Sáng lập chuỗi café Windmills (tạm dịch: Cối xay gió) là Nguyễn Đăng Phong (cựu sinh viên ĐH Mở TP.HCM). Không chỉ gây dựng một quán café, Phong đang vun đắp một “không gian thứ 3” tiếp năng lượng cho ước mơ của người trẻ Việt.
“Dốc hết trái tim” như Howard Schultz
“Kinh doanh hoa hay bán trà đá cũng được, chỉ cần được trải nghiệm một điều gì đó!” – Bắt đầu từ khao khát dấn thân của một sinh viên năm 3, Nguyễn Đăng Phong từ bỏ ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Mở TP.HCM, trở về Đà Lạt thành lập một hệ thống phân phối hoa giúp cải thiện giá cả cho nông dân.
Nhiệt huyết của Phong đã cuốn hút bốn bạn khác cùng đồng hành. Suốt bốn tháng, năm người đã làm việc cật lực. Nhưng “thương trường là chiến trường”, mà “người cầm cương” chỉ mới 21 tuổi, non cả kiến thức lẫn kinh nghiệm. Khi bán hoa đang sinh lời thì Phong lãnh một đòn đau vì đối tác quỵt tiền. Không cách nào đòi được 84 triệu, Phong nhận ra cuộc chơi hoa quá lớn vượt ngoài khả năng của mình.
Trong lúc bế tắc, một ý tưởng lóe lên trong đầu Phong: “Tại sao không kết hợp hoa với café?”. Ngày 1/1/2012, với 460 triệu đầu tư, cửa hàng café hoa đầu tiên của năm bạn trẻ mang tên Windmills đã ra mắt tại số 133 Phan Đình Phùng, Đà Lạt.
“Phá băng” thành phố mù sương tại vị trí tuyệt đẹp ngay trong lễ hội hoa chào mừng năm mới, mọi ánh mắt tò mò đều đổ về Windmills. Nhưng ngày đầu khai trương là một thảm họa. Thiếu và yếu kinh nghiệm quản lý, các bạn làm theo cách “vá đắp”, thấy chỗ nào hỏng hóc thì sửa cho ổn thêm. Cửa hàng chưa chỉn chu, khách uống nước bỏ quá nửa ly, loa hư không phát nhạc được. Trong 1 tháng, Phong liên tục “cắm rễ” ở Windmills từ 7 giờ kém đến 23 giờ đêm. Mỗi sáng mở mắt ra, Phong đều phải vắt óc nghĩ cách xoay đủ vài triệu để trả chi phí: Tiền thợ hồ, lương nhân viên, phí mặt bằng…
Nhưng đã quyết tâm làm thì cứ làm cho tới, năm bạn trong Ban quản trị Windmills (BQT) đặt ra khát vọng: “Đưa Windmills trở thành 1 trong 10 công ty có nền văn hóa tốt nhất Việt Nam.” Từ đó, những luật lệ ngược đời đã xuất hiện: Người làm bể ly sẽ… không phải đền tiền, doanh số lời lỗ hàng ngày được công khai tới toàn bộ 12 nhân viên… Phong chia sẻ: “Ở Windmills, nếu BQT không tiên phong làm được thì đừng bảo nhân viên hành động! Mình tin rằng, nếu để nhân viên biết mỗi giờ Windmills lời lỗ bao nhiêu đồng, thì bạn sẽ hiểu mỗi tổn hại bạn gây ra, dù chỉ là rót quá chút sữa, sẽ ảnh hưởng đến quán ra sao thì các bạn sẽ tự nhiên ý thức được, không cần ai gò ép.” Như Howard Schultz đã dốc hết trái tim để làm nên Starbucks, Nguyễn Đăng Phong đã đem trọn tâm huyết xây dựng gia đình chung trong một quán café.
Tan vỡ
Một năm sau, chính Phong và cộng sự vô tình cầm đá đập vỡ khát vọng của mình.
Mỗi ngày, BQT Windmills phải căng thẳng đối mặt với rắc rối liên miên của quán: tranh chấp với thợ, sửa máy pha café hư,… Cho dù quyết tâm lớn, nhưng những người trẻ 22 – 23 tuổi không tránh khỏi bồng bột, dẫn đến mâu thuẫn với nhân viên. Từ một nền văn hóa “gia đình”, các “anh chị em ruột” (nhân viên) bắt đầu phàn nàn về cách quản lý thiếu chặt chẽ của “cha mẹ” (BQT) suốt 3 tháng mà Phong không mảy may biết. Khi chất lượng dịch vụ của cửa hàng đi xuống, Phong mới phát hiện ra sự thật. Đau lòng ở chỗ, các bạn có quyền làm việc đó vì lỗi bắt nguồn từ chính BQT. Tháng 3/2013, ngược với ước mơ xây dựng nền văn hóa công ty hàng đầu, Phong phải cho thôi việc 5/12 người – một nửa nhân sự của Windmills. Nội bộ BQT rơi vào khủng hoảng bởi chính Phong và bốn bạn đồng hành cũng bất đồng, mỗi người ôm một tâm sự suốt ba tháng qua.
“Mình ra biển đi!” – Muốn một bước ngoặt đột phá cho nhóm, Phong đề nghị. Năm người thuê một con tàu, lênh đênh giữa biển Nha Trang. Gió biển thổi vào mọi người tâm trạng mới, để dũng cảm quay về khách sạn nói cho ra vấn đề: “Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao mình không đi đúng mục tiêu ban đầu?” Năm người người rút ruột gan trút vào nhau những sự thật đau lòng nhất.
Phong chia sẻ: “Có lúc, mình chỉ muốn nói “mọi người đừng kể nữa” vì không khí quá nặng nề. Nhưng rồi cả nhóm đều ngộ ra, dù cãi nhau tới mấy, mọi người vẫn còn thương Windmills. Còn quá nhiều thứ tốt đẹp trên thế giới này, và chúng mình còn trẻ, chỉ mới 23, vẫn muốn sống tiếp với khát khao. Cuối cùng, tụi mình quyết định dốc hết sức xây giấc mơ Windmills một lần nữa.”
Trở lại Đà Lạt với ý tưởng “giấc mơ” sôi sục trong người, 19 thành viên của Windmills lao vào brainstorm suốt 48 tiếng. Cuối cùng, Windmills đã hồi sinh với slogan “Be the dream inside you”. (Tạm dịch: Hãy theo đuổi giấc mơ trong bạn).
Nơi những giấc mơ hát
Howard Schultz đã khởi xướng câu chuyện Starbucks không chỉ bán café, mà bán “nơi chốn thứ 3” sau gia đình và nơi làm việc. Phong và các bạn đã xây lại Windmills như một “nơi chốn thứ 3” sau gia đình và trường học, để những bạn trẻ có tinhh thần tiên phong và lãnh đạo nuôi dưỡng ước mơ. “Nếu muốn nhảy flashmob, tại sao cứ phải nhảy lén trong nhà vệ sinh? Tại sao không lao ra ngoài và biến giấc mơ thành hiện thực?” Bằng suy nghĩ ấy, Windmills tổ chức thành công chương trình flashmob tại phố đi bộ Hòa Bình với 200 bạn trẻ tham gia.
Tháng 3/2014, Windmills xuất hiện tại TP.HCM. Đập ngay vào mắt khách hàng tại Windmills quận 1 là 12 tấm ảnh chụp 12 giấc mơ của nhân viên treo ngay cửa quán: “Với tôi, không gì tuyệt vời hơn là trở thành một kỹ sư nông nghiệp” (Lý Ngọc Lâm), “Chỉ có nỗ lực thôi là chưa đủ, cần phải có đầy đủ đam mê và nhiệt huyết ta mới có thể trở thành một Barista hạng nhất!” (Đoàn Bảo Tín). Thông điệp “giấc mơ” được Phong rào chặt chẽ từ slogan đến password wifi “Dream on” (tạm dịch: Cứ mơ đi).
Phong cho biết, khách hàng mục tiêu của Windmills là những bạn trẻ, nhiệt huyết, suy nghĩ tích cực, đang tìm kiếm/theo đuổi giấc mơ.Rất khôn ngoan, Windmills chọn cách xây dựng cộng đồng khách hàng thân thiết theo mô hình kim cương. Trong một viên kim cương, mỗi nguyên tử carbon liên kết với bốn nguyên tử khác tạo cấu trúc bền chặt khó lòng đổ vỡ. Tương tự, Phong khuyến khích khách hàng tới Windmills tự kết bạn với nhau không cần sự can thiệp của BQT, tạo thành một cộng đồng quen biết bền chặt. Bằng các kế hoạch: xây phòng họp nhóm riêng, chạy khuyến mãi giảm giá cho nhóm đông người, tổ chức những buổi aucostic guitar “cây nhà lá vườn”…, Phong muốn tạo ra không khí nhộn nhịp, dồi dào năng lượng, nhiều cảm hứng; khiến khách hàng thấm nhuần suy nghĩ: “Tại Windmills, mình năng động hơn, mình tập trung hơn, chứ không ù lì như ở nhà trọ”. Dần dần, Windmills sẽ trở thành “nơi chốn thứ ba” của khách hàng.
24 tuổi, Nguyễn Đăng Phong vẫn chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH Mở TP.HCM. Phong còn bận rộn đi về giữa Đà Lạt và TP.HCM chăm lo cho Windmills. Phong và cộng sự để lại trong lòng những người đang hoài nghi thế hệ trẻ nhiều suy nghĩ. Về làn sóng cuộn trào của những người Việt chẳng có gì trong tay ngoài tuổi trẻ sôi sục khát khao, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng theo đuổi một giấc mơ lớn vượt tầm vóc.
Đỗ Thanh Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét