Đã lâu rồi tôi không có thời gian viết
bài mới trên blog. Lý do là vì tôi vừa mới đảm nhận công việc Product
Manager cho UBrand một công ty công nghệ khởi nghiệp về đào tạo trực
tuyến. Chính vì vậy nên thời gian qua tôi phải dồn sự tập trung và tâm
trí cho nhiệm vụ mới nên chỉ có thể duy trì website hoạt động chứ không
cập nhật thêm nội dung mới. Tuy nhiên, với bất kỳ bạn nào muốn thực hiện
life coaching/career coaching với tôi thì bạn vẫn cứ đăng ký buổi đầu tiên nhé.
Quay lại chủ đề, hôm nay tôi muốn chia
sẻ với các bạn trong gần nửa năm qua những gì tôi đã học được về gia
tăng hiệu suất trong công việc. Chắc chắn rất nhiều người trong chúng ta
gặp khó khăn với việc hoàn thành những công việc mình đề ra trong một
ngày. Thậm chí chúng ta còn hay ước rằng mình có hơn 24 giờ một ngày để
hoàn thành nhiều hơn. Nhưng thật ra bạn không cần phải ước điều đó, vì
tất cả mỗi người đều có 24 giờ như nhau nhưng bạn có bao giờ tự hỏi tại
sao những người thành công lại hoàn thành được nhiều hơn bạn? Đó là điều
mà chúng ta sẽ đi tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Hiệu suất công việc: Ba thành tố quan trọng
Qua một quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra
rằng để gia tăng hiệu suất công việc, có ba thành tố mà chúng ta cần
phải cải thiện, bao gồm:
- Năng lượng
- Sự tập trung
- Thời gian
Thiếu mất đi một trong ba điều này thì hiệu suất của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
- Bạn có thể lên lịch làm việc rất chi tiết, nhưng nếu bạn không đủ năng lượng và sự tập trung để hoàn thành công việc trong khoảng thời gian mình định ra thì hiệu suất của bạn không thể cao được
- Hoặc bạn có thể có năng lượng rất dồi dào, nhưng do không biết sắp xếp công việc của mình cũng như thiếu đi sự tập trung, bạn thậm chí sẽ bị rơi vào trường hợp tỏa năng lượng đi khắp nơi mà chẳng thu lại được lợi lộc gì
- Hoặc cũng có thể bạn có khả năng tập trung vào một việc rất tốt, nhưng bạn không thể duy trì lâu dài được bởi vì thiếu đi nguồn năng lượng cần thiết cho điều đó
Chính vì vậy gia tăng hiệu suất đồng
nghĩa với việc quản lý thật tốt cả ba thành tố trên. Thiếu vắng một
trong số chúng đều sẽ có sự tác động rất lớn đến hiệu suất của bạn.
Ở bài này, tôi sẽ dành thời gian để nói về thành tố đầu tiên – Năng Lượng. Ở các bài sau tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn về Thời Gian và Sự Tập Trung.
1. Thành tố đầu tiên: Năng lượng
Đây là thành tố đầu tiên và cũng là
thành tố nền tảng nhất để làm việc hiệu quả. Nếu không có năng lượng,
rất khó để bạn thực hiện chỉnh chu bất cứ một điều gì. Hãy tưởng tượng
bạn đã sắp xếp cho một tuần làm việc một cách hoàn hảo và chi tiết, bạn
biết lúc nào thì mình nên làm gì, duy chỉ có một điều rằng bạn đang
thiếu ngủ trong suốt 2 ngày trước đó, ngoài ra bạn ăn uống không đều đặn
và hay dùng thức ăn nhanh để chữa cháy, bên cạnh đó bạn ít khi nào vận
động cơ thể của mình. Bạn nghĩ xem liệu mình có thể thực hiện theo kế
hoạch bạn đã đề ra hay không? Nhiều khả năng là không thể do mức năng
lượng của bạn lúc này đang ở trong tình trạng rất thấp.
Những gì tôi vừa nói ở trên chỉ là một
phần của năng lượng mà thôi, hay nói rõ hơn thì đó là năng lượng thể
chất. Tuy nhiên, theo quyển sách Sức Mạnh Của Sự Toàn Tâm Toàn Ý (Tony Schwartz – Jim Loehr) thì còn ba loại năng lượng khác nữa mà bạn cần phải cải thiện, cụ thể như sau:
- Năng Lượng Thể Chất (sức khỏe) – Là nền tảng của các khía cạnh năng lượng khác. Năng lượng thể chất bao gồm ngủ đủ giấc, cơ thể khỏe mạnh, dinh dưỡng, nghỉ ngơi xen kẽ để hồi phục sức lực.
- Năng Lượng Cảm Xúc (hạnh phúc) – Năng lượng cảm xúc là khả năng học cách khai thác những cảm xúc cụ thể có ảnh hưởng đến hiệu suất, bởi vì cảm xúc của chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực làm việc của chúng ta.
- Năng Lượng Tâm Trí (sự tập trung) – Năng lượng tâm trí là khả năng học cách tập trung vào công việc của mình và quản lý những sự xao nhãng ở môi trường xung quanh.
- Năng Lượng Tinh Thần (mục đích sống) – Năng lượng tinh thần đến từ việc biết ý nghĩa mục đích sống của mình và những giá trị cá nhân cao nhất của bản thân.
10 cách để quản lý năng lượng bản thân:
Dưới đây là các cách đơn giản nhất để giúp bạn quản lý bốn khía cạnh năng lượng trên.
1. Tập thể dục, thể thao đều đặn. Bên cạnh đó đảm bảo một thực đơn với nhiều chất dinh dưỡng.
2. Ngủ đủ giấc, từ 7-8 tiếng một ngày.
3. Uống 2 lít nước mỗi ngày.
4. Bạn nên rèn luyện thói quen thiền/yoga để quản lý cảm xúc tốt hơn.
5. Thực tập viết nhật
ký biết ơn để rèn luyện cho não bộ luôn nhìn thấy những điều tích cực,
để từ đó bạn có những cảm xúc tích cực.
6. Đừng làm nhiều việc
cùng một lúc, vì nghiên cứu cho thấy bạn không thể tập trung 100% vào
một việc nào đó nếu như bạn đang làm nhiều việc cùng lúc. Bên cạnh đó,
bạn sẽ mất 25 phút để quay lại tập trung vào công việc hiện tại nếu như
bạn bị xao nhãng.
7. Hãy thiết lập môi trường làm việc của mình để đảm bảo rằng bạn hạn chế tối đa những thứ có thể làm phiền bạn.
- Để điện thoại ở chế độ im lặng và cất vào cặp nếu cần thiết
- Hạn chế các thiết bị điện tử trên bàn làm việc
- Định sẵn khoảng thời gian kiểm tra email để tránh việc liên tục kiểm tra email trong lúc làm việc
- Đeo tai nghe để báo hiệu cho đồng nghiệp rằng bạn đang làm việc
8. Sử dụng kỹ thuật Pomodoro (làm việc 90 phút – nghỉ 15 phút) để giúp cho bộ não tập trung hoàn toàn vào công việc mà bạn đang làm.
Tôi cũng xin nói thêm rằng kỹ thuật này
là để tận dụng tốt nhất một nhịp điệu gọi là nhịp điệu Ultradian. Nếu mà
nói dài dòng thì trên internet đã có rất nhiều nghiên cứu nói về điều
này rồi, nên tôi sẽ nói ngắn gọn đó là con người hoạt động tối ưu trong
khoảng thời gian từ 90-120 phút (tùy mỗi người). Sau khoảng thời gian
đó, bạn phải cho não bộ thật sự nghỉ ngơi từ 15-20 phút trước khi bắt
đầu nhiệm vụ tiếp theo. Đó chính là lý do vì sao kỹ thuật Pomodoro rất
hiệu quả để gia tăng hiệu suất làm việc.
9. Xác định khoảng thời
gian mà bạn làm việc hiệu quả nhất trong ngày. Mỗi người sẽ có khoảng
thời gian rất đa dạng (ví dụ như tôi là từ 8h – 10h30 sáng). Khi đã xác
định được khoảng thời gian này, hãy sắp xếp làm công việc khó nhất trong
ngày ở khoảng này.
10. Xác định giá trị cá
nhân của bản thân để biết được mục đích mình làm những điều mình đang
làm. Tốt hơn nữa là xác định sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Nếu bạn
gặp khó khăn trong việc này, career coaching sẽ giúp bạn xác định giá trị và công việc mơ ước của bản thân.
Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn, tôi khuyến khích bạn mua quyển sách Sức Mạnh Của Sự Toàn Tâm Toàn Ý mà tôi đã nói ở trên.
Chưa nói đến hai thành tố còn lại, chỉ
cần bạn làm tốt được những điều tôi chia sẻ trên đây thì bạn đã có thể
thấy được sự tiến bộ vượt bậc trong hiệu suất của mình rồi. Ở phần sau
tôi sẽ chia sẻ với bạn kỹ hơn về thành tố Thời Gian và Sự Tập Trung. Hẹn gặp lại bạn.
Chúc bạn luôn dồi dào năng lượng, bạn nhé!
Hải Đăng http://www.dinhhaidang.com/quan-ly-nang-luong/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét