Có những con người bình dị, vô danh ở đất nước vừa hứng chịu trận động đất lịch sử đã trở thành "huyền thoại" trong mắt cư dân mạng vì cách ứng xử cao thượng của họ.
>Tại sao không có cướp bóc ở Nhật Bản
Cuộc sống hỗn loạn, giá cả tăng cao, nạn cướp bóc luôn là hậu quả khó tránh sau những thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, người ta không hề nghe nói đến điều đó ở quốc gia mới trải qua trận động đất mạnh tới 9 độ Richter. Người dân ở đây luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, trật tự và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
Kiên nhẫn xếp hàng lấy nước ở Sendai. Ảnh: OddStuff. |
Chính bởi tinh thần tương trợ này, trên Internet những ngày qua đã xuất hiện một số bức thư được cho là được gửi từ Nhật về Việt Nam, khiến người đọc rơi nước mắt về cách ứng xử của người dân Nhật trong hoạn nạn.
Bức thư thứ nhất kể về một người đàn ông xa lạ đã không ngại dòng nước lũ giúp đỡ ba mẹ con trèo lên ban công an toàn. Tuy nhiên, khi người mẹ cố kéo ông này lên thì bất ngờ có một chiếc ôtô bị nước đẩy thẳng tới chỗ họ và ông đã quyết định giật tay ra, mặc nước cuốn đi để người mẹ kia không bị ngã theo. (Đọc lá thư)Còn trong một bài viết trên trang blog của Nguyễn Đình Đăng, một người có tên Hà Minh Thành đã chia sẻ câu chuyện khiến bất cứ ai cũng phải khâm phục về suy nghĩ sâu sắc của một cậu bé 9 tuổi.
"Trong cái hàng rồng rắn tôi chú ý đến một đứa nhỏ trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: 'Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói'. Thằng bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tôi tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến nhưng không, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt, mới hỏi và nó trả lời: 'Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ'. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh", Hà Minh Thành chia sẻ và tin rằng một đất nước đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu. (Xem chi tiết)
Chuyện về cậu bé lớp 3 này lập tức được lan truyền sang nhiều blog, mạng xã hội, diễn đàn và trên cả báo chí như một hình ảnh mẫu mực của nước Nhật trong khó khăn.
Hai người Nhật đứng nhìn cảnh hoang tàn sau động đất. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, cũng không ít bài viết ca ngợi 50 nhân viên nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima đã kiên cường không rời vị trí bất chấp nồng độ phóng xạ đã tới mức nguy hiểm cho tính mạng con người. Họ trở thành những "chú lính chì dũng cảm", những "cảm tử quân" trong mắt cư dân mạng. "Bố cháu nói sẽ chấp nhận số phận như một bản án tử hình. Cháu chưa bao giờ thấy mẹ mình khóc nhiều như vậy. Mong sao bố sẽ trở về an toàn", con gái của một nhân viên Fukushima 1 cho hay.
Một phụ nữ có nickname NamicoAoto chia sẻ trên Twitter: "Bố tôi xung phong trở lại nhà máy dù chỉ nửa năm nữa ông sẽ nghỉ hưu. Đôi mắt tôi như không còn thấy gì vì nước mắt đã dâng đầy. Ở nhà, bố có vẻ không giống với những người có thể giải quyết được việc lớn nhưng hôm nay tôi tự hào về ông". Còn trong e-mail gửi vợ, một nhân viên viết: "Sống tốt em nhé, anh không thể về nhà".
Trong các câu chuyện về những tấm gương quên mình vì nước hay những "người hùng" bình dị hy sinh vì đồng loại..., một số có thật, một số có thể được nâng lên thành huyền thoại nhưng không ai có thể phủ nhận tinh thần đoàn kết, quả cảm của người Nhật đang khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ và học tập.
Robert Bailey, giáo viên 27 tuổi người Anh đang công tác tại Nhật, cũng được ca ngợi như một anh hùng quên mình vì học sinh. Báo DailyMail viết: "Ông bà Bailey ở Lincolnshire đứng ngồi không yên bên điện thoại. Đã vài ngày qua, họ không biết đứa con trai của mình còn sống hay đã chết. Trong tin nhắn cuối cùng vào sáng 11/3, Robert cho hay anh đang đứng lớp ở một thị trấn ven biển Ofunato - một trong những vùng chịu hậu quả nặng nề nhất khi sóng thần quét qua chiều hôm đó.
Liên lạc được với người thân sau đó 4 ngày, Robert cho hay anh đã thực sự hoảng sợ nhìn ra cảng, nhưng chợt hiểu rằng anh không thể chỉ lo cho bản thân và nhiệm vụ của anh là phải ở bên học sinh. Dưới sự hướng dẫn của anh, cả lớp đã lên được vùng đất cao hơn và an toàn qua đợt sóng thần. Tuy nhiên, 137 học sinh ở những lớp khác khác vẫn đang mất tích. |
Châu An (theo vnexpress)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét