Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định về tổ chức khoa học-công nghệ, trong có quy định mới về ý kiến phản biện.
Quyết định 97/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) được ông Thủ tướng ký hôm 24/07 và bắt đầu có hiệu lực ngày 15/09 tới.
Ngay sau khi nội dung quyết định này được công bố, nó đã gặp nhiều phản đối khá dữ dội của giới trí thức ở trong nước.
Một trong những điểm bị chỉ trích nhiều nhất là trong Điều 2, nói về phản biện.
Điểm này quy định trách nhiệm cá nhân thành lập tổ chức KH&CN là "Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ".
Có ý kiến thậm chí gọi đây là "bịt miệng" phản biện xã hội.
'Chặn phản biện'
Điều 4 của Quyết định 97 thì viết cơ quan chức năng sẽ "Rà soát lại các tổ chức KH&CN do cá nhân đã thành lập để hướng dẫn đăng ký lại hoạt động theo quyết định này."
"Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN và tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định pháp luật đối với tổ chức KH&CN tư nhân có vi phạm."
Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.
Điều 2.2 Quyết định 97
Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một số tổ chức KH&CN đóng vai trò tích cực trong nghiên cứu và phản biện xã hội.
Một trong số đó là Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) với những tên tuổi trí thức như Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Phan Đình Diệu, Tương Lai, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc...
Đây là cơ quan nghiên cứu chiến lược theo mô hình think-tank của nước ngoài, nhưng bị một số cơ quan quản lý chuyên môn của Việt Nam cho là "hoạt động vượt qua chức năng đăng ký được cho phép".
Lãnh đạo IDS cho hay đang tiến hành các thủ tục yêu cầu xem xét lại quyết định 97, nên tạm thời "ngừng bình luận".
Tuy nhiên quan điểm của IDS, đã đăng tải trên nhiều trang mạng, là quyết định này vi phạm luật về mặt thủ tục, gây cản trở và hạn chế quyền tự do nghiên cứu của các chuyên gia, trí thức.
Việc quy định danh mục chi tiết các lĩnh vực được thành lập tổ chức KH&CN cũng bị cho là bó buộc và không phù hợp với thực tế, vì KH&CN ngày nay đã trở nên liên ngành và bổ sung cho nhau.
'Có thể phản biện với tư cách cá nhân'
Để rộng đường dư luận, đài BBC đã nói chuyện với một trong các thành viên Ban Soạn thảo Quyết định 97.
Ông Hoàng Ngọc Doanh, phó ban Chính sách Nhân lực và Hệ thống Tổ chức KH&CN thuộc Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) nói:
Ông Hoàng Ngọc Doanh: Thực ra quyết định này ra đời vì Luật KH&CN (2000) đã có quy định cá nhân được thành lập tổ chức KH&CN. Theo Nghị định số 81 (2002), Bộ KH&CN phải trình Thủ tướng Chính phủ quy định về những lĩnh vực cụ thể mà cá nhân được thành lập tổ chức KH&CN.
Trước đây chưa soạn thảo, gây khó khăn cho cơ quan tiếp nhận đăng ký vì nhiều khi không biết đăng ký vào lĩnh vực nào. Vậy cho nên mới có quyết định này.
Cá nhân có thể phát biểu ý kiến phản biện, với điều kiện tuân thủ các luật lệ như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật KH&CN... Tuy nhiên, cá nhân thì công bố với danh nghĩa cá nhân và tự chịu trách nhiệm, chứ lấy danh nghĩa tổ chức thì không ổn.
Cần phải nói rõ rằng cá nhân (ở đây có thể hiểu là một người hay một nhóm người) không phải xin giấy phép thành lập tổ chức KH&CN, mà chỉ cần thành lập theo đúng luật là được đăng ký.
BBC: Vâng thưa ông, nhưng khi quyết định được công bố, đã có nhiều chỉ trích, nhất là về việc tổ chức KH&CN tư nhân không được công bố công khai phản biện. Thậm chí có người còn nói đây là hành động "bịt miệng phản biện".
Ông Hoàng Ngọc Doanh: Luật KH&CN và Nghị định 81 đã quy định rõ từ trước là các tổ chức tư nhân có quyền phản biện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng phải gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản.
Đó là quy định đã có rõ ràng từ trước. Về cá nhân, thì cá nhân vẫn có thể phát biểu ý kiến phản biện, với điều kiện tuân thủ các luật lệ như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật KH&CN... Tuy nhiên, cá nhân thì công bố với danh nghĩa cá nhân và tự chịu trách nhiệm, chứ lấy danh nghĩa tổ chức thì không ổn.
Và khi công bố phản biện của cá nhân lên phương tiện thông tin đại chúng, thì tổng biên tập sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung đó.
Hoàn toàn không có chuyện "bịt miệng".
BBC: Thưa ông còn về điều 4, nói về việc đăng ký lại các tổ chức KH&CN để tránh vi phạm thì thực chất là như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc Doanh: Thực chất là để bảo đảm các tổ chức hoạt động đúng lĩnh vực mình đăng ký. Đăng ký cái gì thì làm đúng cái đó. Nếu không rất dễ xảy ra việc thành lập nhiều hoạt động, không ai quản lý được.
Phải quy định chặt chẽ, nước nào cũng làm như vậy thôi.
Nguồn: BBC Vietnamese
Ý kiến đọc giả: http://newsforums.bbc.co.uk/ws/vi/thread.jspa?forumID=9621
Nhãn
Copyrights @ Journal 2014 - Designed By Templateism - SEO Plugin by MyBloggerLab
0 nhận xét:
Đăng nhận xét