Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Một lớp học kỳ lạ

Share
Sau khi tham gia hai khoá đào tạo với các giảng viên giỏi trong nước và nước ngoài về lĩnh vực viễn thông, 58 học viên của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) bị buộc phải đi đào tạo lại.

Điều thú vị là ông thầy của lớp học này cho phép các học viên tự chọn bất cứ chủ đề nào, ở bất cứ quyển giáo trình học nào, kể cả... bóng đá; và chỉ cần học 1 chương duy nhất.

Ông thầy của lớp học (ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Viettel) thậm chí cũng không giảng gì về 11 trang sách mà các học viên trong lớp đã tự chọn để làm tài liệu kiểm tra mà chỉ nêu yêu cầu: “Nếu các em trả lời được các câu hỏi trong phạm vi 11 trang sách đó thì được tốt nghiệp” và cho biết sẽ kiểm tra sau 1 tuần để các học viên tự “vật nhau” với mấy trang giáo trình đã chọn. Dù được quyền chọn một chủ đề bất kỳ nhưng các học viên vẫn chọn một chủ đề liên quan đến ngành học của mình: di động, với một tài liệu bằng tiếng Anh, và chương được chọn là Mobility Management.

Đúng một tuần sau, ông thầy giáo đến lớp và hỏi đúng một câu: “Tại sao người ta lại dùng từ Funtion trong câu này mà lại dùng từ Feature trong câu này (một câu trong tài liệu) ?”. Toàn bộ các học viên sửng sốt với một câu hỏi bị coi là rất “trời ơi đất hỡi”, không liên quan gì đến viễn thông cả và tất nhiên là không ai trả lời được. Giải thích về lý do hỏi một câu “không đâu vào đâu”, ông thầy giáo cho biết: “95% các từ được dùng để viết sách xuất phát từ khoảng 1.500 từ cơ bản. Nếu các em hiểu kỹ nghĩa của những từ cơ bản thì việc đọc sách sẽ trở nên rất dễ dàng nhưng vấn đề là không ai chịu học từ cho thấu đáo cả”. Sau đó, ông thầy này cũng giải thích thêm: “Điều mà anh muốn truyền đạt là phương pháp học chứ không phải là kiến thức. Kiến thức các em có thể tự đi tìm được trong sách, hỏi bạn bè, đồng nghiệp, chuyên gia hoặc hỏi anh. Còn về phương pháp học thì cốt lõi là việc luôn đặt câu hỏi tại sao”. Sau một vài giải thích về cách học cho các học viên tiếp đó, cả lớp được nghỉ để về tự học tiếp một tuần theo định hướng đặt các câu hỏi tại sao rồi mới tiếp tục.

Lại đúng một tuần sau, ông Phó Tổng giám đốc đến lớp học, đặt một câu hỏi về một câu viết trong tài liệu và yêu cầu các học viên ánh xạ lý thuyết vào điều xảy ra trong thực tiễn. Tất cả các học viên lại “tịt”. Ông thầy lại giải thích tại sao lại hỏi câu hỏi đó: “Nếu học mà không tìm hiểu những lý thuyết mình đang học sẽ được áp dụng như thế nào trong thực tiễn thì tất cả những điều mình học sẽ biến mất chỉ trong vài ngày sau khi kỳ kiểm tra kết thúc”. Việc học trước đây ở trường đại học cũng mắc phải lỗi này nên “chữ thầy trả thầy bằng hết”, ông thầy nhận xét. Nếu học mà ánh xạ những điều mình học vào thực tiễn thì những kiến thức sẽ ăn sâu vào mình và khi làm việc kiến thức đó thực sự sẽ trở thành của mình... Tuần học thứ hai kết thúc với sự hoang mang của toàn bộ học viên lớp học. Nguyễn Văn Tiến - người đã tốt nghiệp loại giỏi trong khoá học trước đó và cũng là lớp trưởng, kể lại: “Nói thật là chúng em bị khủng hoảng vì cách học thay đổi 180o. Trước đây học có thầy giảng thì bây giờ không có thầy, trước còn được ghi chép thì bây giờ cũng không còn ghi chép... Nói chung là lúc đầu thì bọn em không hiểu là như thế nào”.

Đến tuần thứ ba thì ông thầy giáo lại yêu cầu các học viên phải tự đứng lên trình bày về những vấn đề đã từng được giải đáp và hỏi tiếp các câu hỏi tại sao, tại sao, tại sao... và kết cục là cũng chưa có một học viên nào kể cả học viên từng thi đỗ loại xuất sắc trước đó đạt yêu cầu tối thiểu. Một số học viên của lớp ở vào trạng thái lo sợ thực sự vì chưa bao giờ họ phải học một lớp học mà người ta không dậy cho mình kiến thức gì, chỉ giao cho mấy trang sách mà cứ liên tục vặn vẹo hết câu hỏi tại sao này đến câu hỏi tại sao khác.

Sau hơn một tháng, tất cả các học viên của lớp học tự thay đổi chiến thuật: cả lớp được chia thành 11 nhóm nhỏ để học nhóm và thảo luận về cách đặt câu hỏi cũng như tìm các câu trả lời. Trong tất cả các nhóm, người giỏi hơn kèm người yếu và tất cả đều có nhiệm vụ đi tìm câu hỏi cũng như các câu trả lời. Điểm quan trọng là trong mỗi buổi học nhóm, tất cả các thành viên đều phải đứng lên thuyết trình về các vấn đề mình tìm hiểu cũng như các câu hỏi tại sao và câu trả lời.

Mặc dù đã tìm ra phương thức học cho lớp học lạ lùng này, không ít học viên vẫn tỏ ra băn khoăn. Trong một buổi trao đổi, một số học viên nói với ông thầy giáo (đồng thời cũng là Phó Tổng giám đốc Viettel): “Bọn em học đã tới hơn 7 tháng rồi mà bây giờ anh kiểm tra kiểu này thì không biết bao giờ mới học xong và nếu như không đạt thì lỡ đi bao nhiêu cơ hội có thể có nếu đi xin việc tại các công ty khác”. Sau khi nhận được thông tin này từ các học viên, ông Phó Tổng giám đốc Viettel quyết định ký hợp đồng lao động với toàn bộ 58 học viên dù theo nguyên tắc trước đó, chỉ những người vượt qua kỳ sát hạch của lớp học mới được ký hợp đồng. Ông Hùng nói với các học viên: “Anh tin là có 90% năng lực của các em vẫn đang còn nằm ngủ và chỉ cần đánh thức thêm 10% năng lực có sẵn trong con người các em thì cũng thừa sức vượt qua kỳ kiểm tra của lớp học này”.

Ngay sau khi ký hợp đồng với các học viên, ông Hùng đưa ra 2 lựa chọn: một là học viên nào kiểm tra đạt yêu cầu trước thì tốt nghiệp trước cho đến hết, hai là tự giúp đỡ lẫn nhau để sao cho người kém nhất cũng vượt qua được kỳ kiểm tra, cùng tốt nghiệp một lúc và coi đó là một kỷ niệm đẹp của lớp học. Ngay khi ông Hùng đưa ra ý kiến này, không ít học viên đề nghị chọn phương án đầu. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị cả lớp về họp lại và hôm sau cho câu trả lời cuối cùng. Ngày hôm sau, 58 học viên đã chọn phương án thứ hai.

Sau đó 2 tháng, các học viên lại tiếp tục với một cách học mới mà họ vừa bắt đầu. Câu hỏi tại sao luôn là một nỗi ám ảnh đồng thời cũng là niềm say mê cũng như thách thức đối với họ. Và cuối cùng kỳ thi sát hạch thực sự cũng đến khi ông thầy giáo đã thấy các “học trò” của mình bắt đầu ngấm triết lý ”Tại sao?”. Điều bất ngờ nhất trong kỳ kiểm tra sát hạch cuối cùng là: không phải ông thầy giáo là người đặt câu hỏi sát hạch mà chính là những học viên là người đặt câu hỏi cho người khác trả lời; ở dưới sẽ là một học viên khác làm nhiệm vụ chấm điểm. Ông Phó Tổng giám đốc sẽ là người chấm kiểm định cuối cùng. Thêm một điểm đặc biệt khác, đợt sát hạch chỉ diễn ra đối với vài cặp học viên và những học viên xuất sắc nhất là những người hỏi đối với những học viên kém nhất. Và kết quả cuối cùng đã không làm thất vọng các học viên: họ đã được công nhận. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Về mặt kiến thức thì các học viên cần phải bổ sung thêm nhiều nhưng về phương pháp học cũng như triết lý của Viettel thì các học viên đã “ngấm” rồi. Đó cũng là điều làm chúng tôi vui nhất”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét