Mục tiêu trở thành chuẩn kết nối Internet không dây phổ biến nhất thế giới, dường như đã trở nên quá muộn đối với WiMax khi mà LTE đã tiến rất gần.
Thực ra, câu chuyện về WiMax và những lời hứa “sẽ sớm ra mắt” đã có từ nhiều năm nay nhưng có quá nhiều lý do phát sinh để các nhà mạng liên tục trì hoãn kế hoạch của mình và liên tục thất hứa. Cho đến thời điểm hiện nay, khi những điều kiện đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều và nhiều người tin tưởng rằng năm 2010 sẽ là năm của WiMax.
Nhưng trong khi WiMax vẫn còn chưa kịp tỏa sáng, LTE (Long-Term Evolution - mạng viễn thông băng rộng thế hệ mới sau 3G) đã tiến đến rất gần và có thể sẽ cướp mất sân chơi của nó.
Craig Mathias, chuyên gia phân tích chính của hãng Farpoint Group đồng thời là một nhà báo công nghệ của tạp chí Computerworld đã nhận định rằng WiMax sẽ chỉ có một vị trí rất khiêm tốn trong tương lai của lĩnh vực băng rộng thế giới. “LTE sẽ kết hợp các giải pháp thoại và dữ liệu với tốc độ cao cùng với đó là những khả năng mà WiMax có nên xu hướng chính sẽ là bỏ qua WiMax để ứng dụng LTE” Mathias nói.
Theo chuyên gia này, LTE sẽ chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu và điều đó đồng nghĩa với thị phần của WiMax sẽ không thể vượt quá 20% trong khoảng 4 tỷ người dùng Internet toàn cầu đến năm 2020.
Sự hứa hẹn của WiMax
Clearwire và những đối tác của họ như Intel, Comcast, Time Warner hay Cisco cho rằng đã đến lúc chuẩn Internet không dây trong phạm vi hẹp Wi-Fi cần phải được thay thế bằng chuẩn công nghệ hiện đại này.
Trên lý thuyết, WiMax có vùng phủ sóng rộng tới 50 km2 với tốc độ truyền dữ liệu có thể lên đến 75Mbit/giây trong khi Wi-Fi chuẩn 802.11g hay thậm chí là chuẩn 802.11n cũng chỉ có thể bao phủ vài trăm mét vuông.
Arthur Giftakis, phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Towerstream Corp., hãng đang cung cấp dịch vụ WiMax trên hầu khắp nước Mỹ tin tưởng rằng WiMax sẽ mang đến những “dịch vụ di động tốc độ cao mà các cá nhân cũng như doanh nghiệp đang đòi hỏi” ví dụ như xem những trận đấu bóng đá trên laptop hay tải về điện thoại di động những ứng dụng cao cấp.
Còn với Joel Payne, phó chủ tịch phụ trách về công nghệ của hãng Sparkplug (Mỹ), WiMax sẽ thúc đẩy sự phổ cập của các dịch vụ như IPTV hay hội nghị qua video. So với khả năng cung cấp một số lượng rất hạn chế các kết nối của Wi-Fi, WiMax có thể là xương sống của các giao thức đòi hỏi kết nối liên tục và giảm thiểu được số gói dữ liệu bị thất thoát hoặc trễ trong quá trình truyền tải.
Nhưng cái “danh” có “thực”
Có một điều đáng buồn là những hứa hẹn và lợi thế của WiMax vẫn gần như chỉ tồn tại trên lý thuyết bởi khi được hỏi thực tế, WiMax nhanh đến đâu thì hầu hết các chuyên gia của WiMax đều trả lời rằng: Điều đó còn tùy!
“
Tốc độ và tầm phủ sóng còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tần số, địa hình hay độ cao của cột phát sóng”, một chuyên gia giải thích, “
Việc triển khai WiMax trên tần số 700 MHz sẽ hoàn toàn khác với tần số 2.3 GHz hay 3.65 GHz”.
Clearwire – hãng đang có kế hoạch triển khai WiMax trên 80 thành phố khác nhau của nước Mỹ cho biết tốc độ dịch vụ của họ sẽ dao động từ khoảng 4 đến 6 Mbit/giây và sẽ không thể quá 15 Mbit/giây tương đương với tốc độ của đường truyền cáp đồng. Nhưng để có thể đạt đến được mốc đó, nhà mạng sẽ phải đầu tư rất lớn.
Điều đó sẽ buộc giá bán dịch vụ của họ cũng sẽ tương đối cao. Cũng theo tiết lộ của Clearwire, họ sẽ có các mức giá 10 USD/ngày hoặc rẻ nhất cũng phải là 50 USD/tháng và giá dịch vụ này sẽ không có sự biến động trong thời gian tới.
WiMax, Wi-Fi hay LTE?
Để có thể kết nối WiMax, người dùng đang có khá nhiều sự lựa chọn về mặt thiết bị hay phần cứng. Theo ông Julie Coppernoll – Giám đốc tiếp thị WiMax thuộc tập đoàn Intel, rất nhiều mẫu notebooks, netbooks, điện thoại di động hay thiết bị truy cập Internet cầm tay (MID) ngày nay đã được tích hợp khả năng kết nối WiMax, đặc biệt là những mẫu laptop sử dụng thế hệ chip Centrino 2 trở đi của Intel.
Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, WiMax sẽ không thay thế Wi-Fi mà thay vào đó là chúng sẽ kết hợp với nhau và hỗ trợ nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp nào đó có thể xây dựng cho mình một mạng Wi-Fi nội bộ trong vùng phủ sóng của WiMax.
Giám đốc điều hành của liên minh Wi-Fi, Edgar Figueroa có cùng quan điểm rằng lợi thế về tốc độ và vùng phủ sóng rộng của WiMax sẽ được Wi-Fi “tiếp sức” và đến được với nhiều người dùng hơn nhờ lợi thế giá rẻ và dễ quản lý.
Nhưng trong khi WiMax vẫn phát triển với tốc độ chậm chạp, LTE lại đang có nhưng bước tiến bứt phá và chuẩn bị đuổi kịp công nghệ này.
LTE hay còn thường được gọi bằng cái tên mạng di động 4G cũng có tốc độ truyền tải dữ liệu rất cao. Không giống như WiMax sử dụng chuẩn kết nối IEEE, LTE đang được hàng loạt hãng viễn thông trên khắp thế giới để mắt bởi nó vẫn sử dụng công nghệ GSM đang rất phổ biến hiện nay.
Theo khảo sát của hãng ABI Research, 80% số nhà mạng di động hiện nay trên thế giới vẫn đang sử dụng công nghệ GSM và LTE được ưa chuộng hơn bởi nó tương thích gần như hoàn hảo với công nghệ đó.
“
LTE sẽ là một sự nâng cấp hợp lý theo đúng lộ trình dành cho chuẩn công nghệ GSM và UMTS cũng như các chuẩn dịch vụ dữ liệu tốc độ cao, băng thông rộng như HSPA” Mathias nhà báo của tạp chí Computerworld nói. Thậm chí đến cả các nhà mạng đang sử dụng chuẩn CDMA như Verizon (Mỹ) cũng đang “xếp hàng” để chuẩn bị triển khai ứng dụng LTE ngay khi có thời cơ.
“
Các hãng viễn thông đang đua nhau tìm đến với LTE nhưng chưa biết là khi nào LTE sẽ trở thành một đối thủ nặng ký đến mức sẽ có ảnh hưởng đến ứng dụng và triển khai WiMax”, Peter Stanforth, giám đốc công nghệ của hãng Spectrum Bridge nói, “
Trong khi WiMax đang chuẩn bị bước vào thời kỳ phổ biến, LTE vẫn đang bước đi những bước đầu tiên”.
AT&T – hãng viễn thông Mỹ có kế hoạch thương mại hóa LTE vào năm 2011 hay nhanh nhất là hãng Verizon cũng sẽ chỉ có thể ứng dụng LTE trên khoảng từ 25 đến 30 thành phố Mỹ vòa cuối năm 2010.
Trong một báo cáo kết quả nghiên cứu của hãng ABI Research được công bố hồi giữa năm 2009, chuyên gia phân tích Nadine Manjaro đã viết: “
Các nhà mạng sẽ chỉ có thiết bị phần cứng để xây dựng các trạm phát sóng vào năm 2010 và theo đó LTE chỉ có thể được thương mại hóa sớm nhất là vào năm 2011”.
ABI dự đoán đến cuối năm 2011, toàn thế giới sẽ có khoảng 34 triệu người dùng LTE chưa bằng một nửa số người dùng WiMax. Adlane Fellah, chuyên gia phân tích thị trường viễn thông của hãng nghiên cứu Maravedis thậm chí còn dự đoán rằng những nhà mạng có ý định triển khai LTE trong một vài năm tới sẽ chuyển sang ứng dụng WiMax để duy trì sức ép cạnh tranh với mạng 3G.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng hiện nay hay tỏng một vài năm tới, LTE có thể vẫn lép vế so với WiMax nhưng về lâu dài, chiến thắng sẽ vẫn thuộc về LTE. “
Ngoài việc hỗ trợ các nhà mạng GSM tốt hơn, LTE sẽ giúp các nhà mạng nâng cao doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao – điều mà các nhà mạng đang rất muốn làm khi mà thị trường di động đã gần đạt mốc bão hòa. Trong khi đó, WiMax chỉ có thể là công nghệ dành cho các thị trường mới”, Daryl Schoolar, chuyên gia về lĩnh vực hạ tầng không dây của hãng Current Analysis nói.
“
Nhiệm vụ của WiMax giờ đây là phải tăng tốc mạnh hơn nữa trong việc triển khai bởi LTE sẽ là mạng không dây thống trị thế giới vào năm 2015”, Phillip Solis của hãng ABI dự báo, “
LTE có đủ mọi thứ mà WiMax có thêm vào đó là rất nhiều thứ mà WiMax không có nên cơ hội cạnh tranh khi đó là gần như không còn. WiMax sẽ không “chết hẳn” nhưng sẽ bị giới hạn rất nhiều”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét