Kỷ niệm 65 chiến thắng chống phát xít, Tổng thống Nga nói ‘tội ác của Stalin là không thể biện minh được' và cho rằng thắng lợi là nhờ hy sinh to lớn của nhân dân.
Trong dịp kỷ niệm lớn tại Moscow với sự tham gia của nhiều quan khách quốc tế từ Tây Âu và có cả Trung Quốc và Việt Nam, phát biểu của Tổng thống Medvedev được cho là một nỗ lực mạnh mẽ nhận diện lại lịch sử thời Liên Xô. Trong bài trả lời phỏng vấn báo Izvestia hai hôm trước ngày lễ tại Hồng trường 9 tháng 5 vừa qua, ông Dmitry Medvedev nói rằng dù từng cá nhân có quyền đánh giá khác nhau về Stalin, quan điểm của nhà nước Nga nay cho rằng Stalin “là nhà độc tài đã phạm các tội ác chống nhân dân”.
Nhân dân và sự thật
Ông Medvedev cũng nhắc đến tội ác của công an Liên Xô trong vụ thảm sát các tù binh Ba Lan tại rừng Katyn năm 1940, và cho rằng “trang đen tối của lịch sử".Trong nhiều năm thời Liên Xô, vụ Katyn bị cấm nói đến ở toàn vùng Đông Âu dưới quyền Moscow, và vai trò của Stalin cho đến gần đây vẫn được cho là ‘công nhiều hơn tội”.
Sách giáo khoa Nga xuất bản lại dưới thời Tổng thống Vlamidir Putin có có ý “phục hồi vai trò nhà quản trị tài ba” Stalin trong quá trình tái thiết Liên Xô thời hậu chiến.
Nhưng nay, ông Medvedev, người có cha chiến đấu trong Hồng quân Liên Xô nói rằng:
“Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại là chiến thắng của nhân dân, và cả Stalin hay các tướng lĩnh cũng không làm những gì quan trọng hơn điều họ đã làm được. Đúng là họ có vai trò rất nghiêm túc nhưng chính nhân dân đã làm nên chiến thắng bằng hy sinh vĩ đại, bằng vô số sinh mạnh.”
Điều quan trọng hơn, ông Medvedev nói về việc không ai muốn phục hồi chủ nghĩa Stalin:
Như một biểu hiện của việc dùng hào quanh quá khứ để đoàn kết châu Âu trong một tinh thần hướng bề tương lai, nước Nga đã mời cả các quốc gia cựu Đồng minh chống phát xít như Anh, Mỹ và Ba Lan dự lễ đánh dấu ngày chấm dứt Thế chiến 2.
Báo Anh khen ngợi việc đội Vệ binh xứ Wales được mời diễn hành lần đầu tiên tại Hồng trường hôm Chủ nhật vừa qua.
Tờ Times of London, cũng chú ý đến phần ông Medvedev hứa sẽ mở các hồ sơ quân sự thời Liên Xô để có thêm sự thật về Thế chiến 2.
Trước đó, ông Medvedev đã ra lệnh mở kho hồ sơ liên quan đến vụ giết 22 nghìn sĩ quan Ba Lan tại Katyn và gọi “đây là một trang sử rất đen tối”.
Tổng thống Nga thừa nhận “chúng ta đã để cho lịch sử bị bóp méo” và hứa sẽ để sự thật được “trình bày ra trước nhân dân”.
Góc độ châu Á
Báo chí ở Việt Nam, nước hiện vẫn giữ quan điểm ít thay đổi về Liên Xô, đưa tin về chuyến thăm đến Moscow của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự lễ hôm 9/5.
Trước chuyến đi, ông Triết đã trả lời phỏng vấn của Hãng tin Nga ITAR-TASS, ca ngợi rằng “sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài tại lễ kỷ niệm ở Moscow cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến 2.”
Ông cũng nói: “Thế giới có rất nhiều thay đổi, nhưng chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít và vai trò quyết định của Liên Xô mãi mãi là một sự thật không thể thay đổi, là một trang sáng ngời trong lịch sử nhân loại."
“Chiến thắng vĩ đại của Liên Xô và liên minh chống Hitler đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc bị áp bức, trong đó nhân dân Việt Nam, bắt đầu cuộc đấu tranh cho tự do. “
Các báo Việt Nam như Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động v.v. chưa nhắc gì đến phát biểu quan trọng của Tổng thống Medvedev về tội ác của Stalin.
Truyền thông Trung Quốc, như Tân Hoa Xã thì chỉ nhắc đến lời ông Medvedev "phản đối một số chính trị gia tìm cách làm sai lệch lịch sử".
Một số tờ báo chí Việt Nam khi đưa tin về vụ rơi máy bay của Tổng thống Ba Lan, ông Kaczynski xuống vùng rừng Katyn gần Smolenski thời gian qua có nhắc đến “tội ác của Stalin”.
Tuy nhiên, vai trò của nhà độc tài này, và cơ chế quyền lực tàn bạo thời Liên Xô nói chung vẫn là đề tài không được bàn thảo công khai tại Việt Nam.
Anna Malpas của AFP trong bài về "Bóng đen Stalin phủ dài lên lịch sử Nga", nói dịp kỷ niệm 65 năm Thế chiến 2 là lúc người Nga nhìn lại thời Stalin.
Vẫn theo bài báo này, Stalin đã đưa các lực lượng Xô Viết đến thắng lợi 65 năm về trước nhưng "chế độ độc tài tàn khốc ông ta lãnh đạo đã làm hàng triệu người chết trong các trại cải tạo và trong các đợt tập thể hóa vội vã".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét