áp lực ồn ào từ xã hội. Có những người mãi mãi vụn vỡ, mãi mãi lo lắng, không thể tìm thấy giá trị của bản thân. Có những người mắc chứng trầm cảm. Và có cả những người tìm đến con đường tự kết liễu. 
Lẽ nào người hướng nội cứ phải tìm cách thay đổi bản thân mình, lắng nghe theo những lời thúc giục "nói nhiều hơn", "mạnh dạn hơn", "hòa đồng hơn", "khôn khéo hơn"...mà không thể sống một cách trọn vẹn và hài lòng như tính cách vốn có? 
Hay sinh ra là người hướng nội trong xã hội này, vốn đã là mang trong mình một lời nguyền? 

‎Tìm về bản chất của hướng nội và hướng ngoại

Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 4.
Carl Jung cho rằng: người hướng nội là người lấy năng lượng bằng việc ở một mình
Thuật ngữ hướng nội (introversion) và hướng ngoại (extraversion) được phổ biến đầu tiên bởi nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung vào năm 1921. Theo quan điểm của Jung, người hướng nội là những người lấy năng lượng bằng việc ở một mình. Còn người hướng ngoại lấy năng lượng bằng việc tiếp xúc với những người khác. 
Kể từ đó, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên đặc điểm hướng nội, hướng ngoại của con người. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu của giáo sư Jerome Kagan tại Đại học Harvard, được bắt đầu thực hiện từ năm 1989 và vẫn tiếp tục đến hiện tại. 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 5.
Giáo sư Jerome Kagan
Trong thí nghiệm này, 500 trẻ em sơ sinh (4 tháng tuổi) đã được đưa đến phòng thí nghiệm Phát triển thiếu nhi tại Harvard (Laboratory for Child Development). Tại đây, từng em được cho tiếp xúc với những kích thích mới như bóng bay nhiều màu, giọng nói người lạ, hơi cồn... 
Kết quả là khoảng 20% các em nhỏ khua chân, khua tay liên tục, cho thấy sự "nhạy cảm cao" (high-reactivity) với những kích thích này. Vào khoảng 40% thì hoàn toàn yên lặng và thờ ơ. Khi các em nhỏ đó lớn lên, các em lại được kiểm tra. Và kết quả của thí nghiệm này rất thú vị: chính những em nhỏ khua chân tay mạnh lúc 4 tháng tuổi, lại chính là những người có xu hướng cao lớn lên trở thành người hướng nội. Còn những em nhỏ không có phản ứng phát triển thành người hướng ngoại. 
Hành động khua tay, khua chân, không xuất phát từ sự hào hứng, mà từ sự cảnh giác, đánh đồng tác nhân mới với dấu hiệu nguy hiểm. Thí nghiệm này khẳng định: nhạy cảm với các kích thích bên ngoài (high-reactivity) chính là bản chất phân biệt người hướng nội và hướng ngoại. 
Nhiều nghiên cứu khác sau đó đã khẳng định điều này. Ví dụ người hướng nội thường nghe nhạc nhỏ hơn, để màn hình điện thoại tối hơn, dễ tổn thương hơn, và thậm chí là da mỏng hơn, và tiết nhiều nước bọt hơn so với người hướng ngoại khi nhìn thấy quả chanh. 
Mọi cảm xúc tích cực và tiêu cực đối với người hướng nội được phóng đại lên nhiều lần, và đó là lý do vì sao người hướng nội luôn tránh những kích thích khiến họ cảm thấy "vượt ngưỡng": nơi ồn ào, làm việc mạo hiểm, tiếp xúc với người lạ... và là nguồn gốc sinh học của tính cách rụt rè, cẩn trọng, thích yên tĩnh đặc trưng. 
Câu hỏi là: nếu hướng nội là một lời nguyền và luôn chịu thua thiệt so với người hướng ngoại, thì tại sao người hướng nội vẫn tồn tại được qua quá trình tiến hóa và chọn lọc khắc nghiệt của tự nhiên? 
Các nhà tự nhiên học qua quá trình nghiên cứu, đã phát hiện ra rằng không chỉ con người, mà có hàng trăm loài trong tự nhiên cũng được phân ra thành các cá thể "hướng nội" và "hướng ngoại". 
Những cá thể chim "hướng ngoại", hiếu chiến, sẽ tồn tại hiệu quả hơn khi nguồn thức ăn khan hiếm. Nhưng khi thức ăn sẵn có, thì những cá thể "hướng nội" luôn cảnh giác và tránh mạo hiểm, sẽ biết cách tiết kiệm năng lượng và tránh khỏi những kẻ săn mồi tốt hơn những cá thể hướng ngoại hiếu chiến không cần thiết. 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 6.
Những nghiên cứu này khẳng định một điều: hướng nội không có gì là sai. Cả hướng nội và hướng ngoại đều là những chiến lược sinh tồn hiệu quả của tự nhiên. Và giống như cô công chúa Elsa khi đã chế ngự được sức mạnh của mình, có thể biến sức mạnh của mình từ một lời nguyền thành món quà, những người hướng nội cũng có thể biến "lời nguyền" của mình thành những khả năng hiếm có. 

Hóa giải lời nguyền hướng nội 

Một người hướng nội chưa làm chủ được chính mình có rất nhiều ngược điểm: rụt rè, không dám thể hiện bản thân, ngại giao tiếp, thường hay cô lập, thiếu quyết đoán, suy nghĩ quá nhiều... thậm chí có những nghiên cứu chỉ ra rằng người hướng nội có nguy cơ mắc trầm cảm và tự tử cao hơn người hướng ngoại. Nhưng khi những người hướng nội đã làm chủ được sự nhạy cảm và rụt rè của chính mình, thì họ lại là những cá nhân tuyệt vời. 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 7.
Nhân vật Walter Mitty trong phim "Cuộc đời bí mất của Walter Mitty" là một nhân vật hướng nội điển hình.
Bạn có để ý, trong những bước tiến lớn nhất của nhân loại, phần lớn đều được thực hiện bởi người hướng nội? Albert Einstein, Isaac Newton, Abraham Lincoln, Mahatma Gandhi, Bill Gates, Larry Page, Mark Zuckerberg... đều là những người hướng nội đã thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta. Họ là những người đã chỉ cho chúng ta thấy, người hướng nội có thể trở nên tuyệt vời như thế nào: 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 8.
"Sức mạnh không đến từ thể chất. Nó đến từ ý chí bất khuất" (Mahatma Gandhi)
Sự nhạy cảm là thứ khiến người hướng nội có vẻ mỏng manh, yếu đuối hơn người hướng ngoại. Nhưng khi người hướng nội học được cách làm chủ cảm xúc của mình, thì nhạy cảm chính là nền tảng của lòng cảm thông, và khả năng thấu hiểu đặc biệt của người hướng nội. 
Khả năng đó giúp người hướng nội có khả năng kết nối đặc biệt với những người khác, ở một mức độ sâu sắc. Mahatma Gandhi là nhân vật hướng nội điển hình, đã thống nhất được ý chí của nhân dân Ấn Độ và giành lại độc lập cho đất nước Ấn Độ từ tay thực dân Anh với phương pháp đấu tranh bất bạo động. 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 9.
Câu chuyện Newton và quả táo
Người hướng nội thích ở một mình, và có khả năng tập trung rất cao. Vì vậy người hướng nội rất phù hợp với "tập luyện nâng cao" (deliberately practice). Sự tập luyện này là nền tảng để trở thành chuyên gia, và giúp người hướng nội phát triển năng lực sâu trong một vài lĩnh vực nào đó. Để xây dựng được Facebook hay Google, Mark Zuckerberg và Larry Page đã phải mất hàng ngàn giờ để "vọc" máy tính trước đó. 
Người hướng nội ít bị ảnh hưởng bởi đam mê tiền bạc, danh vọng... hơn người hướng ngoại. Và với bản tính thích suy tư, họ dễ dàng nhìn thấy bản chất của vấn đề, cũng như những nguy cơ dài hạn. Vì vậy chỉ cần người hướng nội có niềm tin vào một tầm nhìn nào đó, họ sẽ có sự kiên định và dũng cảm hơn bất kì ai khác trong việc đấu tranh để biến tầm nhìn đó trở thành sự thực. 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 10.
Nguyên phó tổng thống Hoa Kỳ Al Gore
Ứng cử viên tổng thống AI Gore là một người như vậy. Bằng sự kiên định và lòng quyết tâm không đổi, ông sẵn sàng thuyết trình tới từng gia đình một, từng người dân một, cho tới khi mọi người có thể ý thức đầy đủ về vấn đề "nóng lên toàn cầu". Ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình 2007 "vì những nỗ lực xây dựng và giúp mọi người nhận thức về sự thay đổi khí hậu mà tác nhân chính là con người, cũng như thiết lập nền tảng cho các biện pháp cần thiết để xử lý vấn nạn này". 
Nhờ khả năng tập trung cao độ, và làm việc vì niềm tin hơn là phần thưởng, người hướng nội dễ dàng đạt được trạng thái "flow" của bộ não, trạng thái tập trung cao độ đến mức quên bản thân mình. Đây là trạng thái tối ưu cho việc sáng tạo, vì vậy không lạ khi nhiều người hướng nội có khả năng sáng tạo rất cao. Tới nay, Thomas Edison vẫn là một tấm gương về sự sáng tạo, với tổng cộng 1.500 bằng sáng chế. 
Để trở thành một người hướng nội "trưởng thành", người hướng nội cần dừng hoài nghi về bản thân mình, chấp nhận sống với tính cách của mình và dần dần cải thiện. Chỉ bằng cách đi theo thiên hướng của mình, người hướng nội mới có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình. Một số lời khuyên cụ thể: 
Là người hướng nội: Món quà hay lời nguyền? - Ảnh 11.
Học cách kiểm soát cảm xúc. Bằng cách kiềm chế những cảm xúc "vượt ngưỡng", người hướng nội mới có thể khai thác triệt để năng lực suy nghĩ của bản thân và dồn năng lượng tạo thành hành động. 
Ngừng hoài nghi. Tìm kiếm những giá trị mà bản thân tin tưởng. Những dự án mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa. Xây dựng niềm tin vào nó, và nó sẽ là động lực để người hướng nội có động lực mạnh mẽ làm mọi điều khác. 
Khai thác sức mạnh của sự nhạy cảm, tập trung, tập luyện nâng cao (deliberate practice) và trạng thái flow. Điều đó có nghĩa là mạnh dạn nghe theo cảm xúc, chấp nhận việc "đi trốn" khi cần làm những công việc nghiêm túc, cần sáng tạo, hoặc đấu tranh để được lựa chọn địa điểm và thời gian làm việc phù hợp với bản thân mình. 
Thể hiện bản thân nhiều hơn: đây là việc mà người hướng nội ngại làm. Nhưng chỉ bằng cách mạnh dạn thể hiện tiếng nói, đòi hỏi giá trị mà mình tin tưởng, người hướng nội mới có thể có được môi trường mà mình mong muốn. Đặc biệt là qua việc viết, hoặc mạng xã hội, hai công cụ truyền đạt mà người hướng nội có thế mạnh sử dụng. 
Đối diện với nỗi sợ. Những việc sợ làm là những việc đáng làm nhất là câu nói đúng nhất với những người hướng nội. Bằng việc dần dần đối mặt với từng nỗi sợ của mình, người hướng nội sẽ có đầy đủ kĩ năng và vị thế để đạt được điều mình mong muốn.

Lời kết 

Cuộc trò chuyện giữa tôi và cô bạn hướng nội đôi khi dài như một chương tiểu thuyết, nhưng nhiều lúc cũng rất ngắn: "Ổn không / Vẫn ổn". "Bị sao thế? / Mấy hôm nữa sẽ trở lại"... hoặc đôi khi chỉ inbox để nhắc nhau rằng "Cậu là một người bạn tuyệt vời!". Chỉ cần vậy thôi, là đủ. Bởi người hướng nội thực sự lắng nghe, thực sự chia sẻ, và luôn có mặt đúng lúc. Chỉ cần có một người bạn hướng nội, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình cô độc giữa thế gian. 
Vì thế mà tôi chưa bao giờ ngừng tin tưởng rằng, chỉ cần vượt qua được "lời nguyền", những người hướng nội sẽ là những người tuyệt vời nhất. Tôi mong rằng những người hướng nội có thể ngừng hoài nghi bản thân, cất tiếng nói nhiều hơn, kết nối với nhau nhiều hơn, và cùng nhau tạo nên một môi trường để người hướng nội hay hướng ngoại đều có thể sống tốt mà không cần cố gắng biến mình thành một ai đó khác!

Theo: Tri Thức Trẻ

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

,

Ra trường mới đi làm bị sếp mắng té tát, hãy ghi nhớ 4 điều quan trọng này

Sinh viên mới ra trường luôn có xu hướng tự tin về trình độ, kiến thức của mình cho tới khi va chạm thực tế, đây là vấn đề rất nhiều người gặp phải và nó ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm của những người mới đi làm.


    Mãi sau khi đi làm một thời gian dài, tôi mới nhận ra, những thứ cần thiết nhất, quan trọng nhất, lại không hề được dạy ở trường học. Dưới đây là 4 điều mà bạn không thể bỏ qua, nếu muốn có một khởi đầu sự nghiệp thực sự như ý.
    1. Sao sếp không ghi nhận ý tưởng này của em?
    Điểm chung của những tân sinh viên khi mới đi làm là đều “hừng hực” khí thế. Nhưng đã bao giờ bạn đã rất cố gắng chăm chỉ làm việc, nhưng sau đó khi đưa sếp duyệt, thì lại bị sếp chê te tua? Lúc này, phản ứng thông thường nhất là bạn sẽ gào lên cãi tay đôi với sếp ngay tại chỗ.
    Nếu vẫn không thuyết phục được sếp thì chuyển qua bước 2: "tàu ngầm", tự về ôm gối khóc nức nở, lần sau cứ một mực chỉ làm theo ý sếp, không cần có ý kiến riêng gì nữa. Hoặc tệ hơn là tự ái, hậm hực vì mình đã có thái độ tốt, tinh thần làm việc cao độ, làm thêm giờ... thế mà sếp nỡ lòng nào nặng lời.
    Trong trường hợp này, bạn nên biết rằng, sếp không phải đồng ý với tất cả những thứ bạn mang đến. Ở vị trí cao hơn, với nhiều kinh nghiệm hơn, sếp có những cách nhìn khác bạn. Thế nên thay vì khăng khăng bảo vệ quan điểm, hãy thử lắng nghe thật kỹ góc nhìn của sếp trước. Nếu bạn vẫn thấy cách làm của mình có ưu điểm hơn, bạn có thể nhẹ nhàng nêu quan điểm và cùng sếp thảo luận.

    Và công bằng mà nói, mọi cố gắng hay thái độ tốt, thì phải dẫn đến sự chính xác và kết quả trong công việc. Rất tiếc, mọi người chỉ nhìn vào kết quả bạn làm được. Nên thay vì tự ái vì nỗ lực của mình chưa được ghi nhận, hãy cố gắng hơn một chút nữa, cho tới khi bạn thực sự tạo ra kết quả đủ ấn tượng.
    2. Đưa giải pháp, đừng đưa ra vấn đề
    Không chỉ trong quan hệ sếp - nhân viên, điều này thậm chí đúng trong quan hệ với khách hàng. Có một lần trong dịp làm outsource cho một doanh nghiệp, tôi trình bày với khách hàng về một vấn đề, là anh ơi cái này khó quá, em mô tả cho anh qua tình hình là thế này, không làm được đâu...
    Sau một hồi thảo luận, khách hàng vò đầu bứt tai quay sang bảo: khó quá, thôi anh chịu. Đây là chuyên môn của em, vụ này là của em, em tự tìm giải pháp sao cho hợp lý. (Đáng lý là thêm vế sau nữa: anh đã trả tiền cho em làm cái này mà).
    Tôi giật mình nhận ra: ừ nhỉ, anh ấy trả tiền cho mình làm việc này. Khó thì tìm cách thôi. Mất công thì tương xứng với giá cao. Miễn là trả cao, mọi yêu cầu khó tính đều được chấp nhận.
    Tìm ra vấn đề là điều tương đối dễ, cái khó là tìm ra cách giải quyết nó. Không thể đem tâm lý của thời đi học vào trong công việc, bài khó đã có bạn bè, điểm thấp lần này sẽ có lần sau gỡ… Bạn phải cố gắng xoay xở linh hoạt nhất có thể để tìm một hướng đi, dù nhiều khi nó chưa xử lý được toàn bộ bài toán. Sau cùng thì chẳng ai muốn nghe bạn lùng bùng với một đống vấn đề cả - sếp/khách hàng chỉ hỏi: Giải pháp của em là gì?
    3. Sếp không cần cảm ơn bạn. Đấy là công việc của bạn
    Giả sử bạn đã vượt qua giai đoạn duyệt ý tưởng. Giờ đây ý tưởng của bạn đã được duyệt để thực thi và thật sự mang lại kết quả, vậy mà sếp chẳng có lời nào khen ngợi cả. Bạn cảm thấy tủi thân?
    Nhưng thật ra, có một thực tế bạn nên biết là: Sếp quá bận.Trăm công nghìn việc phải lo, phải xem qua, sửa, duyệt, sửa lại, kí... Bạn hoàn thành nhiệm vụ, tốt lắm, cứ thế phát huy tiếp thôi.
    Vả lại, trước khi vào công ty, lúc phỏng vấn, bạn đã hứa gì nhỉ? Em sẽ hết mình vì công ty, em luôn cầu tiến và làm việc chăm chỉ v..v.. Nếu bạn làm tròn phận sự của mình, đem lại lợi ích cho công ty, thì chuyện đó là hiển nhiên. Và thực tế hơn một tí, dù hơi phũ phàng: Bạn đã được trả lương để làm những việc đó. Đó là việc của bạn.
    Tinh ý hơn, bạn có thể thấy, thi thoảng có những nhân viên hay kêu ca khó khăn, nhưng vẫn làm việc chăm chỉ. Loại kêu khó rồi bỏ đó thì không bàn. Nhưng kêu khó khăn, kể lể, mà vẫn làm chăm chỉ, chứng tỏ anh ta muốn gây chú ý với sếp rằng, sếp ơi vụ này khó thật, nhưng em vẫn cố mày mò tìm tòi cách làm. Sếp... khen em đi.
    Dĩ nhiên tưởng thưởng là một nhu cầu chính đáng của nhân viên. Từ cả phía nhân viên và sếp, có một câu này có thể treo lên trần nhà văn phòng làm việc, cùng nhau coi, để có thể sống hòa hợp:
    "Hầu hết mọi người đều sẵn sàng cống hiến thầm lặng, không cần được ghi nhận ngay lập tức. Nhưng miễn là nó sẽ được ghi nhận sau này
    Về phía sếp, lời ghi nhận chưa bao giờ là muộn.
    Về phía bạn, nếu bạn chưa được sếp ghi nhận, hãy tiếp tục chăm chỉ và cố gắng, cho đến khi kết quả đủ lớn khiến sếp nhận ra"
    4. Đừng hy sinh lợi ích lâu dài vì khoản lương cao trước mắt
    Hầu hết khi khoảng năm 3, năm 4 hoặc mới ra trường, sẽ có hai loại công việc:
    - Lương cao, nhưng không giúp bạn tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng nghĩa với việc các nấc thang sự nghiệp là không rõ ràng hoặc không có luôn. Nghĩa là 1-3 năm sau, khả năng bao quát việc, kỹ năng nghề nghiệp, và dĩ nhiên là lương của bạn vẫn y như vậy.
    - Lương đa dạng, thấp có, cao có, không lương trong thời gian đầu cũng có. Tuy nhiên, các bước tiến sự nghiệp rõ ràng, và chỉ rõ cho bạn việc phải tích lũy thêm điều gì để tiến tới nấc thang tiếp theo là gì.
    Thường phần lớn khi mới bắt đầu, việc bạn lựa chọn sẽ bị ảnh hưởng bởi mong muốn gây ấn tượng với bạn bè, bạn học, bạn gái, thậm chí là... gây ấn tượng với những người bạn không thích. Và thế là mọi người thường sẽ chọn phương án một, để có thể sớm gây ấn tượng được với mọi người.
    Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn đi chắc tiến xa, loại công việc thứ hai mới là thứ bạn nên chọn. Lựa chọn này sẽ khiến bạn bạn gặp khó khăn trong thời gian đầu, nó đòi hỏi bạn phải xoay xở liên tục để gặt hái những kỹ năng cần thiết, trước khi kết quả dần trở nên tốt đẹp hơn. Bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn, chú ý quan sát lắng nghe nhiều hơn, và phải kiên nhẫn với chính bản thân mình hơn. Chắc chắn là thế rồi, vì không có con đường tắt nào để đi đến thành công nhanh hơn cả.
    Khánh Nguyễn Spiderum
    Theo Trí Thức Trẻ

    Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

    Dốc hết trái tim thành lập chuỗi cafe Windmills của chàng trai 24 tuổi

    Sáng lập chuỗi café Windmills (tạm dịch: Cối xay gió) là Nguyễn Đăng Phong (cựu sinh viên ĐH Mở TP.HCM). Không chỉ gây dựng một quán café, Phong đang vun đắp một “không gian thứ 3” tiếp năng lượng cho ước mơ của người trẻ Việt.

     “Dốc hết trái tim” như Howard Schultz

    “Kinh doanh hoa hay bán trà đá cũng được, chỉ cần được trải nghiệm một điều gì đó!” – Bắt đầu từ khao khát dấn thân của một sinh viên năm 3, Nguyễn Đăng Phong từ bỏ ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Mở TP.HCM, trở về Đà Lạt thành lập một hệ thống phân phối hoa giúp cải thiện giá cả cho nông dân.

    Nhiệt huyết của Phong đã cuốn hút bốn bạn khác cùng đồng hành. Suốt bốn tháng, năm người đã làm việc cật lực. Nhưng “thương trường là chiến trường”, mà “người cầm cương” chỉ mới 21 tuổi, non cả kiến thức lẫn kinh nghiệm. Khi bán hoa đang sinh lời thì Phong lãnh một đòn đau vì đối tác quỵt tiền. Không cách nào đòi được 84 triệu, Phong nhận ra cuộc chơi hoa quá lớn vượt ngoài khả năng của mình.

    Trong lúc bế tắc, một ý tưởng lóe lên trong đầu Phong: “Tại sao không kết hợp hoa với café?”. Ngày 1/1/2012, với 460 triệu đầu tư, cửa hàng café hoa đầu tiên của năm bạn trẻ mang tên Windmills đã ra mắt tại số 133 Phan Đình Phùng, Đà Lạt.

    “Phá băng” thành phố mù sương tại vị trí tuyệt đẹp ngay trong lễ hội hoa chào mừng năm mới, mọi ánh mắt tò mò đều đổ về Windmills. Nhưng ngày đầu khai trương là một thảm họa. Thiếu và yếu kinh nghiệm quản lý, các bạn làm theo cách “vá đắp”, thấy chỗ nào hỏng hóc thì sửa cho ổn thêm. Cửa hàng chưa chỉn chu, khách uống nước bỏ quá nửa ly, loa hư không phát nhạc được. Trong 1 tháng, Phong liên tục “cắm rễ” ở Windmills từ 7 giờ kém đến 23 giờ đêm. Mỗi sáng mở mắt ra, Phong đều phải vắt óc nghĩ cách xoay đủ vài triệu để trả chi phí: Tiền thợ hồ, lương nhân viên, phí mặt bằng…

    Nhưng đã quyết tâm làm thì cứ làm cho tới, năm bạn trong Ban quản trị Windmills (BQT) đặt ra khát vọng: “Đưa Windmills trở thành 1 trong 10 công ty có nền văn hóa tốt nhất Việt Nam.” Từ đó, những luật lệ ngược đời đã xuất hiện: Người làm bể ly sẽ… không phải đền tiền, doanh số lời lỗ hàng ngày được công khai tới toàn bộ 12 nhân viên… Phong chia sẻ: “Ở Windmills, nếu BQT không tiên phong làm được thì đừng bảo nhân viên hành động! Mình tin rằng, nếu để nhân viên biết mỗi giờ Windmills lời lỗ bao nhiêu đồng, thì bạn sẽ hiểu mỗi tổn hại bạn gây ra, dù chỉ là rót quá chút sữa, sẽ ảnh hưởng đến quán ra sao thì các bạn sẽ tự nhiên ý thức được, không cần ai gò ép.” Như Howard Schultz đã dốc hết trái tim để làm nên Starbucks, Nguyễn Đăng Phong đã đem trọn tâm huyết xây dựng gia đình chung trong một quán café.

    Tan vỡ

    Một năm sau, chính Phong và cộng sự vô tình cầm đá đập vỡ khát vọng của mình.

    Mỗi ngày, BQT Windmills phải căng thẳng đối mặt với rắc rối liên miên của quán: tranh chấp với thợ, sửa máy pha café hư,… Cho dù quyết tâm lớn, nhưng những người trẻ 22 – 23 tuổi không tránh khỏi bồng bột, dẫn đến mâu thuẫn với nhân viên. Từ một nền văn hóa “gia đình”, các “anh chị em ruột” (nhân viên) bắt đầu phàn nàn về cách quản lý thiếu chặt chẽ của “cha mẹ” (BQT) suốt 3 tháng mà Phong không mảy may biết. Khi chất lượng dịch vụ của cửa hàng đi xuống, Phong mới phát hiện ra sự thật. Đau lòng ở chỗ, các bạn có quyền làm việc đó vì lỗi bắt nguồn từ chính BQT. Tháng 3/2013, ngược với ước mơ xây dựng nền văn hóa công ty hàng đầu, Phong phải cho thôi việc 5/12 người – một nửa nhân sự của Windmills. Nội bộ BQT rơi vào khủng hoảng bởi chính Phong và bốn bạn đồng hành cũng bất đồng, mỗi người ôm một tâm sự suốt ba tháng qua.

    “Mình ra biển đi!” – Muốn một bước ngoặt đột phá cho nhóm, Phong đề nghị. Năm người thuê một con tàu, lênh đênh giữa biển Nha Trang. Gió biển thổi vào mọi người tâm trạng mới, để dũng cảm quay về khách sạn nói cho ra vấn đề: “Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao mình không đi đúng mục tiêu ban đầu?” Năm người người rút ruột gan trút vào nhau những sự thật đau lòng nhất.

    Phong chia sẻ: “Có lúc, mình chỉ muốn nói “mọi người đừng kể nữa” vì không khí quá nặng nề. Nhưng rồi cả nhóm đều ngộ ra, dù cãi nhau tới mấy, mọi người vẫn còn thương Windmills. Còn quá nhiều thứ tốt đẹp trên thế giới này, và chúng mình còn trẻ, chỉ mới 23, vẫn muốn sống tiếp với khát khao. Cuối cùng, tụi mình quyết định dốc hết sức xây giấc mơ Windmills một lần nữa.”

    Trở lại Đà Lạt với ý tưởng “giấc mơ” sôi sục trong người, 19 thành viên của Windmills lao vào brainstorm suốt 48 tiếng. Cuối cùng, Windmills đã hồi sinh với slogan “Be the dream inside you”. (Tạm dịch: Hãy theo đuổi giấc mơ trong bạn).

    Nơi những giấc mơ hát

    Howard Schultz đã khởi xướng câu chuyện Starbucks không chỉ bán café, mà bán “nơi chốn thứ 3” sau gia đình và nơi làm việc. Phong và các bạn đã xây lại Windmills như một “nơi chốn thứ 3” sau gia đình và trường học, để những bạn trẻ có tinhh thần tiên phong và lãnh đạo nuôi dưỡng ước mơ. “Nếu muốn nhảy flashmob, tại sao cứ phải nhảy lén trong nhà vệ sinh? Tại sao không lao ra ngoài và biến giấc mơ thành hiện thực?” Bằng suy nghĩ ấy, Windmills tổ chức thành công chương trình flashmob tại phố đi bộ Hòa Bình với 200 bạn trẻ tham gia.

    Tháng 3/2014, Windmills xuất hiện tại TP.HCM. Đập ngay vào mắt khách hàng tại Windmills quận 1 là 12 tấm ảnh chụp 12 giấc mơ của nhân viên treo ngay cửa quán: “Với tôi, không gì tuyệt vời hơn là trở thành một kỹ sư nông nghiệp” (Lý Ngọc Lâm), “Chỉ có nỗ lực thôi là chưa đủ, cần phải có đầy đủ đam mê và nhiệt huyết ta mới có thể trở thành một Barista hạng nhất!” (Đoàn Bảo Tín). Thông điệp “giấc mơ” được Phong rào chặt chẽ từ slogan đến password wifi “Dream on” (tạm dịch: Cứ mơ đi).

    Phong cho biết, khách hàng mục tiêu của Windmills là những bạn trẻ, nhiệt huyết, suy nghĩ tích cực, đang tìm kiếm/theo đuổi giấc mơ.Rất khôn ngoan, Windmills chọn cách xây dựng cộng đồng khách hàng thân thiết theo mô hình kim cương. Trong một viên kim cương, mỗi nguyên tử carbon liên kết với bốn nguyên tử khác tạo cấu trúc bền chặt khó lòng đổ vỡ. Tương tự, Phong khuyến khích khách hàng tới Windmills tự kết bạn với nhau không cần sự can thiệp của BQT, tạo thành một cộng đồng quen biết bền chặt. Bằng các kế hoạch: xây phòng họp nhóm riêng, chạy khuyến mãi giảm giá cho nhóm đông người, tổ chức những buổi aucostic guitar “cây nhà lá vườn”…, Phong muốn tạo ra không khí nhộn nhịp, dồi dào năng lượng, nhiều cảm hứng; khiến khách hàng thấm nhuần suy nghĩ: “Tại Windmills, mình năng động hơn, mình tập trung hơn, chứ không ù lì như ở nhà trọ”. Dần dần, Windmills sẽ trở thành “nơi chốn thứ ba” của khách hàng.

    24 tuổi, Nguyễn Đăng Phong vẫn chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH Mở TP.HCM. Phong còn bận rộn đi về giữa Đà Lạt và TP.HCM chăm lo cho Windmills. Phong và cộng sự để lại trong lòng những người đang hoài nghi thế hệ trẻ nhiều suy nghĩ. Về làn sóng cuộn trào của những người Việt chẳng có gì trong tay ngoài tuổi trẻ sôi sục khát khao, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng theo đuổi một giấc mơ lớn vượt tầm vóc.

    Đỗ Thanh Lam

    Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

    [iVIVU] Du lịch Hội An: Cẩm nang từ A đến Z

    Nổi bật trong cung đường du lịch miền Trung, phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ. Dù là ngày hay đêm, du lịch Hội An vẫn mang trong mình những vẻ đẹp lôi cuốn khác nhau.
    Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các món ăn đặc sản… làm cho Hội An ngày càng hấp dẫn du khách thập phương.

    Vẻ đẹp lôi cuốn của Hội An. Ảnh: Andreaanastasiou.com


    Lên lịch du lịch Hội An

    Thời điểm du lịch Hội An tuyệt nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, trời ít mưa, khí hậu dễ chịu. Tránh đi vào mùa hè vì nhiệt độ tăng cao, rất oi bức. Mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11 cũng có nhược điểm là không gian ẩm ướt do mưa nhiều và nặng hạt.
    Bạn hãy đến thăm Hội An vào ngày 14, rằm âm lịch hàng tháng để tham dự đêm phố cổ. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm những chiếc đèn lồng đỏ rực giăng khắp phố, một khung cảnh đặc trưng của Hội An vào dịp lễ.

    Thử tận hưởng dịch vụ cao cấp ở Khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An Beach Resort & Spa giá ưu đãi chỉ có tại iVIVU.com

    Hội An lung linh trong đêm.
    Hội An lung linh trong đêm. Ảnh: Travellingalice

    Di chuyển đến Hội An

    Máy bay
    Hội An thuộc Quảng Nam nhưng sân bay gần nhất lại ở Đà Nẵng (Hội An cách Đà Nẵng 30km). Hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjetair đều có khai thác các đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng. Nếu muốn mua được vé rẻ, bạn nên đặt trước khoảng 3 đến 6 tháng.
    Các phương tiện khác : Ô tô, tàu hỏa
    • Từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đều có tuyến xe lửa đến Đà Nẵng (tuyến Bắc – Nam), giá vé dao động từ 400.000đ đến 1.200.000đ tùy loại tàu và loại ghế. Mất từ 14 đến 20 tiếng để đi từ hai thành phố này đến Đà Nẵng bằng xe lửa.
    Xe khách: tốn khoảng 400.000đ – 500.000đ. Xe Hoàng Long, Hlink, Mai Linh, Thuận Thảo. Thời gian 18 đến 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.
    Vì điểm trung chuyển đến Hội An chủ yếu hiện nay là bến tàu, xe Đà Nẵng. Từ đó bạn có thể bắt xe bus/taxi đi Hội An rất thuận tiện.
    • Đi từ hướng Hà Nội cũng có thể chọn điểm dừng tại ga Tam Kỳ (Quảng Nam), tại đây bắt xe đi Hội An.
    • Nếu xuất phát từ hướng TP. HCM bạn có thể chọn chuyến xe ra miền Bắc hoặc Đà Nẵng, sẽ đi ngang và dừng tại Hội An.
    Lưu ý: Từ thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai cách:
    + Bạn có thể đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km là đến Hội An.
    + Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung Tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, đến Hội An khoảng 30km.
    Phương tiện đi lại ở Hội An
    • Hội An có đầy đủ các dịch vụ giao thông như xe bus, taxi, xe ôm, xích lô
    • Giá thuê xe máy từ 120.000 – 150.000 VND/ngày.
    • Nhưng thú vị nhất khi đến thăm Hội An vẫn là đi bộ hoặc thuê xe đạp vòng quanh khu phố để cảm nhận nét đặc biệt của nơi này. Giá thuê một chiếc xe đạp là 40.000VND/ngày.
    Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu trong phố cổ.
    Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu trong phố cổ. Ảnh: Vietnamtravelblog
    Các số điện thoại cần biết:
    Công an thành phố Hội An: 0510 3861204
    Bưu điện Hội An: 0510 3861635
    Bệnh viện Hội An: 0510 3864750
    Taxi Hội An: 0510 3919919
    Tư vấn du lịch: 0510 3910919

    Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Hội An

    Những điểm đến trong phạm vi phố cổ Hội An

    Chùa Cầu
    Chùa Cầu là viên ngọc giữa lòng Hội An. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.
    Vị trí: Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồm giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.
    Chùa Cầu Hội An.
    Chùa Cầu. Ảnh: Worldheritage.routes.travel

    Tham khảo ngay khách sạn khu vực Chùa Cầu Hội An

    Hội quán Phúc Kiến
    Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.
    Vị trí: 46 đường Trần Phú
    Hội quán Triều Châu
    Hội quán được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi. Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ chạm trỗ tinh xảo, cùng những họa tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
    Vị trí: 92B Nguyễn Duy Hiệu.
    Hội quán Quảng Đông
    Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang. Sự sử dụng hợp lý các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực, chi tiết trang trí đã đem lại cho Hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình thu hút nhiều người tham gia.
    Vị trí: 176 Trần Phú
    Hội quán Quảng Đông nhìn từ bên ngoài.
    Hội quán Quảng Đông nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Hoian60s.com
    Nhà thờ Tộc Trần
    Nhà thờ Tộc Trần do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, có nhiều hạng mục: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở… Nhà thờ cổ tộc Trần Hội An là nhà thờ cổ mang phong cách nhà thờ tộc của người Việt từ ngàn xưa còn nguyên vẹn hình thể kiến trúc cổ.
    Vị trí: Số 21 đường Lê Lợi.
    Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa
    Được thành lập vào năm 1989, bảo tàng trưng bày 212 hiện vật gốc và tư liệu có giá trị bằng gốm, sứ, đồng sắt, giấy, gỗ… phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị – thương cảng Hội An từ thời kỳ văn hoá Sa Huỳnh (từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên) đến thời kỳ văn hoá Chăm (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15) và văn hoá Đai Việt, Đại Nam (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19).
    Vị trí: Số 13 Nguyễn Huệ.
    Nhà Cổ Tấn Ký
    Ðược xây dựng cách đây gần 200 năm, nhà Tấn Ký có kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà phố Hội An với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa.
    Nhà được xây dựng bởi những loại vật liệu truyền thống và được tạo tác bởi những thợ mộc, nề địa phương nên vừa mang dáng nét riêng, nhanh nhẹn, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao lưu với các phong cách kiến trúc trong khu vực. Ngày 17 tháng 2 năm 1990, nhà Tấn Ký đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.
    Nhà cổ Tấn Ký.
    Nhà cổ Tấn Ký. Ảnh: niemrieng.net
    Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
    Xưởng quy tụ hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và Quảng Nam như dệt chiếu, dệt vải, gốm, sơn mài… Vào thăm xưởng, du khách sẽ tìm thấy khung cảnh thanh bình êm ả của một hình ảnh làng quê Việt Nam; được tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo và kỹ năng tuyệt vời của các nghệ nhân, tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc. Du khách có thể tham gia một vài khâu trong quá trình sản xuất của các nghề và mua một vài sản phẩm về làm kỷ niệm.
    Vị trí: Số 9 Nguyễn Thái Học
    Thông tin thêm: Có 21 điểm phải mua vé mới được vào tham quan khi du lịch Hội An. Khách trong nước: 60.000 đồng/vé/3 điểm tham quan; khách nước ngoài: 120.000 đồng/vé/6 công trình văn hóa. Chính sách miễn giảm: Đi 15 khách được miễn một vé; đoàn đi 8 khách miễn phí hướng dẫn viên; trẻ em dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí. Nơi mua vé: Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An.

    Một số điểm tham quan phải di chuyển xa

    Biển Cửa Đại
    Cửa Đại là một bãi tắm đẹp, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và rất sẵn các quán hải sản tươi ngon với giá rẻ. Đến biển Cửa Đại vào buổi tối cũng rất tuyệt bởi lúc ấy bãi biển mênh mông, lung linh dưới những ngọn đèn dầu lãng mạn.


    Vị trí: Cách phố cổ Hội An 5 km về hướng Đông.
    Vẻ đẹp của biển Cửa Đại.

    Biển An Bàng
    Đến biển An Bàng, bạn sẽ được cảm nhận sự trong lành tuyệt diệu khi thả bộ dọc theo triền cát, đón ánh mặt trời lên, ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi lúc hừng đông trên mặt biển.
    Vị trí: Thuộc phường Cẩm An, nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3 km về phía Đông.
    Ngoạn cảnh sông Thu Bồn
    Bạn có thể tham gia một tour đi ghe dọc sông Thu Bồn. Hai bên bờ sông có những cồn cát tuyệt đẹp, cảnh đồng ruộng, núi non đẹp như tranh vẽ. Đặc biệt, hoàng hôn trên sông Thu Bồn có thể khiến mọi du khách phải xao lòng.
    Vị trí: Khởi hành từ bến thuyền trên đường Bạch Đằng, chạy một đoạn sông Hoài rồi ra sông Thu Bồn.
    Hoàng hôn trên sông Thu Bồn.

    Làng Mộc Kim Bồng
    Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Đến làng nghề này, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng các khâu chế tác ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ gỗ rất tinh xảo.
    Vị trí: Nằm ở xã Cẩm Kim đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia sông Thu Bồn. Từ bến đò phố cổ, bạn chỉ mất 10 phút đến đó bằng thuyền.
    Làng Gốm Thanh Hà
    Vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghề gốm của làng có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi tiếp thu được một số vốn liếng kỹ thuật thì đã hình thành làng gốm như ngày nay. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác.
    Vị trí: Nằm cách Hội An 3 km về hướng Tây (di chuyển bằng thuyền khoảng gần 30 phút từ bến đò khu phố cổ).
    Du khách thích thú với trải nghiệm tập làm gốm tại làng gốm Thanh Hà.
    Du khách thích thú với trải nghiệm tập làm gốm tại làng gốm Thanh Hà. Ảnh: flickr.com
    Tham quan đảo Cù Lao Chàm
    Cù Lao Chàm gồm 7 hòn đảo nhỏ là Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Tai, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Ông. Cù Lao Chàm nổi bật về đa dạng sinh học với rừng tự nhiên, bãi biển đẹp, rạn san hô và nhiều loài thủy sản có giá trị.
    Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Cù Lao Chàm.
    Nếu đi bụi, du khách có thể trải nghiệm cảm giác đêm ở Cù Lao Chàm, chỉ cần thuê một cái lều (50.000VND) + đóng tiền lưu trú qua đêm là 20.000VND. Tắm biển Cù Lao Chàm nên cẩn thận con sứa trong veo, chạm vào người sẽ mẩn ngứa một lúc khá khó chịu.
    Vị trí: Thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về phía Đông, khoảng 30 phút đi tàu cao tốc xuất phát tại cảng Cửa Đại hoặc đi thuyền gỗ xuất phát tại bến Bạch Đăng với hành trình khoảng 2 giờ đồng hồ.
    Lưu ý: Tham quan bằng phương tiện đường thủy, du khách liên hệ:
    - HTX Vận tải Thủy bộ Hội An. ĐT: 0510.3861240
    - Xí nghiệp vận tải Sông Hội. ĐT: 0510.3861332
    -Văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An. ĐT:0510.3862715

    Ẩm thực của du lịch Hội An

    Phố cổ Hội An tuy nhỏ nhưng văn hóa ẩm thực lại vô cùng phong phú. Sau đây là một số món ngon và địa chỉ để bạn thưởng thức khi đến với địa danh đặc biệt này:
    Cơm gà Phố Hội
    Với tất cả sự khéo kéo tỉ mỉ trong cách chế biến, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà đủ tạo dấu ấn để người ta cho nó một cái tên riêng: Cơm gà phố Hội. Cơm gà phố Hội ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm càng tăng thêm phần hấp dẫn.
    Địa chỉ: Cơm gà Bà Buội (26 Phan Châu Trinh), cơm gà Bà Hương – Kiệt (hẻm) Sica, cơm gà Bà Minh, Cơm gà Nga…
    Món cơm gà phố Hội.
    Món cơm gà phố Hội. Ảnh: Vietnamfood.org
    Cao Lầu
    Nhiều người dân sống lâu năm ở phố cổ nói cao lầu xuất hiện ở Hội An từ thế kỷ 17. Có lẽ vì thế mà món này chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực của người Hoa cũng như món mì lạnh Udon của người Nhật. Tuy vậy, cao lầu Hội An vẫn mang đậm nét riêng và duy chỉ có Hội An mới có món Cao Lầu đúng chất.
    Địa chỉ: Rất dễ để tìm ăn cao lầu Hội An, từ hàng gánh lề đường đến các nhà hàng trên đường Trần Phú, nổi tiếng nhất là quán Bà Bé, Trung Bắc.
    Món Cao Lầu.

    Bánh bao, bánh vạc
    Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cách làm gần giống nhau, thường ăn chung trên một đĩa bánh. Khác là nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon khi ở Hội An.
    Địa chỉ: Nhà hàng Bông Hồng Trắng trên đường Nhị Trưng. Tại đây, bạn có thể tận mắt nhìn thấy quá trình làm bánh công phu của quán.
    Bánh bao, bánh vạc.
    Bánh bao, bánh vạc. Ảnh:cvw-rtw.blogspot
    Bánh đập – hến xào
    Miếng bánh đập giòn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An.
    Địa chỉ: Đi qua cây cầu Cẩm Nam (xe 45 chỗ không qua được) chừng 100m, con đường đột ngột bẻ cong sang trái, vừa qua khúc cua này sẽ thấy một dãy hàng quán san sát nhau và trên mỗi tấm bảng hiệu đều để món đặc sản của khu vực này: “chè bắp, bánh đập, hến xào”. Quán bánh đập Bà Già nổi tiếng nhất ở đây.
    Bánh đập – hến xào.
    Chè bắp
    Chè bắp – một món ăn dân dã trở nên rất nổi tiếng ở Hội An bởi nó được chế biến từ bắp Cẩm Nam ngon có tiếng của xứ Hội. Chè có vị ngọt, thơm thanh tao và tự nhiên của bắp mới bẻ. Khác với chè của miền Nam, chè bắp Hội An không nấu với nước dừa nên có hương vị nguyên bản của bắp, chỉ khi ăn mới rưới chút nước cốt lên trên để tăng vị béo. Mùa bắp Cẩm Nam cũng là mùa chè, rộ nhất là từ tháng 3 – tháng 9 hàng năm.
    Địa chỉ: Vỉa hè phố Trần Phú, Lê Lợi, chỉ khoảng 7.000đồng/bát.
    Bánh bèo Hội An
    Để làm bánh bèo, người ta chọn loại gạo ngon, nhân bánh bèo là tôm, thịt. Khách vào quán, người chủ sắp nhiều chén bánh lên khay, múc nhân đổ vào, thêm dầu mỡ, tương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn. Ăn bánh bèo phải dùng đến “dao tre”, đó là một thanh tre vót hình lưỡi dao. Kiểu ăn như thế cũng gợi bao sự hiếu kỳ cho khách và là lối ẩm thực khác biệt giữa bánh bèo với các món ngon Hội An khác được chế tác bằng gạo.
    Địa chỉ: Quán tại Cẩm Châu, Cẩm Nam…
    Bánh bèo Hội An.

    Mì Quảng
    Nhìn bên ngoài, mì Quảng gần giống như Cao Lầu nhưng chỉ cần nếm thử một lần thôi, bạn sẽ thấy đây là hai món ăn khác biệt hoàn toàn. Mì Quảng thường được ăn cùng với tôm, thịt, trứng cút… Tất cả đều ngấm gia vị thấm thía. Khi ăn cũng không thể thiếu bánh tráng nướng giòn và rau ăn kèm.
    Địa chỉ: Quán bà Minh, khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An, đầu phố Trần Phú; các gánh mì Quảng bán rong trên hè phố.
    Hoành thánh
    Hoành thánh có nhiều loại: hoành thánh súp, hoành thánh mì, hoành thánh chiên, mỗi loại còn chia ra là heo, gà, tôm nữa. Theo kinh nghiệm, hoành thánh gà và heo rất dễ ăn, hoành thánh tôm thì thơm và ngọt hơn, còn hoành thánh chiên thì hơi ngấy một chút.
    Địa chỉ: Quán ăn Vạn Lộc trên đường Trần Phú, bình dân hơn có quán 26 Thái Phiên.
    Bánh tráng (bánh cuốn/bánh ướt)
    Cũng gần giống với bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội nhưng thay vì là bánh tráng mỏng kèm với nhân mộc nhĩ thì ở Hội An, bánh tráng còn có thêm tôm chấy nữa. Khi ăn, bánh được rưới thêm mỡ hành rất thơm, ăn kèm chả lụa (giò lụa).
    Địa chỉ: Phố ẩm thực ven sông Hoài.
    Bánh xèo Hội An
    Bánh xèo Hội An là đặc sản chính hiệu của vùng đất phố Hội. Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài gạo, còn có thêm tôm, thịt. Để đúc nên món bánh xèo người làm phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất nóng nực, do đó mùa mưa trong năm từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa thích hợp nhất cho việc làm bánh xèo ở Hội An.
    Địa chỉ: Quán Giếng Bá Lễ (hẻm Phan Chu Trinh); Bale Well (quán Bà Lệ) – 45/51 Trần Hưng Đạo.
    Bánh xèo Hội An.


    Mua sắm khi du lịch Hội An

    • Đèn lồng Hội An được làm khá đẹp, nhẹ và có thể thu gọn lại nên rất thích hợp cho du khách mua về làm vật kỷ niệm. Có thể tìm mua trên đường Trần Phú của hàng đèn lồng Tuổi Ngọc, Ngọc Thu hay cửa hàng trên đường Lê Lợi. Giá không quá đắt, chỉ vài chục ngàn một chiếc.
    Du khách đến Hội An thường mua những chiếc đèn lồng xinh xắn về làm quà.
    Du khách du lịch Hội An thường mua những chiếc đèn lồng xinh xắn về làm quà. Ảnh: dulivi.com
    • May quần áo ở Hội An vừa rẻ vừa đẹp, lại nhanh nữa. Chỉ trong một vài tiếng, người thợ sẽ may xong cho bạn những bộ đồ ưng ý. Nếu không thể chờ được, chỉ cần để lại số đo và địa chỉ, cửa hiệu sẽ gửi sản phẩm đến tận nơi cho bạn. Các cửa hàng may mặc: shop Thu Thủy (60 Lê Lợi), Yaly (358 Nguyễn Duy Hiệu), Á Đông silk (40 Lê Lợi), Bảo Khánh (101 Trần Hưng Đạo).
    • Giày dép Hội An cũng khá phong phú và đẹp. Nhiều cửa hàng nhận đóng giày dép nhanh tương tự cửa hàng may quần áo.
    • Các loại bánh bạn có thể mua về làm quà như: bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai
    • Tương ớt Hội An là món đặc biệt, cay nồng lại thơm.
    • Những thứ khác: Đồ lụa tơ tằm, khắc gỗ, đồ thêu ren, đồ lưu niệm, đồ đá…

    Mẹo/thông tin khác

    • Hội An rất thú vị vào sáng sớm, đường phố vắng lặng, những người dân Hội An chuẩn bị bắt đầu ngày mới, không có ánh đèn điện, người bán người mua tấp nập.
    • Có thể đi dạo ở Hội An ban đêm trong những ngõ ngách thanh tịnh của phố cổ.
    • Hàng đêm ngay Bến Bạch Đằng có thuyền văn hóa dạo quanh sông, hòa tấu nhạc dân tộc.
    • Các nhà hàng, cửa hiệu luôn sẵn sàng phục vụ bạn tận tình. Vì thế, bạn không nhất thiết phải nghe những người dẫn mối hoặc theo họ đến nơi mua sắm.
    Hội An - không gian tuyệt vời để thư giãn.


    Ở đâu khi du lịch Hội An?

    Là thành phố du lịch, đặc biệt thu hút du khách nước ngoài nên Hội An không thiếu các khách sạn tiện nghi, ngay trung tâm thành phố giá phòng khá cao, nhưng khó có phòng trống. Du khách nên đặt phòng trước ít nhất 2 tháng để có giá tốt. Vào mùa cao điểm, nếu đặt muộn có thể tìm phòng xa khu trung tâm như đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn gần bến xe, đường Thái Phiên.

    Những địa điểm chụp hình đẹp ở Hội An

    Chụp hình tại các bãi biển đẹp của Hội An
    Cách trung tâm đô thị cổ Hội An 5km về phía Đông, Cửa Đại từ lâu được biết đến là cửa ngõ của một thương cảng sầm uất và cảnh sắc đẹp bậc nhất của xứ Đàng Trong. Nếu như phố cổ Hội An cổ kính, tĩnh lặng thì biển Cửa Đại, hoặc An Bàng lại trẻ trung và sống động, hấp dẫn khách du lịch và các cặp đôi cô dâu chú rể tới chụp hình cưới, bởi vẻ đẹp hoang sơ trong lành và không gian rộng mở.
    Ảnh: kenhcuoi.vn
    Chụp ảnh trong các tuyến đường phố cổ Hội An
    Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ … những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, phủ một màu rêu phong cổ kính sẽ khiến bức ảnh của bạn trông thật sự ấn tượng.
    Ảnh: Huy Dũng -Hà Như

    Chụp ảnh dưới chân Chùa Cầu
    Chùa Cầu – Biểu tượng của Hội An được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và thường được gọi là cầu Nhật Bản. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây. Do kiến trúc độc đáo của Chùa Cầu, mà rất nhiều du khách khi đến Hội An đều muốn lưu giữ những hình ảnh đẹp về điểm đến hấp dẫn này.
    Ảnh: ST
    Ảnh: ST
    Chụp ảnh trên sông Hoài
    Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Với người dân nơi đây nói riêng và du khách nói chung, con sông này như biểu tượng không thể tách rời của phố cổ. Bên cạnh việc chụp ảnh cùng sông Hoài, bạn cũng có thể lên thuyền thả hoa đăng và lưu lại hình ảnh cả bến sông trở nên lung linh hệt như những câu chuyện cổ tích vào những ngày rằm.
    Ảnh: ST

    Chụp ảnh cùng đèn lồng Hội An
    Đèn lồng cũng là một nét đặc trưng rất riêng biệt của Hội An. Lụa Hội An đã đẹp, nay được sử dụng để tạo thành những lồng đèn rực rỡ màu sắc làm cho thành phố về đêm càng lung linh rực rỡ hơn. Vào buổi tối, dọc hai bên bờ sông Hoài, bạn sẽ thấy rất nhiều bạn trẻ chụp ảnh bên những chiếc đèn lồng tỏa sáng lung linh muôn sắc màu.
    Ảnh: Ashmolephotography.com


    Theo San San (Tổng hợp