Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

,

Ky2: [SOS] Vì sao sản phẩm Vision được lưu hành?

Share
TTO (TP.HCM)- Tuổi Trẻ đã nêu việc “khám, chữa bệnh” theo kiểu Vision, trong đó có cả việc kinh doanh sản phẩm có chất gây nghiện. Điều đáng nói hơn là sản phẩm này đã bị lập lờ giữa thuốc và thực phẩm và được cho phép nhập khẩu, tiêu thụ tại VN.

Thuốc hay thực phẩm?

Trong các tập tài liệu giới thiệu sản phẩm của Vision có đoạn lưu ý: khi sử dụng sơ đồ nên chú ý các chống chỉ định của sản phẩm. Hầu hết sản phẩm của Vision trên vỏ hộp đều ghi rõ công thức với hàm lượng, công dụng, liều dùng - uống mỗi lần 1 viên hoặc 1 giọt, ngày 2 lần trước bữa ăn, tránh xa tầm tay trẻ em.

Khi hướng dẫn chúng tôi sử dụng hai lọ PAX+ và Lifepack Junior, bác sĩ Nguyễn Hải Đăng cũng ghi: ngày uống 2 viên, sáng 1 viên, chiều 1 viên, uống trước bữa ăn 30 phút. Trên lọ PAX+ nhà sản xuất còn ghi rõ chống chỉ định ở phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi.

Như vậy các sản phẩm của Vision được xếp vào thuốc hay thực phẩm? Rõ ràng là thuốc! Thực phẩm dẫu “có kiêng, có kị” cũng không thể nghiêm ngặt như thuốc. Thực phẩm có thể hỗ trợ cho việc chữa bệnh, nhưng không thể chữa được “bá bệnh” như những sản phẩm mà Vision từng công bố trong tài liệu của mình.

Hơn thế nữa, nếu đúng như trên bao bì, PAX+ có chứa 50mg hàm lượng dược thảo được chiết xuất từ cây anh túc trong một viên nang 405mg thì PAX+ thuộc loại thuốc độc, nếu không muốn nói rằng PAX+ là thuốc phiện.

Ai cho nhập sản phẩm Vision vào VN?

Sản phẩm của Vision ngoài đường nhập khẩu chính thức qua Công ty TNHH dược phẩm Đông Nam Á - Hà Nội, còn có một số lượng lớn vào VN bằng đường phi mậu dịch.

Tính từ tháng 1 đến 6-2003 tại TP.HCM đã có 11 người nhận sản phẩm Vision với trọng lượng trên 60 kg qua đường phi mậu dịch (hàng quà biếu).

Trong 11 người nhận với tổng cộng 18 tờ khai thì tại 86 Mạc Thị Bưởi, quận 1 nhận tám lần với các tên Nguyễn Hải Đăng,Trần Thị Hằng Thu, có lần đến 10,45 kg. Đáng lưu ý là 10/18 tờ khai đều có sản phẩm PAX+.

Sau khi các báo đề cập hoạt động kinh doanh, tiếp thị thuốc của Tập đoàn Vision, ngày 4-7-2001, Cục Quản lý Dược (QLD) VN có ý kiến: “Các thuốc của Vision chưa được Cục QLD cấp số đăng ký lưu hành cũng như chưa được cấp giấy phép nhập khẩu vào VN. Do đó việc lưu hành các thuốc của Vision là bất hợp pháp. Công ty Âu Việt Á - đơn vị “đại lý” của Vision - cũng chưa được Bộ Y tế cho phép hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm”.

Ngày 12-12-2001 Cục QLD tiếp tục có thông báo: “Để đảm bảo an toàn hiệu quả cho người sử dụng thuốc, tạm thời không cho nhập khẩu và lưu hành các loại “thuốc” mang nhãn hiệu Vision tại VN. Các “thuốc” mang nhãn hiệu Vision được nhập khẩu từ Cộng hòa liên bang Nga vào VN là những “thuốc” không có tài liệu nghiên cứu của nhà sản xuất, chưa xác định được thành phần thực của thuốc với công thức ghi trên nhãn, không có căn cứ để đánh giá tác dụng, độc tính, tính an toàn cũng như hiệu quả điều trị của thuốc và cũng chưa đăng ký lưu hành ở VN”.

Mặc dù đã có các công văn như vậy, nhưng không hiểu sao ngày 23-4-2002 ông Trần Đáng - cục phó Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (QLCLVSATTP) - lại có công văn gửi các cục hải quan TP Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng với nội dung như sau:

“Cục QLCLVSATTP đã nhận được rất nhiều đơn của các cá nhân xin nhận bưu phẩm (các sản phẩm mang nhãn hiệu Vision) được gửi từ nước ngoài tại một số bưu cục. Sau khi xem xét, cục có ý kiến: các sản phẩm mang nhãn hiệu Vision đã được Cục QLCLVSATTP cấp phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, gồm 20 loại thực phẩm bổ sung: Beauty, Stalon, Antiox, Hiper, Repen, Norita, Lifepac junior, Artum, Mega, Ursul, Lamin, Medioya, Pasilat, Beast, Chromevita, Lifepack, Cupers, Sveltform, Mistik, Pax. Những sản phẩm trên là thực phẩm bổ sung thuộc diện quản lý của Cục QLCLVSATTP theo phân công của Bộ Y tế, được phép nhập khẩu và tiêu thụ tại VN”.

"Thông tư 17/2000/TT-BYT về hướng dẫn đăng ký các sản phẩm dưới dạng thuốc - thực phẩm của Bộ Y tế ký ngày 27-9-2000 : Những sản phẩm dưới dạng thuốc - thực phẩm nếu có đủ các điều kiện sau thì được coi là thuốc: có thành phần hoạt chất với hàm lượng và liều dùng có tác dụng phòng và chữa bệnh đối với các sản phẩm chứa vitamin, muối khoáng, các loại chè thuốc, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật…."

Nhà sản xuất công bố sản phẩm có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh như một dược phẩm (có công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định…).

Những sản phẩm là thuốc - thực phẩm khi đăng ký, sản xuất và lưu hành phải theo đúng qui định của pháp luật về dược và được hướng dẫn chi tiết tại Cục Quản lý dược VN.

Lẽ nào ông Trần Đáng không đọc thông tư 17/2000/TT-BYT? Trong các “thực phẩm bổ sung” mà ông Trần Đáng cấp phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm có cả các sản phẩm PAX+ , Mistik chứa cây anh túc (thuốc phiện)!?

Càng nguy hiểm hơn khi trong tài liệu giới thiệu sản phẩm PAX+ có thành phần cây anh túc 50 mcg, nhưng thực tế trên vỏ lọ thuốc chúng tôi có được ghi là 50 mg - chiếm hàm lượng rất lớn trên hàm lượng chung của viên nang là 405 mg. Vậy mà Cục QLCLVSATTP cho nhập?!

Ngoài ra, sản phẩm lưu hành (kể cả PAX+, đáy lọ có dán tem nhập khẩu của nhà nhập khẩu: Công ty TNHH dược phẩm Đông Nam Á, số 7, ngõ 6 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) khi đưa ra thị trường đã không có bản hướng dẫn bằng tiếng Việt, người tiêu dùng không biết thì không thể phát hiện trong công thức có 50mg Papaver rhoeas L. - chính là dược thảo chiết xuất từ cây anh túc!

Từ ngày 19-9-2000, báo Tuổi Trẻ đã nêu hoạt động kinh doanh bất bình thường của Công ty TNHH Âu Việt Á tại số... đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, nơi thường xuyên mở lớp huấn luyện triển khai phương pháp “kinh doanh theo mạng” và giới thiệu sản phẩm của Công ty Vision.

Trong các bài báo, chúng tôi đã đặt vấn đề: cho đến bao giờ kiểu kinh doanh này mới được ngành chức năng ra tay ngăn chặn?

Thế nhưng đến nay công ty liên tục dời qua bốn địa điểm: số… Âu Dương Lân, phường 2, quận 8; số... Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1; số… Hoàng Hoa Thám, phường 13, Tân Bình và hiện đang hoạt động tại 81 Bình Giã, phường 13, Tân Bình mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng “rờ gáy”.

Phải chăng là lừa đảo?

Có khả năng hoạt động khám bệnh bán thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp đối với sản phẩm Vision là mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng. Nội dung lừa đảo không thể hiện ở phương thức bán hàng đa cấp mà thể hiện ở việc bán thuốc với giá rất cao nhưng giá trị thật và công dụng của thuốc thì không có gì để kiểm chứng và bảo đảm.

Để đạt được ý đồ này, người ta đã đối phó với cơ quan nhà nước bằng cách nhập thuốc nhưng khai thực phẩm và dùng phương thức bán hàng đa cấp để thực hiện hành vi lừa đảo.

Với mô hình bán hàng đa cấp, nguồn hàng đưa vào VN chỉ thông qua một nguồn duy nhất và được phân phối theo mạng là một biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh. Người mua hàng chỉ mua được hàng bằng một giá nhất định, không có nguồn hàng khác để so sánh về chất lượng và giá cả.

Cho đến nay các hoạt động quảng bá cho sản phẩm của Vision vẫn ung dung tồn tại. Ai sẽ trả lời trước công luận về sự lưu hành của những sản phẩm vừa độc hại, vừa độc quyền, vừa mang tính lừa đảo?

Và ai sẽ trả lời về sự hiện diện của hoạt động khám chữa bệnh và bán thuốc “kiểu Vision” đang diễn ra tại 86 Mạc Thị Bưởi, Q.1, TP.HCM?

KIM SƠN - QUỐC THANH
Link: TuoitreOnline

0 nhận xét:

Đăng nhận xét