Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Những cách nhìn khác nhau về nước Mỹ!

Share
"Chào các bạn!
Đã từ lâu đề tài nước Mỹ luôn diễn ra với nhiều ý kiến trái ngược nhau, khen có, chê có... với những cái nhìn ở những góc độ khác nhau, và dường như Mỹ và Việt Nam từ trước tới bây giờ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm!
Mình muốn giới thiệu đến các bạn hai bài viết có thể nói là trái ngược nhau về thái độ và góc nhìn, hy vọng các bạn tìm ra cho mình một góc nhìn về nước Mỹ."

Bài 1: "VỀ CÁI GỌI LÀ "NHÂN QUYỀN CỦA MỸ"
Trần Đình Châu *
Nhân quyền là vấn đề phức tạp và nhạy cảm không chỉ ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mà còn cả trong đời sống chính trị thế giới, nhất là trong điều kiện dân chủ hoá, cơ chế thị trường và toàn cầu hoá hiện nay. Việc Mỹ tìm mọi cách khuyếch trương và dùng những "giá trị Mỹ", "dân chủ Mỹ" làm chiêu bài can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác đã và đang bị dư luận quốc tế trên thế giới kịch liệt lên án.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, "Nhân quyền của Mỹ" có những nội dung chính sau: Thứ nhất, xác định rõ nhân quyền gắn với dân chủ là quốc sách cơ bản của Mỹ, được đặt vào vị trí chiến lược quan trọng ngang với vấn đề hoà bình, an ninh, kinh tế thị trường tự do. Thứ hai, nhân quyền được gắn với việc giải quyết các mối quan hệ với các nước, với qui chế tối huệ quốc, với viện trợ kinh tế, hợp tác kỹ thuật, gắn với điều kiện sử dụng lao động. Thứ ba, nhân quyền được xem công khai như một mũi tiến công phi quân sự để thực hiện "diễn biến hoà bình" ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và chuyển hoá, lật đổ ở các nước thế giới thứ ba.
Thực tế, Mỹ đã chính trị hoá vấn đề nhân quyền, coi chế độ chính trị - xã hội và mô thức phát triển của Mỹ là chuẩn mực duy nhất của nhân quyền, là điều kiện để cung cấp viện trợ và hợp tác phát triển, liên tục gây sức ép với các nước, mượn cớ "vi phạm nhân quyền" hòng hạn chế, phủ nhận chủ quyền của các nước.

Chính sách "Nhân quyền của Mỹ" đang vấp phải sự phản kháng của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, và thậm chí bị chính dư luận xã hội Mỹ, đa số là giới tư bản tài chính Mỹ phản đối, vì đi ngược lại lợi ích kinh tế mậu dịch của Mỹ và không phù hợp với những thay đổi đang diễn ra hiện nay trên thế giới.

Trong những năm gần đây, đa số các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, ngày càng nhận rõ âm mưu chính trị hoá vấn đề nhân quyền của Mỹ. Họ ngày càng đoàn kết, gắn bó hơn và mạnh mẽ phê phán thái độ trịch thượng, độc đoán của Mỹ trong việc chỉ trích tình hình nhân quyền ở các nước khác, trong khi bản thân nước Mỹ lại đầy rẫy sự bất công và vi phạm nhân quyền. Các nước đang phát triển cũng tham gia ngày càng tích cực hơn vào công việc của Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc, làm cho vai trò khống chế, áp đặt của Mỹ và phương Tây giảm đi. Do đó, Mỹ không còn dễ dàng dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc của các nước, nhất là những nước có chế độ chính trị xã hội khác với Mỹ và phương Tây, thậm chí có những vấn đề Mỹ bị cô lập cao độ trong cộng đồng quốc tế. Tại khoá họp thứ 57 của Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp quốc tại Giơ-ne-vơ từ ngày 19-3 đến 3-5/2001, Mỹ đã bị mất ghế trong Ủy ban này. Đây là thất bại đau đớn của Mỹ.

Nhìn chung, đa số các nước thành viên trong Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp quốc đều cho rằng, nhân quyền là một trong những thành tựu, là động lực phát triển của xã hội loài người. Cuộc đấu tranh vì những quyền chính đáng của con người đã phải trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đầy máu và nước mắt ở khắp nơi trên thế giới. Các nước đang phát triển cũng có quyền giương cao ngọn cờ nhân quyền chứ không chỉ các nước phát triển mới có quyền đó. Bất kỳ một dân tộc nào cũng đều khao khát được độc lập, tự do và những quyền thiêng liêng đó đã được nhân loại thừa nhận. Vì lẽ đó, Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp quốc cần phải được tiếp tục dân chủ hoá để không trở thành công cụ của một vài cường quốc phục vụ mục đích chính trị riêng của họ.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị của nước Mỹ, với thói ngạo mạn cố hữu, vẫn cố tình không chịu hiểu điều đó. Họ trịch thượng vô lối khi cao giọng rao giảng về nhân quyền và chỉ trích nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, "vi phạm nhân quyền", đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo và vấn đề dân tộc thiểu số. Nhưng trên thực tế, chính Mỹ đang bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích mạnh mẽ vì vi phạm nhân quyền (nhất là việc đối xử vô nhân đạo đối với tù binh bị giam giữ tại căn cứ Goan-ta-na-mô và trong trại giam A-bu Gra-ip, việc Mỹ dung túng cho I-xra-en vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh chống người Pa-le-xtin hiện nay…) và khi Mỹ đã bị loại ra khỏi Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp quốc thì họ làm gì còn uy tín để rao giảng và chỉ trích việc giải quyết vấn đề nhân quyền ở các nước khác.

Trong khi rao giảng về nhân quyền để lên án nhiều nước thì chính Mỹ lại là nơi đầy rẫy bạo lực; là nơi các quyền tư pháp của công dân đã và đang bị vi phạm nghiêm trọng. Mỹ tự xưng là nước giàu mạnh nhất thế giới, nhưng cũng là nơi mà tình trạng vô gia cư phổ biến ở nhiều thành phố. Mỹ luôn khoe khoang những giá trị của Mỹ về nhân quyền thì chính tại nước Mỹ thể hiện sự bất bình đẳng nam nữ và sự hành hung trẻ em rõ rệt nhất. Mỹ cũng là nước điển hình nhất về sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Mỹ đã và đang xâm phạm thô bạo chủ quyền an ninh quốc gia của nhiều nước trên thế giới.

Mỹ: Một xã hội tràn đầy bạo lực

Theo số liệu của báo chí nước ngoài, năm 1998 nước Mỹ có 12,47 triệu vụ án phạm tội, 1,53 triệu vụ án phạm bạo lực và 17.000 vụ mưu sát. Như vậy, tính bình quân cứ 100 nghìn người dân thì có 4.616 vụ án, 566 vụ án bạo lực. Tính từ năm 1977 đến năm 1996 đã có hơn 400 nghìn người Mỹ bị mưu sát. Một vài con số đó đủ để thấy tình trạng bạo lực ở Mỹ đang hoành hành dữ đội như thế nào!

Mỹ là nước có số lượng người dân tàng trữ và sử dụng súng đạn nhiều nhất trên thế giới. Theo số liệu của Cục điều tra liên bang Mỹ, trong 3 tháng (9, 10 và 11 - 2001), số lượng súng đạn và chất nổ được tiêu thụ ở Mỹ tăng từ 9% lên 22%. Chỉ tính riêng tháng 10-2001, số người có đăng ký sử dụng vũ khí lên tới 1,02 triệu khẩu súng; bình quân mỗi năm nước Mỹ có hơn 15.000 người bị chết do súng đạn. Trong lịch sử nước Mỹ đã có 3 tổng thống bị ám sát, trong đó có 2 bị bắn chết và 1 bị trọng thương. Một trong những nguyên nhân chính làm bạo lực gia tăng ở Mỹ là vì ngay từ bé, thanh thiếu niên đều chịu tác động của phim ảnh bạo lực. Trong thanh niên nước Mỹ, có quan niệm giải quyết tất cả mọi vấn đề trong quan hệ chỉ có thể bằng súng đạn.

Quyền tư pháp của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng

Thứ nhất, số án tử hình ở nước Mỹ ngày một tăng. Điều trớ trêu thay là họ lên án nước này, nước nọ xử tử hình nhiều, nhưng hiện nay luật pháp liên bang và luật pháp 38 bang của Mỹ vẫn cho phép kết án tử hình. Từ năm 1976 đến nay, họ đã hành quyết hơn 600 người, trong số đó có không ít người bị oan ức.

Thứ hai, số người bị giam giữ trong các nhà tù ở Mỹ cũng đứng vào hàng đầu thế giới. Từ năm 1992 đến năm 2000 có 670.000 người đã bị đưa vào nhà tù. Hầu hết số tù nhân trong các nhà tù ở Mỹ là những người da đen. Điều kiện sống của tù nhân trong các nhà tù ở Mỹ cũng tồi tệ không kém gì so với những nước bị Mỹ lên án là đối xử tàn tệ với tù nhân.

Thứ ba, ở nước Mỹ ngày càng có thêm những hành vi vô nhân tính. Chẳng hạn, tháng 2-2002, dân chúng Mỹ cũng như thế giới rất sửng sốt về chuyện 3 công ty hoả táng ở thành phố At-lan-ta đều nhận tiền dân thuê hoả táng cho thân nhân của họ, nhưng cả 3 công ty đều đưa những xác này vào chất đống trong rừng. Người ta phát hiện hành động vô nhân tính này đã diễn ra trong 15 năm qua và ít nhất 300 thi hài đã bị ném ra rừng.

Tình trạng nghèo đói, vô gia cư ở nước Mỹ ngày càng tăng

Hai mươi năm qua, khoảng cách chênh lệch tài sản giữa những người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp ngày càng lớn. Từ năm 1979 đến năm 1999, chênh lệch thu nhập bình quân của 5% gia đình giàu nhất nước Mỹ so với thu nhập bình quân của 20% gia đình nghèo nhất nước Mỹ đã tăng từ 10 lần lên 19 lần. Mỹ hiện là nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. Năm 1999, Mỹ có 10% số gia đình, bao gồm 19 triệu thanh niên và 12 triệu trẻ em không được bảo đảm về thực phẩm. Năm 2001, Mỹ đã phải cung cấp lương thực khẩn cấp cho 23 triệu người. Theo báo cáo hằng năm của Hội nghị thị trưởng các thành phố Mỹ công bố tháng 12-2001, trong các thành phố chủ yếu của Mỹ, số người chịu đói rách không có nhà ở tăng nhanh trong năm 2001. Tại 27 thành phố được điều tra, số người yêu cầu cứu tế thực phẩm khẩn cấp đã tăng 23% và yêu cầu khẩn cấp về nhà ở tăng 13%. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố, số người sống nhờ vào chế độ cứu tế hiện nay là 4,02 triệu người; hơn 2 triệu người không có nhà ở, ban đêm những người này thường ngủ ở vỉa hè, công viên, trong các thùng xe rác, nhà ga... Một điều rất trớ trêu, ở Mỹ giá trị tính mạng của người giàu và người nghèo rất khác nhau. Tờ "Liberation" của Pháp số ra ngày 9-1-2002 đã phanh phui: quỹ bồi thường liên bang của Chính phủ Mỹ quy định mức bồi thường cho nạn nhân trong sự kiện ngày 11-9-2001 căn cứ vào tuổi tác, mức lương và số người trong gia đình, sau đó mới cộng thêm bồi thường về mặt tinh thần. Theo phương thức đó, đã có một kết quả khiến mọi người hết sức sửng sốt: nếu nạn nhân là phụ nữ thì chồng và 2 con được bồi thường 500.000 USD, nhưng nếu nạn nhân là nam giới và là quản lý kinh doanh ở phố Uôn thì vợ goá và 2 con của ông ta được bồi thường 4,5 triệu đô la. Như vậy, giá trị con người khi tính bồi thường cũng chênh lệch ghê gớm!

Sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội Mỹ đang gia tăng

Điều nghiêm trọng nhất là phụ nữ Mỹ luôn bị bạo lực đe dọa. Theo thống kê chính thức của Mỹ, cứ 15 giây thì có một phụ nữ bị đánh đập, hằng năm có khoảng 700.000 vụ phụ nữ bị cưỡng hiếp. Trong các nhà tù, hầu hết các nữ tù nhân bị quấy rối tình dục, bị giám thị cưỡng hiếp. Theo điều tra của Tổ chức ân xá quốc tế về trẻ em thì quyền lợi con trẻ ở Mỹ cũng không được bảo đảm. Mỹ là một trong hai nước trên thế giới không chịu ký bản Công ước Quyền trẻ em và là một trong số ít nước trên thế giới vẫn thực hiện án tử hình đối với phạm nhân vị thành niên.

Tình trạng trẻ em bị mất tích cũng rất nghiêm trọng. Theo Cục điều tra Liên bang Mỹ công bố năm 2001, năm 1999 có 750 nghìn trẻ em mất tích, chiếm 90% tổng số người bị mất tích trong cả nước, và như vậy bình quân một ngày có 2.100 trẻ em bị mất tích.

Nước Mỹ là quốc gia điển hình của sự phân biệt chủng tộc

Theo tạp chí "Diễn đàn kinh tế thế giới" (tháng 7 - 8-2000), trong số 535 nghị sĩ quốc hội Mỹ thì chỉ có 19 nghị sĩ người gốc Mỹ La - tinh được quyền bỏ phiếu, chiếm 3,4%, trong khi tỷ lệ người gốc Mỹ La - tinh của dân số Mỹ là 12,5%; người da đen tuy chiếm 13% dân số Mỹ nhưng chỉ có 5% số người da đen trong số quan chức dân cử. Tỷ lệ thất nghiệp của người da đen gấp 2 lần tỷ lệ thất nghiệp của người da trắng. Người da đen làm công việc dịch vụ lương thấp hơn 2 lần so với người da trắng.

Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc, tại Mỹ cùng phạm một tội như nhau nhưng người da màu thì chịu mức trừng phạt nặng gấp 2 - 3 lần so với người da trắng. Số người da đen bị kết án tử hình do giết người da trắng nhiều gấp 4 lần so với số người da trắng bị kết án tử hình do giết người da đen.

Nước Mỹ xâm phạm thô bạo và trắng trợn nhân quyền các nước khác trên thế giới

Mỹ là nước điển hình dùng sức mạnh quân sự để trừng phạt những quốc gia, những dân tộc không theo ý đồ của Mỹ. Chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Ban- căng những năm vừa qua là một ví dụ. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm cuối của thế kỷ XX, Mỹ đã 40 lần sử dụng vũ lực ở nước ngoài để trừng phạt những nước không theo cây gậy chỉ huy của Mỹ. Cho đến nay, tính ra Mỹ đã đóng quân ở hơn 40 nước. Khi thực hiện các cuộc xâm lược, Mỹ đã không ngần ngại sử dụng vũ khí hoá học. Ở rất nhiều nơi có quân Mỹ đóng, họ đã gây ra không ít hành động vi phạm nhân quyền, mà điển hình là nạn cưỡng hiếp phụ nữ. Theo điều tra, hiện nay Mỹ có gần 100 công ty chế tạo và bán ra nước ngoài các dụng cụ tra tấn bị cấm với số lượng lớn như roi điện, xích chân, khoá tay có răng cưa, các dụng cụ tra tấn kỹ thuật cao có thể làm tổn thương hoặc chết người ngay tại chỗ.

Mỹ là nước duy nhất trên thế giới đã sử dụng bom nguyên tử giết hại hàng chục vạn người dân vô tội ở Nhật Bản trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Còn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng 72 triệu lít hoá chất độc (trong đó có tới 44 triệu lít chất độc màu da cam), huỷ hoại môi sinh nhiều vùng rộng lớn của Việt Nam và hàng triệu người dân Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của nó. Thế nhưng, khi các nạn nhân Việt Nam bị chất độc da cam/đi-ô-xin của Mỹ kiện các công ty hoá chất Hoa Kỳ sản xuất các chất độc giết người đó, thì chính Toà án liên bang Mỹ ở quận Brúc-clin đã bác đơn của các nạn nhân do họ gây ra. Điều này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của dư luận quốc tế. Làn sóng ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam bị chất độc da cam/đi-ô-xin ngày càng mạnh mẽ hơn. Ngay trong khi ở Mỹ đang diễn ra vụ kiện trên, thì cũng chính tại Pa-ri (Pháp) đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người trong chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam. Dư luận quốc tế đã cực lực lên án sự dã man khủng khiếp của những kẻ sử dụng chất độc này đối với con người. Ông G. Au-bơ-ri, Trưởng Tổ chức cứu trợ-phát triển (CRS) của Mỹ tại Việt Nam, ông S. Oa-gơ, giảng viên Quốc tế học người Mỹ, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và nhiều người nước ngoài khác nữa đang công tác ở Việt Nam đều bày tỏ thái độ ủng hộ vụ kiện và đề nghị Chính phủ Mỹ phải bù đắp cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và nhấn mạnh rằng ảnh hưởng chất độc da cam đối với con người là rất khủng khiếp.

Sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", nuôi dưỡng bọn phản động người Việt lưu vong trên đất Mỹ, xúi giục, tổ chức và tài trợ cho các hoạt động khủng bố, bạo loạn lật đổ, kích động dòng người ra đi bất hợp pháp, hòng kiếm cớ để can thiệp vào Việt Nam. Trong những năm gần đây, được sự xúi giục và hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch ở nước ngoài, trong đó có có các thế lực thù địch lưu vong trên đất Mỹ, bọn phản động trong nước đã gây ra một số vụ bạo loạn gây mất ổn định ở các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam, hòng gây mất ổn định chính trị. Nhưng các thủ đoạn đê hèn đó đã kịp thời bị dập tắt. Đồng bào các tỉnh Tây Nguyên luôn cảnh giác với cái gọi là "dân chủ, nhân quyền" của các thế lực nước ngoài đưa vào và về cái gọi là "Nhà nước Đề Ga” mà chúng âm mưu dựng lên hòng phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên, gây mất ổn định cuộc sống an lành của đồng bào các dân tộc ta đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất giàu truyền thống này.

Trong khi Mỹ đưa ra các đạo luật phê phán nhân quyền ở những nước khác, nhưng chính Mỹ là nước bị chỉ trích về vi phạm nhân quyền nhiều nhất. Tờ Tự do (An-giê-ri) số ra ngày 14-3-2005 đăng bài nhan đề “Mỹ, một tấm gương tồi” trong đó nêu rõ: "Mỹ là một trong những nước bị chỉ trích nhiều nhất về vấn đề tôn trọng quyền con người trong khi họ thường xuyên lớn tiếng rêu rao về dân chủ và nhân quyền". Bài báo cũng dẫn lời Giám đốc Ủy ban Giám sát nhân quyền (HRW) Ken-nét Rốt cho rằng “Mỹ là một trong những nước vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền”. Ông nêu rõ, "trên thực tế Mỹ thường xuyên can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước khác dưới chiêu bài nhân quyền". Việc chính phủ Mỹ công khai thừa nhận để xẩy ra những hành động ngược đãi tù nhân tại nhà tù ở I-rắc đã làm hoen ố thêm hình ảnh của Mỹ trong lĩnh vực này. Do vậy, bài báo trên kết luận, báo cáo nhân quyền của Mỹ hằng năm, đặc biệt là Báo cáo nhân quyền năm 2004 của Mỹ đã "mất thiêng" và gây bất bình đối với nhiều nước trên thế giới.

Thủ đoạn "Nhân quyền của Mỹ" vô cùng thâm độc và nguy hiểm. Lợi dụng chiêu bài "nhân quyền", Mỹ và phương Tây đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước, gây chia rẽ, mất lòng tin, gây dựng những bộ phận, những hạt nhân chống đối ngay trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, các thủ đoạn thâm độc này đang được Mỹ và các thế lực thù địch áp dụng vào Việt Nam và các nước khác, nhằm xây dựng "tự do", "nhân quyền" kiểu Mỹ ở các nước này và cuối cùng là thực hiện ý đồ "lãnh đạo thế giới" bằng những "ý tưởng và giá trị dân chủ của Mỹ".

Nhân dân ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới cần luôn luôn nâng cao cảnh giác và đoàn kết nhất trí chống lại chính sách "Nhân quyền của Mỹ " và ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ nước khác của Mỹ và các thế lực thù địch.

* TS, Đại tá, Tạp chí Quốc phòng toàn dân
 
===============
Bài 2: "Không hết ngạc nhiên về nước Mỹ"

Mặc dù đã sống trên xứ Mỹ hơn 30 năm nhưng tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về quốc gia nầy. Điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi là làm sao một quốc gia trẻ trung mà lịch sử chưa đến 3 thế kỷ, gồm dân tứ chiếng thuộc mọi chủng tộc lại có thể hợp tác với nhau để xây dựng nước nầy thành một quốc gia hùng cường bậc nhất trên thế giới? Ngay cả người cùng một nòi giống cũng chưa chắc có thể ngồi chung để làm việc với nhau được. Với dân số 300 triệu, Hoa Kỳ hiện là siêu cường số 1 trên thế giới về khoa học, nghệ thuật, văn chương, kinh tế, thương mại, quân sự… Có nhiều năm mà nước Mỹ chiếm hầu hết các giải Nobel. Nguyên nhân nào giúp họ đạt được những thành quả ngoạn mục như thế?

Tìm tòi và quan sát thì tôi nhận thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và người Mỹ có những nét đặc biệt. Những điểm đặc biệt ấy chưa hẳn giải thích hoàn toàn sự hùng cường của nước Mỹ nhưng cũng nói lên một phần tại sao Hoa Kỳ hấp dẫn các dân tộc khác trên thế giới, tại sao những khối óc siêu việt từ khắp nơi trên thế giới đều đổ về Mỹ.

1) Thể chế chính trị
Nước Mỹ có một nền chính trị ổn cố nhất thế giới. Việc một ông tổng thống được bầu lên mà bị lật đổ qua một cuộc đảo chánh là điều không thể xảy ra. Thật ra từ ngày lập quốc vào năm 1776 đến nay, Hoa Kỳ chưa hề có một cuộc đảo chánh nào để lật đổ chính phủ. Định chế phân quyền: Hành pháp, lập pháp, và tư pháp bắt nguồn từ Âu châu do triết gia Pháp Montesquieu nêu lên nhưng hình như nước Mỹ là quốc gia duy nhất áp dụng triệt để định chế ấy. Khi hết nhiệm kỳ thì tổng thống tự động xuống, trao quyền cho người kế vị một cách êm thấm. Không ông nào cố gắng ‘ngồi dai’ hay ‘chơi bẩn’ để tại vị. Hiến pháp Mỹ qui định mỗi tổng thống chỉ có thể đắc cử hai nhiệm kỳ mà thôi. Không ông tổng thống nào dám vận động sửa đổi hiến pháp để có thể làm ‘tổng thống mãn đời’. Gian lận trong việc bầu cử hình như không có ở Hoa Kỳ.

2) Nền kinh tế Hoa Kỳ ổn định nhất trên thế giới
Mặc dù đôi khi Hoa Kỳ gặp những sự suy thoái về kinh tế (economic recession) nhưng đồng đô la ít khi nào mất giá vì kinh tế Hoa Kỳ hồi phục rất nhanh. Những chương trình đầu tư tại Mỹ xem như khá vững chắc. Vì thế cho nên các quốc gia khác trên thế giới đều muốn đổ tiền vào Mỹ để đầu tư với những số lời chắc chắn mà không sợ mất vốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến quốc gia Hoa Kỳ giàu mạnh khi ngoại quốc đổ tiền vào đầu tư ở xứ họ vì những chương trình đầu tư như thế tạo công ăn việc làm cho dân chúng Mỹ.

3) Tôn trọng nguyên tắc công bằng và phải chăng
Khi có hai ba người chờ ở quầy hàng hay nơi bán vé là người Mỹ tự động xếp hàng, ai tới trước thì được phục vụ trước, không chen lấn, giành giựt. Nếu bạn muốn cắt hàng thì hai việc sẽ xảy ra: những người đang đứng chờ trong hàng sẽ la ó, phản đối và nhân viên bán hàng (clerk) sẽ yêu cầu bạn lui ra phía sau chờ đến phiên. Tại sao bạn lại muốn được phục vụ trước trong khi những người khác đến trước bạn phải chờ? Tôi cho rằng điều nầy phản ảnh tinh thần tự giác và tôn trọng lẽ công bằng của người Mỹ.

4) Trọng người có khả năng
Ở Mỹ ta ít thấy chuyện dìm người hay dìm tài năng và phe đảng. Vì thế nước Mỹ là ‘đất dụng võ’ của những người có tài và giàu sáng kiến. Các khoa học gia, học giả, doanh gia, văn sĩ, nghệ sĩ… khắp nơi trên thế giới đều muốn sang Hoa Kỳ để sinh sống và phát triển tài năng. Không những thế người Mỹ còn cố gắng đi tìm người có khả năng mời sang Hoa Kỳ với thù lao cao để làm việc. Họ biết trả giá cho những khối óc xuất sắc trên thế giới.

5) Trọng sự lương thiện và ngay thẳng
Hai sự việc nhỏ cho thấy điểm nầy: các hộp bán báo (newspaper stand ở các góc phố để bạn bỏ tiền (khoảng 50 xu) rồi tự động mở hộp ra lấy một tờ báo. Dĩ nhiên bạn có thể lấy hơn 1 tờ "cho bạn bè, thân nhân" nhưng không ai làm như thế vì họ tôn trọng tính lương thiện: 50 xu thì lấy 1 tờ.

Có lần tôi bước vào một hiệu buôn, người bán hàng lấy một gói đồ trao cho tôi và bảo, "Đây là món hàng ông mua cách đây mấy tháng mà ông quên lấy. Chúng tôi không biết số điện thoại của ông để liên lạc nhưng chúng tôi tin chắc thế nào ông cũng trở lại cho nên chúng tôi giữ đây." Tôi mở gói hàng ra thì thật đúng món đồ tôi đã mua. Tôi vô cùng cảm kích tính lương thiện của người Mỹ và hết lòng cám ơn họ. Dĩ nhiên họ có thể bán món hàng đó một lần nữa để kiếm lời mà tôi không thể nói gì được vì là lỗi của tôi nhưng họ không làm như thế vì họ quan niệm rằng món hàng đã trả tiền thì thuộc về người mua. Quả thật chỉ có bên Mỹ (Only in America!) mới có chuyện như vậy. Ăn cắp hàng trong tiệm, dù món hàng rẻ đến đâu đi nữa đều bị luật pháp Mỹ trừng trị nặng nề.

6) Biết tôn trọng luật chơi (rules of the game)
Trong kinh doanh mặc dù họ cạnh tranh nhau rất ráo riết nhưng họ không thích trò ‘chơi bẩn’. Họ ghét lối ‘cạnh tranh bất chính’ (unfair competition). Ngay cả trong khi săn bắn như săn vịt trời chẳng hạn thì họ chờ hay đuổi vịt bay lên rồi mới bắn. Hỏi tại sao không bắn khi chúng nó đang bơi trong hồ, họ bảo, "Bắn như vậy là không fair (phải chăng) vì con vịt đang ở yên một chỗ thì ai cũng bắn trúng được. Không đúng luật thể thao."

7) Quí người tay trắng làm nên chứ không ỷ vào thế lực hay vây cánh
Nước Mỹ có vô số người mới sang nghèo rớt mùng tơi, nhưng nhờ chịu khó và cố gắng đã xây lên được những tài sản khổng lồ. Đó là những người mà dân Mỹ trọng. Và họ cũng trọng những dân tị nạn đã cố gắng vươn lên trong xã hội Mỹ qua kinh doanh, học vấn… Họ không ganh tị với những người thành công mà trái lại ngưỡng mộ và đề cao những người như thế. Người Việt tị nạn là một trong số những gương thành công mà người Mỹ ngưỡng mộ, nhất là về học vấn khi một số con em Việt Nam đạt được những bằng cấp cao từ các đại học nổi tiếng của Mỹ.

8) Họ tôn trọng ý kiến cá nhân
Trong các cuộc tranh luận họ phân biệt ý kiến của một người và cá nhân của người đó. Hai điều ấy riêng biệt nhau. Dù họ không thích ý kiến bạn nhưng họ vẫn là bạn tốt của bạn. Họ không bao giờ quan niệm rằng "nếu bạn không đồng ý kiến với tôi thì tôi không thích bạn nữa."

9) Họ can đảm và thành thật nói "không biết" chứ không dám ‘nói đại’ hay "cả vú lấp miệng em"
Ngay cả giáo sư đại học nhiều khi cũng mạnh dạn trả lời "tôi không biết" cho những câu hỏi của sinh viên. Họ nhìn nhận biển học thật bao la, không ai có thể biết hết mọi vấn đề dù là chuyên gia đi nữa. Đây là điểm tôi khâm phục người Mỹ. Họ không cảm thấy xấu hổ khi nhìn nhận kiến thức giới hạn của mình. Người Mỹ rất dè dặt với những người ba hoa, làm như "cái gì cũng biết" (know-all attitude).

10) Họ rất tin tưởng lẫn nhau
Một lời gởi gắm hay một thư giới thiệu về bạn dù từ một người mà họ chưa hề quen biết cũng có giá trị đối với họ. Vì thế họ hay yêu cầu bạn chứng minh thư giới thiệu của chủ cũ khi bạn đi xin việc làm hay xin nhập học đại học mặc dù họ không hề quen biết người biên thư giới thiệu cho bạn. Có khi họ gọi thẳng người ấy để biết thêm về bạn. Ý kiến của một đồng bào dù xa lạ như thế vẫn có tác dụng rất lớn đối với người đang tuyển mộ bạn.

11) Họ trọng thái độ tích cực trong cuộc sống hơn thái độ tiêu cực
Họ có những chương trình huấn luyện để trau dồi tinh thần tích cực cho nhân viên. Người Mỹ cho rằng người tích cực là người biết nhìn, phân tích, và giải quyết vấn đề và là người dễ thành công trên đời hơn người tiêu cực. Họ rất thích chơi với những người có thái độ lạc quan hơn người bi quan. Họ bảo, "đời sống tự nó đã có nhiều bi quan lắm rồi, đừng thêm vào một mối bi quan nào nữa trái lại hãy tìm khía cạnh lạc quan để mà sống".

12) Họ biết tôn trọng luật pháp
Có lẽ chỉ ở bên Mỹ chúng ta mới thấy xe cộ dừng lại khi gặp đèn đỏ lúc 2-3 giờ sáng mặc dù đường sá vắng tanh, không có xe cộ gì. Không hẳn vì họ sợ cảnh sát công lộ núp ở gần đó mà vì tinh thần tự trọng. Họ cho rằng , "Con người thật của bạn là những gì bạn làm mà không ai thấy." Họ hãnh diện vì tôn trọng luật pháp chứ không hãnh diện về những mánh khoé vặt.

13) Con cái được khuyến khích tự quyết định lấy đời sống và phát huy tinh thần tự lập
Dù là cha mẹ đi nữa họ cũng tôn trọng ý kiến và sở thích của con cái, không khi nào ép chúng học một ngành không hợp với khả năng của chúng. Mộng ước cho con sau nầy ra kỹ sư bác sĩ là điều các bậc cha mẹ Mỹ đều ít nghĩ tới nếu các ngành đó không phù hợp với sở thích của con cái mình. Ngoài ra con cái cũng được dạy sống tự lập rất sớm, không ỷ lại vào cha mẹ. Các trẻ con Mỹ khi lên 17-18 tuổi đều được cha mẹ khuyên ra ở riêng để tập tính tự lập mặc dù ở chung với cha mẹ thì đỡ tốn kém hơn. Nhưng nếu con cái tiếp tục sống nhờ cha mẹ thì mọi người, nhất là các cô gái sẽ chê những người như thế là hèn yếu, kém cỏi, không dám tự lập. Ngay cả khi con cái mượn tiền cha mẹ để mua xe đi nữa thì chúng cũng phải tìm cách trả lại chứ không mong cha mẹ ‘biếu không’ cho mình. Chúng ta có lẽ ngạc nhiên về điều nầy nhưng họ quan niệm con cái phải học tinh thần trách nhiệm: Mượn thì phải trả! Họ không muốn con cái ỷ lại vào những "của biếu không". Và khi con cái có gia đình và nghề nghiệp thì đa số đều dọn đi xa cha mẹ để lập thân chứ không thích sống quanh quẩn gần cha mẹ để ‘nhờ vả’ giữ con giùm.

14) Xã hội Mỹ là một xã hội động (dynamic) không phải tĩnh (static) như Đông Phương
Vì thế mọi việc đều biến chuyển rất nhanh, từ kỹ thuật cho đến văn chương. Cho nên người nào chậm chạp không thích ứng kịp với xã hội là xem như bị bỏ lẹt đẹt phía sau. Thái độ ‘tự mãn’ và ‘dậm chân tại chỗ” không có nơi đứng trong xã hội Mỹ.

15) Họ biết tôn trọng tinh thần đóng góp
Những công việc chung thường thấy mỗi người chung góp một tay. Các bữa ăn chung ở nhà thờ mỗi người đều mang theo một món. Người nhiều kẻ ít nhưng ít ai đi tay không hay chơi kiểu ‘free ride’ (quá giang) nghĩa là không mang gì cả vì họ cho rằng sự đóng góp chung nói lên tinh thần tự giác. Và mọi tổ chức từ tôn giáo đến thiện nguyện đều hoạt động nhờ vào nguyệt liễm hay sự đóng góp của hội viên. Họ quan niệm, "Nếu bạn thuộc tổ chức nào thì bạn phải có nghĩa vụ ủng hộ tổ chức ấy về mọi mặt".

16) Các trẻ nhỏ được dạy cho tinh thần xông xáo, không ỷ lại
Tôi không quên một lần có một em nhỏ khoảng 11-12 tuổi đến gặp tôi để mời tôi nói chuyện với lớp học của em về văn hóa Việt Nam. Lúc ấy tôi đang cào lá trước sân nhà. Em thấy vậy liền hỏi, "Can I help you rake?" (Em có thể giúp ông cào lá được không?) Tôi rất cảm kích tinh thần bạo dạn và xông xáo của em nhỏ ấy. Dĩ nhiên tôi không mong em làm công việc mà tôi đang làm nhưng em cảm thấy cần phải giúp một tay.

17) Tinh thần phục vụ khách hàng
Phục vụ khách hàng (customer service) hình như là phương châm của mọi dịch vụ kinh doanh trên xứ Mỹ. Nhiều cửa hàng bán cùng một loại hàng, giá cả hầu như giống nhau nhưng cửa hàng nầy bán được nhiều hơn cửa hàng kia chỉ vì cách phục vụ hơn kém nhau mà thôi.

Chắc độc giả đã từng có kinh nghiệm sau đây ở quê nhà: Bạn muốn chủ tiệm cho bạn xem một món hàng đang bày ở một kệ trên cao. Bạn xin họ lấy xuống để bạn xem. Câu hỏi đầu tiên của người bán hàng là: "Có mua không thì tôi mới lấy!" Bạn bực mình bỏ đi và quyết định sẽ không bao giờ đặt chân đến cửa hàng ấy nữa. Làm sao bạn có thể quyết định mua một món hàng khi bạn chưa tận mắt nhìn hay sờ vào món hàng ấy? Ngoài ra chưa nói đến vấn đề giá cả, phẩm chất của món hàng… Tuy nhiên ở bên Mỹ thì họ sẽ sốt sắng mang món hàng xuống cho bạn và còn bảo, "Được. Để tôi lấy xuống cho. Ông bà không mua cũng không sao." Nghĩa là họ muốn chiếm cảm tình của bạn trước. Ngoài ra bạn cũng sẽ gặp những trường hợp sau đây: Bạn bước vào một cửa hàng hỏi mua một món hàng nhưng họ không còn. Bạn hỏi, "Cô có biết ở đâu bán món hàng ấy không?" thì họ sẽ trả lời: "Tôi biết tiệm X. ở dưới kia có bán món ấy nhưng tôi không biết họ còn hay không. Ông có muốn tôi gọi điện thoại hỏi để ông đỡ mất công lái xe xuống dưới không?" Bạn cảm kích về tinh thần phục vụ ấy vì nó nói lên 2 điều: Giúp đỡ cửa hàng khác và sốt sắng phục vụ cho khách hàng của mình. Dĩ nhiên họ có thể trả lời là "không biết" cho câu hỏi của bạn vì nó vừa dễ, vừa gọn nhưng họ đã đi xa hơn để chiếm cảm tình của bạn. Đi thêm một dặm (going the extra mile) là tinh thần phục vụ của người Mỹ theo lời dạy trong Thánh Kinh.

Nói chung thì bên Mỹ các thương gia xem khách hàng là người làm ơn cho mình vì là người nuôi sống mình chứ không phải mình làm ơn cho khách hàng. Cãi nhau và biện luận với khách hàng là điều mà các thương gia Mỹ cố tránh bằng mọi giá vì họ tin tưởng vào câu phương châm trong ngành kinh doanh, "Khách hàng bao giờ cũng đúng." (The customer is always right).

18) Họ trọng nguyên tắc ‘có qua có lại’
Đôi khi họ áp dụng nguyên tắc nầy hơi lộ liễu. Chẳng hạn bạn mời họ dùng cơm ở nhà bạn thì trước khi ra về họ sẽ bảo hôm nào họ sẽ mời bạn lại để trả bữa. Dĩ nhiên bạn không mong họ làm như thế. Bạn mời họ chỉ vì bạn quí họ mà thôi nhưng họ nghĩ rằng khi một người nào làm điều tốt với mình thì mình có nghĩa vụ phải ‘đáp lễ’ lại.

19) Họ trọng tuổi trẻ và tài năng
Họ cho rằng mỗi một người có một thời gian để hoạt động, sau đó phải nhường chỗ cho người khác, không ganh tị, không đố kỵ. Ngoài ra họ cũng biết nhường chỗ cho người có khả năng hơn mình. Người Mỹ tuy cho rằng kinh nghiệm là quan trọng nhưng không quan trọng bằng trình độ hiểu biết và kiến thức. Vì thế dù người lớn tuổi chưa chắc được họ trọng vì theo họ lớn tuổi chưa hẳn có kinh nghiệm, dù là kinh nghiệm cuộc đời đi nữa vì họ cho rằng mọi việc trên đời biến thiên không ngừng, không phải sống lâu mà "lên lão làng" nếu không trau dồi kiến thức và học vấn. Cho nên các bô lão nào cho rằng mọi người phải trọng mình vì tuổi tác thì họ sẽ không ngần ngại mời ‘đi chỗ khác chơi.’

Họ quan niệm rằng "chúng ta phải học hỏi luôn vì phải mất thời gian lâu mới thấu triệt một ngành và khi thấu triệt rồi thì kiến thức ấy đã lỗi thời cho nên phải tiếp tục học nữa." Các giáo sư trung học chẳng hạn mỗi năm phải tu nghiệp khoảng 60 giờ để duy trì chứng chỉ hành nghề! Không phải có bằng rồi "dậm chân tại chỗ".

20) Họ trọng sự mạo hiểm, tinh thần xông xáo, ý kiến mới mẻ và tiến bộ
Hầu hết các phát minh, sáng kiến, và sản phẩm mới đều xuất phát từ Hoa Kỳ. Nước Mỹ là một thị trường tốt cho các sản phẩm mới. Thị trường Mỹ có 2 đặc tính: rủi ro và phần thưởng (risk and reward). Rủi ro nếu không được thị trường chấp nhận, nhưng nếu được chấp nhận thì bạn giàu to. Đó là phần thưởng của bạn. Họ không quản ngại về những chi phí lớn lao cho những cuộc thám hiểm không gian hay các công trình khảo cứu khoa học vĩ đại. Họ cho đó là một lối đầu tư quan trọng mà các thế hệ sau sẽ thừa hưởng. Họ muốn tìm mọi cách làm cho đời sống được thoải mái, dễ chịu bằng cách thường xuyên tung ra nhiều sản phẩm mới. Ngoài ra các trẻ nhỏ có trí thông minh vượt hơn mức bình thường đều được khuyến khích và chọn lựa theo học các chương trình dành cho các học sinh xuất sắc (gifted and talented) để trí thông minh của chúng không bị kềm kẹp hay trì hoãn. Trên toàn nước Mỹ có hơn 3,500 trường Đại học. Có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới mà đặt nặng nền giáo dục đến như vậy.

Những lý do và nhận xét trên đây chưa hẳn giải thích hoàn toàn sự thành công của Hoa kỳ trong quá khứ và hiện tại nhưng ít ra cũng cho chúng ta thấy những nét đặc thù khiến người Mỹ không giống các dân tộc khác.

Nếu bạn tin rằng tài năng của bạn cần chỗ phát huy thì Hoa Kỳ là đất dụng võ của bạn còn nếu bạn tin vào sự tiến thân nhờ phe cánh, bè phái thì có lẽ bạn nên tìm vùng đất khác để định cư nếu không bạn sẽ gặp thất vọng trên đất Mỹ.

Người Mỹ biết rõ nhiều dân tộc trên thế giới ghét họ và ganh tị với những thành công về mặt vật chất và khoa học của họ nhưng họ cũng biết đa số các nước trên thế giới đều âm thầm ngưỡng mộ những tiến bộ vượt bực của họ. Nếu không tại sao vô số người muốn di cư qua Mỹ để sinh sống hay tại sao các đại học Mỹ thu hút nhiều sinh viên ngoại quốc nhất thế giới?

Họ không chối cãi rằng dân Mỹ có vẻ duy vật nhưng ai là người không tham muốn vật chất để đời sống thoải mái hơn?

Có lẽ bạn biết những lý do khác nữa để giải thích hiện tượng thành công của Hoa Kỳ. Tác giả bài nầy rất muốn được nghe quan điểm của bạn.

Phạm Quang Tâm
Nguồn: báo Tổ quốc, 07/04/2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét