HẢI CHIẾN 30 PHÚT, NỖI ĐAU 30 NĂM
Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ chuyển đi từ soái hạm HQ-5, các chiến hạm VN đồng loạt khai hỏa vào mục tiêu được chỉ định là các chiến hạm địch đối đầu. Các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly tác xạ rất chính xác và hiệu quả vì có nhịp bắn nhanh và mục tiêu lớn lại nằm trong tầm tác xạ hữu hiệu. Các khẩu đại bác 76 ly trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tác xạ cũng rất chính xác nhưng nhịp bắn không được nhanh vì hệ thống radar kiểm xạ viễn khiển bị hỏng từ lâu. Những giàn đại pháo 127 ly trên các Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng và Lý Thường Kiệt có nhịp bắn chậm hơn trong lúc các chiến hạm đôi bên vận chuyển với vận tốc cao nên rất khó nhắm vào mục tiêu.
Với chiến thuật “tốc chiến, tốc thắng”, các chiến hạm VN chiếm được thế thượng phong vì bắn trước với cỡ súng lớn hơn. Các tàu Trung Quốc bị thiệt hại nhiều trong những phút đầu tiên này nhưng cũng chống trả mãnh liệt.
Trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 thuộc phân đội Bắc, lệnh tác xạ của Hạm Trưởng, HQ Trung Tá Lê Văn Thự, được đáp ứng ngay bằng quả đạn đầu tiên của khẩu đại pháo 127 ly do Trung Úy Ðoàn Viết Ất làm trưởng khẩu. Sau đó, các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly từ trước mũi đến sau lái thi nhau bắn vào tàu địch. Giống như như HQ-5, vũ khí chính của Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt là khẩu đại pháo 127 ly (5 inch) đặt tại sân trước. Cũng ở sân trước, đàng sau của khẩu đại pháo là giàn đại bác 40 ly đôi (2 nòng) nằm một tầng cao hơn ngay dưới đài chỉ huy. Hai bên hông đài chỉ huy là các khẩu đại bác 20 ly đôi (2 nòng). Tại sân sau có các khẩu đại bác 40 ly đơn, một bên tả hạm, một bên hữu hạm.
Sau đây là lời tường thuật của của một nhân chứng, sĩ quan hải hành Đào Dân ,có mặt trên đài chỉ huy HQ-16 trong lúc xảy ra trận hải chiến:
“Cả chiến hạm như bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Những người trên đài chỉ huy chú tâm đến nỗi ai cũng có cảm tưởng mình nhìn thấy được đường đi của viên đại bác dầu tiên. Rồi tiếng nổ dồn dập của khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và khẩu 40 ly đơn sau lái hữu hạm, cùng với tiếng nổ liên hồi của đại bác 20 ly làm thành một hòa âm khó tả. Khói thuốc súng từ trước mũi, sau lái, boong trên phía sau và ngay đài chỉ huy phía dưới bay lên làm mờ cả một vùng trời trên chiến hạm … Từ lỗ tròn của ổ đại bác 127 ly trước mũi, Trung Úy Ất đã đứng hẳn người lên, nhô cả thân mình lên trên ụ súng để tận mắt chứng kiến kết quả của những viên đạn đang nổ, điều chỉnh những sai sót. Tiếng oang oang thường ngày của Ất được dịp phát ra từ đó mà ở đài chỉ huy chúng tôi còn nghe được. “Lên hai độ”, “xuống một độ”, “bên phải”, “bên trái một chút”. Cả đài chỉ huy cùng chăm chú theo dõi từng viên đại pháo phát nổ xung quanh tàu địch, bỗng ồ lên như ong vỡ tổ:” Trúng rồi!” Tôi nhìn lên, chếch về phía bên phải mũi tàu, một chiến hạm địch đang bốc khói. Có lẽ là khói của viên đạn nổ tung ngay đài chỉ huy vì sau đó, dường như hoạt động của tàu này có phần chậm lại”.
Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 là một thành phần của phân đội Bắc dưới quyền điều động của HQ-16. Trong lúc hải chiến, HQ-10 nằm chếch về hướng Nam, cách HQ-16 chừng 1 hải lý. Vì là một tàu loại rà mìn được biến cải, nên chiến hạm HQ-10 chậm và nhỏ nhất trong số các đơn vị VN tham chiến. Ngoài ra, ngay từ khi gia nhập Hải Đội Hoàng Sa, tình trạng kỹ thuật của HQ-10 đã không được khả quan vì chỉ còn một máy chánh, radar lại bị hư.
Trước đây, trên đường đi từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa vào ngày 18/1, soái hạm HQ-5 đã phải rời đội hình, bỏ HQ-10 lại phía sau vì chạy quá chậm. Tuy cần đi trước cho kịp giờ hẹn với các chiến hạm bạn tại Hoàng Sa, HQ-5 vẫn dùng radar của mình để hướng dẫn HQ-10 hải hành trong đêm. Vũ khí chính của HQ-10 là khẩu trọng pháo 76.2 ly đặt tại sân trước, 2 đại bác 40 ly đơn tại sân giữa và 4 đại bác 20 ly đặt hai bên hông đài chỉ huy và sân sau.
Theo kế hoạch lúc ban đầu, phân đội Bắc có nhiệm vụ yểm trợ hải pháo để phân đội Nam đổ quân chiếm đảo Quang Hòa. Nhưng sau khi cuộc đổ bộ bất thành vì quân Trung Quốc trên đảo quá đông và tàu yểm trợ của chúng cũng rất nhiều - tổng cộng 11 chiếc đủ loại - nên sau khi thảo luận kỹ càng, lực lượng VN quyết định tiêu diệt các chiến hạm địch trước. Đây là một quyết định rất sáng suốt vì nếu phá được đoàn tàu yểm trợ, địch quân trên đảo sẽ bị cô lập và sẽ bị đánh tan dễ dàng. Do đó, HQ-10 cũng được chỉ định một mục tiêu tác xạ, đó là chiếc tàu TQ mang số 396. Theo lời tường thuật của các nhân chứng, chỉ trong vòng 5 phút đầu, các khẩu hải pháo trên HQ-10 đã bắn tê liệt chiến hạm địch, phòng lái và hầm máy bị cháy khiến chiếc tàu này không còn điều khiển được nữa, cứ chạy vòng vòng làm mồi cho hỏa lực chính xác của HQ-10. Tuy nhiên, vì chỉ còn một máy, xoay trở rất khó khăn nên HQ- 10 cũng bị trúng nhiều đạn địch. Hạm Trưởng, HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà bị tử trận, Hạm Phó là HQ Đại Úy Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. Sau khi bắn hạ tàu địch, cuối cùng Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo cũng bị hy-sinh. Một số nhân viên xuống được bè thoát được, mang theo vị Hạm Phó, nhưng chẳng bao lâu, viên Đại Úy hạm phó cũng đền nợ nước vì bị mất máu quá nhiều.
Chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 đã bị quân TQ bắn chìm. Cả hạm trưởng và hạm phó đều hy sinh
Trong số các tàu VN tham chiến, có lẽ chỉ Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 mới xứng đáng mang danh “chiến hạm”. Trong khi các chiến hạm khác tuy được gọi là Tuần Dương Hạm hay Hộ Tống Hạm, nhưng thật ra chỉ là loại tuần duyên (Coast Guard) hay tàu rà mìn của Hoa Kỳ. HQ-4 nguyên là một Khu Trục Hộ Tống Hạm được trang bị radar phòng không tối tân (DER - Destroyer Escort Radar). Vũ khí chính là hai giàn đại pháo 76.2 ly có radar kiểm xạ (radar control) với khả năng tự dò tìm góc độ và tầm xa để “khóa chặt” (lock on) mục tiêu. HQ-4 dưới sự chỉ huy đầy kinh nghiệm của Hạm Trưởng Vũ Hữu San đã bắn hạ dễ dàng các chiến hạm Trung Quốc. Nhưng rất tiếc, vào thời điểm năm 1974 khi cuộc chiến tại Việt Nam gần tàn, khả năng tác chiến của HQ-4 đã giảm sút nhiều mặc dù thủy thủ đoàn rất thiện chiến. Một điểm khá bất lợi nữa là HQ-4 ngoài hai khẩu 76.2 ly, không có đại bác 40 ly bắn nhanh. Trong một trận hải chiến khi mục tiêu chỉ các trên dưới một hải lý, một dàn 40 ly bắn nhanh sẽ có lợi thế hơn một khẩu 76.2 ly bắn chậm.
Nhưng dù với những bất lợi nói trên, dưới quyền chỉ huy sáng suốt, kinh nghiệm của Hạm Trưởng Vũ Hữu San cùng sự quả cảm, gan dạ của thủy thủ đoàn, HQ-4 đã xứng đáng mang danh Khu Trục Hạm. Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ vào tàu địch, hai khẩu đại bác 76.2 ly đã chuẩn-bị từ lâu, khai hỏa chính xác trúng ngay tàu địch lúc đó nằm trong khoảng cách 1,600 yards. Chỉ trong vòng vài phút đầu, chiếc Kronstadt 271 là soái hạm của hải đội TQ đã bị bắn cháy không còn khả năng tác chiến. Nhưng cũng như những chiến hạm đồng đội khác, HQ-4 là một mục tiêu khá lớn cho tàu địch nên cũng bị trúng nhiều vết đạn. Tuy-nhiên các máy móc chính, nhất là hệ thống truyền tin vẫn trong tình trạng khiển dụng tốt.
Trên soái hạm HQ-5, khi lệnh tác chiến được ban hành, các ổ súng nổ dòn dã hướng về tàu địch. Trong lúc tác chiến, Hạm Trưởng, HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, lo việc di chuyển chiến hạm để vào vị trí tác xạ hữu hiệu nhất cũng như để tránh các vùng san hô, đá ngầm nguy hiểm trong khi Hạm Phó và Sĩ Quan Hải Pháo lo việc chỉ huy tác chiến. Mục tiêu của HQ-5 là chiếc Kronstadt mang số 274 . Mặc dầu 274 chống trả mãnh liệt nhưng bị hư hại nặng vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bị loại ra khỏi vòng chiến. Để dễ bề lẩn tránh, tàu địch phun ra một màn khói ngụy trang khiến HQ-5 khó nhận biết chính xác mục tiêu. Tuy nhiên, bị trúng đạn quá nặng, chiếc Kronstadt này bắt buộc phải ủi vô bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa để tránh bị chìm.
Tuy đã loại được đối thủ, nhưng tình trạng tác chiến của HQ-5 cũng không mấy khả quan. Tới khoảng 10 giờ 50 sáng tức là vào phút thứ 25 của trận chiến, tất cả các ổ súng lớn trên chiến hạm đều bị trở ngại tác xạ không bắn được, ngoại trừ khẩu đại bác 40 ly bên tả hạm do Thượng Sĩ Tài làm trưởng khẩu. Như vậy, nguyên hông phải của chiến hạm không còn trọng pháo để bảo vệ. Nguy hiểm hơn nữa, các chiến hạm còn lại của TQ tập trung lực lượng nhắm vào HQ-5 như để trả thù cho đồng bọn. Tuy bị bao vây và bắt đầu bị trúng nhiều đạn địch, khẩu đại bác 40 ly độc nhất còn lại phản pháo ác liệt khiến địch phải chùn lại. Trung Tá San cho biết cũng trong lúc đó, các chiến hạm VN quan sát thấy có bốn lượng sóng lớn trắng xóa đang tiến tới từ hướng Đông Bắc với vận tốc rất nhanh và có tin các phi tiễn đĩnh loại Komar của địch đang trên đường đến tiếp viện.
Trước tình thế bất lợi, vả lại các chiến hạm chính của địch tham chiến cũng đã bị hư hại, Đại Tá Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho các chiến hạm VN rời vùng giao tranh để bảo toàn lực lượng.
Khi rời khỏi vùng giao tranh vào khoảng 11 giờ sáng ngày 19/1, hải đội VN cũng chia làm hai cánh. HQ-16 vì hoạt động ở khu phía Bắc và đã bị thiệt hại khá nặng có nguy cơ bị chìm nên đã đổi đường ngược lên phía Bắc, hướng về đảo Hoàng Sa rồi sau đó di chuyển về hướng Tây nhắm về Đà Nẵng. Trong khi đó phân đội Nam gồm HQ-4 và HQ-5 hải hành về hướng Đông Nam. Phía TQ cũng không còn sức để đuổi theo.
Khoảng ba tiếng đồng hồ sau, vào lúc 2 giờ 15 phút, phân đội Nam gồm HQ-4 và HQ-5 nhận được lệnh của Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải quân VN lúc đó có mặt tại Ðà Nẵng. Ông yêu cầu tất cả các chiến binh phải quay trở lại cố thủ tại Hoàng Sa. Các chiến hạm liền đổi đường về hướng Tây Bắc trở lại vùng đã xảy ra trận hải chiến hồi sáng. Nhưng khi gần tới Hoàng Sa, vào lúc 5 giờ 20 chiều, lệnh cố thủ được hủy bỏ, phân đội Nam được lệnh trở về Đà Nẵng. Về lệnh “cố thủ” này, Trung Tá Vũ Hữu San, Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 nhớ lại:
“Sau Hoàng Sa 24 năm, chúng tôi còn sống và vẫn đi tìm trong mấy chục triệu sách thư viện nhưng cho đến nay, đã không thể nào tìm thấy được cái lý tưởng nào cao xa hơn được biểu lộ qua hình ảnh Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 tuân hành quân lệnh chuẩn bị lên cạn phơi xác mình. Quân lịnh như núi! Lịnh này đúng hay sai cũng là lệnh! Đến chiều tối, lệnh hải hành rời bỏ Hoàng Sa mới được ban ra và chúng tôi các chiến hạm mang đầy vết thương vẫn còn đang rỉ máu, được về Đà Nẵng để lo mai táng cho các bạn đã hy sinh, đưa đồng đội bị thương vào quân y viện và sửa chữa chiến hạm . . .”.
Còn Ðề Ðốc Trần Văn Chơn cho biết về lệnh “quay trở lại Hoàng Sa” như sau: “Vì sau trận hải chiến, hệ thống truyền tin của các chiến hạm không được toàn hảo nên tôi không biết rõ tình hình tại Hoàng Sa do đó đã ra lệnh cho các chiến hạm trở lại để bảo vệ lãnh thổ. Khi hệ thống truyền tin được sửa chữa xong, tôi biết rõ hơn về tình trạng các chiến hạm nên đã ra lệnh trở về Ðà Nẵng.”
Đến ngày 20 tháng 1, các chiến hạm HQ/VNCH về tới Đà Nẵng. HQ-4 và HQ-5 cập cầu Thống Nhất tại bến thương cảng hối 7 giờ 30 sáng. Riêng Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 được Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-6 hộ tống cập cầu Tiên Sa thuộc BTL/V1DH vào lúc 10 giờ sáng.
Thiệt hại về phía VN : 1 chiến hạm bị chìm và 3 chiếc khác bị hư hại. Nhiều binh sĩ tử thương và bị thương .
Ngoài ra, còn một số binh sĩ và nhân viên dân chính bị bắt giữ vào ngày 20/1/74 khi phi cơ và chiến hạm Trung Quốc oanh, pháo kích rồi cho quân đổ bộ lên các đảo. Nhóm tù binh này gồm 14 nhân viên thuộc HQ-4 được đổ bộ lên đảo Cam Tuyền vào khoảng 10 giờ sáng ngày 18/1 và 34 binh sĩ Địa Phương Quân cùng nhân viên khí tượng, trong số này có một nhân viên dân chính Hoa Kỳ tên Gerald Emil Kosh. Những người bị bắt bị đưa về đảo Hải Nam vào ngày 21/1 và sau cùng bì giam tại nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Năm thương bệnh binh được trao trả vào ngày 31/1 tại cầu Shumchum là ranh giới giữa Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông. Sau 27 ngày bị giam giữ, trước sự đòi hỏi hợp lý của VN và dưới áp lực của giới ngoại giao cũng như hội Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Quốc đã phải phóng thích toàn bộ số 43 tù binh còn lại.
Trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa giữa Hải quân quân đội Saigon và Hải quân Trung Quốc diễn ra trong vòng 30 phút, một thời gian tương đối ngắn ngủi, nhưng hậu quả còn kéo dài cho tới ngày nay.
Sau khi chiếm được Hoàng Sa, lực lượng TQ tiến sâu hơn về phía Nam, chiếm thêm một số đảo thuộc vùng Trường Sa. Hiện nay, các đảo tại Hoàng Sa đã được xây dựng thành những căn cứ quân sự quan trọng, có phi trường và cầu tàu khá tối tân. Ngoài ra, TQ cũng đã có quân đồn trú thường trực và xây cất công sự phòng thủ rất kiên cố trên nhiều hải đảo khác tại Biển Ðông. Tham vọng của Trung Quốc còn biểu lộ trắng trợn hơn khi họ đơn phương vẽ lại bản đồ, đòi chủ quyền hầu như trọn Biển Ðông, có nơi chỉ cách bờ biển Việt Nam vài chục hải lý.
Mất quần đảo Hòang Sa và những đảo khác ở Trường Sa, chúng ta mất những tiền đồn quan trọng của quốc gia, mất những mỏ dầu vào tay gã khổng lồ đang khát dầu, và đặc biệt, chúng ta mất những nơi che chở an tòan cho ngư dân khốn khổ của chúng ta vào mùa giông bão. Nhưng chúng ta luôn nhớ Hòang Sa và quần đảo thân yêu ấy mãi mãi là của chúng ta. Những người đi trước đã đổ máu vì mảnh đất này, do vậy, hỡi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên điều đó ! Nơi ấy là Tổ quốc chúng ta !
(Blogger Bùi Thanh: Một lần nữa, xin cám ơn các nhân chứng Hòang Sa 1974 đã đồng ý cho tôi khai thác và công bố tư liệu này trên blog)
Tâm sự nhân chứng “Hải chiến Hòang Sa”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét