Ba ngày trước khi TAND thành phố Cần Thơ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép”, ngày 16/11/2009, tân Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sông Hậu (vẫn dùng con dấu “Nông trường Sông Hậu” (NTSH) - PV) Nguyễn Bá Cường “sức giấy” đến bà Trần Ngọc Diệp - Cơ sở Bánh kẹo Ngọc Tuyết (số 17, Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Bà Ba Sương tại nơi ở nhờ: tầng trệt căn nhà số 17 đường Điện Biên Phủ, P.15, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: GVT.
Nội dung công văn do ông Cường ký về việc “thanh lý sớm Hợp đồng thuê nhà số 03/HĐKT.2007 có thời hạn đến vào 01/09/2010”, để hối thúc việc “thu xếp dọn dẹp giao lại nhà vào ngày 25/11/2009”.
Bà Trần Ngọc Diệp nguyên là nhân viên NTSH và là “vú nuôi” cháu bé Trần Ngọc Tuyết (con gái nuôi của cố Giám đốc NTSH, AHLĐ thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Hoằng). Căn nhà kể trên là tài sản của NTSH, là “hậu trạm” kiêm Văn phòng giao dịch các hoạt động XNK khi ông Năm Hoằng còn sống.
Tháng 11/2007, Phó giám đốc Trương Hồng Nhung, đại diện NTSH, ký hợp đồng cho bà Diệp thuê lại tầng trệt của căn nhà 17 Điện Biên Phủ để làm cơ sở bánh kẹo và làm nơi tiếp tục nuôi dưỡng đứa con nuôi vị Anh hùng quá cố.
Đây cũng chính là nơi ở nhờ của nữ AHLĐ Trần Ngọc Sương (Ba Sương), nguyên Giám đốc NTSH từ khi khi rời nhiệm vụ.
Trước “tối hậu thư” số 959/TB.NTSH ngày 16/11/2009, Giám đốc kế nhiệm Nguyễn Bá Cường đã ký hàng loạt các văn bản vào ngày 24/10/2008, 25/05, 08/07 và 27/8/2009 đều mang nội dung “cắt ngang” hợp đồng 03/HĐKT.2007 với “chỉ đạo”: “...thực hiện đúng nội dung chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ”.
Xen giữa các “giấy đòi nhà” của giám đốc kế nhiệm, bà Diệp cũng đã 02 lần kiến nghị với ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NTSH “thực hiện đúng điều IV, khoản 4 của Hợp đồng đã ký” nhưng vẫn không được quan tâm.
Cũng tại căn nhà đang ở nhờ người bà con thuê lại của NTSH này, có một bàn thờ nhỏ của cố Giám đốc Trần Ngọc Hoằng. Ảnh: GVT.
Với cách thể hiện như vậy, tất cả các văn bản của Giám đốc Cty Nông Nghiệp Sông Hậu Nguyễn Bá Cường như muốn “dồn” bà Ba Sương vào vị thế không còn chốn nương thân (?).
Còn nhớ năm xưa, những ngày khai phá rồi gầy dựng lên Nông trường Sông Hậu, mảnh đất 7.000 hecta này luôn luôn “mở cửa”, dang rộng vòng tay đón những mảnh đời khốn khó, không tấc đất cắm dùi từ mọi tỉnh thành tìm về tá túc, nương thân.
Rồi họ trở thành nông trường viên, thành công nhân nông nghiệp. Con cái họ đi học được miễn học phí, được cấp gạo hằng tháng…
NTSH vào đêm giờ đã một vùng làng quê trù phú, điện về tận từng nhà. Rạng sáng ngày 21/11/2009, khi hàng ngàn hộ dân NTSH đang say giấc nồng no ấm, thì cô Ba Sương của họ lại lầm lũi, tất tả lên xe đò quay lại điểm xuất phát của họ năm xưa: về gấp TP. HCM tìm thuê một nơi tá túc cho riêng mình, với bản án tù giam 8 năm đang treo lơ lửng.
Liên lạc điện thoại di động lúc 14g49’ ngày 22/11 với đương kim Giám đốc NTSH Nguyễn Bá Cường (ông NBC), ông Cường nói: “Đúng là cái này có chỉ đạo của UBND thành phố hồi đầu năm nay về việc thanh lý một số tài sản để trả nợ ngân hàng”.
PV: Xin hỏi ông, việc này do ai chỉ đạo?
Ông NBC: Do Phó Chủ tịch Thường trực (ông Nguyễn Hữu Lợi, phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ - PV) có kết luận bằng văn bản.
PV: Mấy anh em trong Nông trường (như ông Ngọc Chữ, Trưởng phòng Tổ chức-PV) có biết văn bản chỉ đạo này không? Giờ này có thể tham khảo ở đâu?
NBC: Chữ làm hành chính không biết. Giờ này ngày nghỉ không có ai ở NT. Cái này đã có trao đổi (với bà Diệp-PV) và thống nhất “thông báo trước 03 tháng”.
PV: Nhưng ông thấy hoàn cảnh của bà Ba Sương hiện tại như thế này mà mình xử lý như vậy có phải đạo không?
NBC: Hôm nay ngày nghỉ, việc đúng sai xin miễn bàn. Thông cảm (!)
PV cũng liên lạc với ông Nguyễn Hữu Lợi, hỏi ”ông có biết NT đang thực hiện sự chỉ đạo của ông về việc “đuổi” bà Ba Sương ra khỏi căn nhà thuê ở TP.HCM, trong hoàn cảnh này?”. Ông Lợi xác nhận: “Tôi không có chỉ đạo cụ thể từng cái. Tôi chỉ biết NT có nhà ở Tôn Thất Thuyết. Cái đó đúng là phải thanh lý”.
Riêng về căn nhà số 17 Điện Biên Phủ mà bà Ba Sương đang ở nhờ người bà con làm bánh kẹo, có hợp đồng thuê với nông trường, ông Lợi cho hay “không biết”, và yêu cầu phóng viên gửi hồ sơ để “xem xét, giải quyết nhanh”.
Huy Bình - Trường Minh
Link VNN: here
***********
TuoitreOnline-Vụ án nông trường Sông Hậu: Phải xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật
TTO - Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Thủ tướng có quan tâm và theo dõi những thông tin liên quan đến vụ án “Lập quỹ trái phép ở nông trường Sông Hậu”.
Bà Ba Sương ngày nhận danh hiệu Anh hùng lao động (1999) - Ảnh tư liệu
Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm Nông trường Sông Hậu tháng 1-1996. Ông Năm Hoằng - ba của bà Ba Sương, một người nông dân luôn đi chân đất cho dù đón lãnh đạo cao cấp - Ảnh tư liệu
Bà Ba Sương sau vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm, tháng 8-2009 - Ảnh: Quang Vinh
Thủ tướng nói: “Thông tin thì cứ đưa nhiều chiều, nhưng án tại hồ sơ. Thông tin cứ nêu để các cơ quan chức năng có trách nhiệm lắng nghe các luồng ý kiến, để làm sao thể hiện được bản chất là xét xử phải đúng người đúng tội và đúng pháp luật”.
Theo Thủ tướng, pháp luật của ta có quy định tình tiết tăng nặng và có cả tình tiết giảm nhẹ, quan trọng là xét xử đúng pháp luật.
Cũng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, đại tướng Lê Hồng Anh - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết đã chỉ đạo Công an TP. Cần Thơ báo cáo về quá trình điều tra vụ án ở nông trường Sông Hậu trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, theo chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, trường hợp bà Trần Ngọc Sương có đơn thì tòa án sẽ xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.
N. TRIỀU
Link: here
*********
BBC Vietnamese-Đảng quyết định vụ bà Ba Sương?
Báo Việt Nam đưa tin Thành ủy Cần Thơ thay mặt cơ quan luật pháp đề nghị khởi tố vụ án bà Ba Sương từ 2008, hành động một số báo cho là không đúng thủ tục pháp lý.
Nhiều báo ở Việt Nam đưa tin Thành ủy Cần Thơ đã ra công văn yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố bà Trần Ngọc Sương.
Nếu đúng sự thật, nó sẽ là bằng chứng để những người chỉ trích nói rằng ở Cần Thơ, cơ quan đảng đi trước nếu không nói là đứng trên pháp luật.
Bà Sương nguyên là giám đốc nông trường Sông Hậu, bị tòa tuyên án tám năm tù giam vì tội lập quỹ riêng. Phiên phúc thẩm ngày 19/11 đã y án tù cùng yêu cầu nộp lại số tiền 4,3 tỷ đồng.
Báo Tiền Phong nhắc đến công văn số 91-TP/VPTU của Thành ủy Cần Thơ với nội dung “chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra những nội dung vi phạm nguyên tắc quản lý nhà nước đã rõ,” và tiến hành “khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng."
Một khi Đảng ủy TP Cần Thơ ra công văn đề nghị khởi tố bà Ba Sương, cơ quan bảo vệ luật pháp trong tỉnh hầu như không có lý do gì để từ chối. Họ làm theo như một quán tính.
Dựa trên công văn này, UBND TP Cần Thơ ra một công văn khác, đề nghị “khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiệm trọng” (tại NT Sông Hậu).
Cạnh đó Cơ quan chính quyền TP Cần Thơ giao cho công an thành phố tổ chức họp báo “để công khai với báo chí.”
Ngày 9/4/2008 Cơ quan Điều tra Công an TP Cần Thơ ký quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước và quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
'Trên pháp luật'
Đảng ủy là cơ quan cao nhất trong cơ cấu chính quyền ở Việt Nam.
Tuy không đứng ra điều hành hàng ngày, nhưng Cấp ủy thường là tổ chức được trao quyền lực ‘tối cao’ trong việc đưa ra các quyết định quan trọng. Từ chuyện bổ nhiệm cán bộ cho đến đưa người ra tòa, như công văn của Thành ủy Cần Thơ đã cho thấy.
Một số tờ báo tại Việt Nam tìm cách rọi ánh sáng vào sự can thiệp của đảng ủy TP Cần Thơ trong vụ án bà Ba Sương.
Cả báo Tiền Phong lẫn VietnamNet đều đặt câu hỏi này cho người cầm đầu đảng ủy TP Cần Thơ.
Câu trả lời họ nhận được từ ông Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, bên lề cuộc họp quốc hội là: "Bây giờ, vụ án Nông trường Sông Hậu cơ quan pháp luật người ta đang làm. Thành ủy chưa có ý kiến gì. Các đồng chí thông cảm. Tôi cũng chưa có ý kiến về vấn đề mà cơ quan pháp luật họ đang làm."
Hai tờ báo này cũng đăng lại bức thơ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hồi 2008 gửi thường vụ Thành ủy Cần Thơ.
Ông Kiệt đặt dấu hỏi tại sao vụ án không theo kênh tố tụng thường thấy, với lệnh khởi tố đến từ cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.
“Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát tiến hành. Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: Cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố án.”
Được biết trước khi qua đời, ông Võ Văn Kiệt đã có cuộc gặp với luật sư của bà Sương.
Báo Việt Nam đưa tin luật sư của bà Sương sẽ gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xin giám đốc thẩm bản án.
Vụ án bà Trần Ngọc Sương đang chia rẽ dư luận Việt Nam.
Bộ trưởng Công an Việt Nam được báo Việt Nam trích lời đang yêu cầu công an tỉnh Cần Thơ “báo cáo” sớm với mục đích “thẩm tra toàn bộ tiến trình” điều tra vụ án.
“Trước những vụ án có nhiều luồng dư luận, đây là việc làm cần thiết,” ông Lê Hồng Anh nói. “Nếu phát hiện sai sót thì phải sửa.”
Bên lề cuộc họp quốc hội sáng 23/11 tại Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm lắng nghe các luồng ý kiến thông tin để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.”
Từng nổi tiếng là doanh nhân xông xáo, lãnh đạo một doanh nghiệp được cho là “điển hình,” bà Trần Ngọc Sương đã được tặng danh hiệu anh hùng lao động.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét