Xin gửi đến các bạn một bài viết, một cách nhìn khác về "Bác Hồ" của tác giả Dương Phạm viết cho BBC từ London
"2/9/2009, nhân dân cả nước mừng 64 năm ngày Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức thành lập. Nhưng còn mừng hơn nữa vì sau hàng chục năm, Hồ Chủ tịch, vị cha già kính yêu của cả dân tộc, đã được trả lại ngày mất ‘chính thức’ của mình. Trong bài viết này, tôi chỉ xin có vài dòng về Bác Hồ của tôi, chứ không phải là ‘của cả dân tộc’, bởi lẽ như các cụ ta nói, ‘cha chung không ai khóc’.
Sinh ra khi đất nước đã hòa bình và chỉ vài năm trước khi Việt Nam thực hiện chính sách ‘mở cửa’, tôi và có lẽ rất nhiều người cùng thế hệ, rồi cả những thế hệ sau này nữa, đều chỉ biết và yêu Bác Hồ qua những buổi học trên lớp, qua những lời ca tụng, qua những bài học đạo đức, qua 5 điều Bác dạy, v.v… Nhưng rồi càng lớn lên, tôi càng hiểu được một điều, muốn yêu và kính trọng một ai đấy, đôi khi chúng ta cần cả một đời gần gũi, tìm hiểu và không ngừng khám phá người đó. Tình yêu, dù đối với người bình thường hay một vĩ nhân, đều không thể dạy qua sách vở.
Khi đã sang Anh học tập, tôi có dịp ngồi nói chuyện với trưởng khoa Báo chí nơi tôi theo học. Ông rất hứng thú được nói chuyện với một sinh viên Việt Nam vì chú ruột của ông là một trong những nhà báo quốc tế ít ỏi được gặp và phỏng vấn Hồ Chí Minh. Ông đưa tôi xem một bản thảo bài viết của chú mình về Hồ Chủ tịch và ướm hỏi: ’Có nhiều đồn thổi về vấn đề hôn nhân của Hồ Chí Minh và rất nhiều người cho rằng ông có con, là một người Việt Nam, bạn nghĩ thế nào?’. Tôi cười, nói: ‘Hồ Chí Minh trước hết là một con người như bao người bình thường khác, ông không phải một vị thánh. Vậy thì kể cả nếu ông có con thật, đó cũng chỉ là một trong số những nhu cầu rất đỗi con người. Và vì lý do đó, với tôi, ông càng trở nên gần gũi và vĩ đại hơn, chứ không giống như một thứ thờ thánh trong điện tẩm’. Thầy tôi lại hỏi, ‘Vậy thì tại sao chính phủ Việt Nam không nghiên cứu và công bố vấn đề này?’. Đến câu này thì quả thực tôi ‘bó tay’.
Đọc những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh, tôi càng thấy khâm phục Bác Hồ của tôi, bởi sự thức thời và luôn đi trước thời đại. Ví dụ lớn nhất là việc bác áp dụng chế độ xã hội mới nhất bấy giờ (và có lẽ là cả sau này – Chế độ Cộng sản) cho đất nước Việt Nam, dù thực tế đã chứng minh, không phải cái gì mới nhất cũng là hay và đúng đắn nhất. Rồi đến chuyện Bác giản dị chỉ ở nhà sàn, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, Việt Nam sốt xây nhà sàn, từ trăm triệu đến chục tỉ đều có cả. Không biết là vì Bác đi trước thời đại hay vì con cháu sau này noi gương Hồ Chủ tịch mà làm theo? Ngay cả chuyện Bác lấy bút danh viết tiểu sử chính mình (Trần Dân Tiên – Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch) cũng là một bước đi trước bởi lẽ sau này, rất nhiều người nổi tiếng thế giới trong mọi lĩnh vực, thể thao, văn học-nghệ thuật, chính trị, đều tiếp nối con đường này. Chỉ khác một điều là nhiều người trong số đó không thể tự viết tiểu sử về chính mình mà phải viện đến một nhà văn hoặc một cây bút chuyên nghiệp khác.
Tác giả yêu quý Hồ Chủ tịch nhưng nói cũng đừng 'phong thánh' cho ông
Tôi nghĩ, nếu thế hệ trẻ chịu khó tìm tòi thêm về Hồ Chí Minh, họ sẽ dễ chịu hơn khi thấy Bác không hoàn hảo như những gì chúng ta vẫn được dạy và được ‘nhồi’ vào đầu bởi truyền thông Việt Nam. Bác đã giúp đưa dân tộc đến với tự do nhưng rồi cũng mắc sai lầm như bất cứ ai. Ngẫm ra, trên thế giới này, biết bao lãnh tụ và vĩ nhân, nhưng nào ai chỉ tốt và đẹp một chiều? Đến Chúa trời còn mắc một sai lầm không thể cứu vãn, đó là đã tạo ra con người.
Tuy nhiên, tìm hiểu rồi, giới trẻ như tôi có lẽ còn đòi một quyền khác, đó là quyền bày tỏ ý kiến cá nhân về vị lãnh tụ dân tộc này. Ở Trung Quốc, các nghệ sĩ từ lâu đã được quyền sử dụng chân dung Mao Trạch Đông vào những sáng tác nghệ thuật của mình, nhưng ở Việt Nam, việc đưa chân dung Hồ Chí Minh vào các tác phẩm văn học nghệ thuật được kiểm duyệt một cách hết sức chặt chẽ. Và như vậy, chân dung Bác chỉ được khoanh gọn trong những khoảnh khắc, những hoàn cảnh đẹp đẽ và có phần đơn điệu, buồn tẻ.
Nếu thế hệ trẻ chịu khó tìm tòi thêm về Hồ Chí Minh, họ sẽ dễ chịu hơn khi thấy Bác không hoàn hảo như những gì chúng ta vẫn được dạy và được ‘nhồi’ vào đầu bởi truyền thông Việt Nam.
Dương Phạm
Tôi có một anh bạn họa sĩ rất tôn sùng Hồ Chủ tịch, và chính sự tôn sùng này đã đưa biết bao phiền toái đến cho anh. Trong loạt tranh vẽ nhằm tham dự một triển lãm lớn quốc tế, anh chỉ chuyên vẽ Hồ Chủ tịch trong cuộc sống hiện nay. Có một bức mà tôi ám ảnh mãi. Bác Hồ đứng trên mây, nhìn xuống trần gian. Bên dưới một đàn lợn chạy nháo nhác, còn Bác thì rỏ những giọt nước mắt đầy chua xót. Bức tranh kiếm được cho anh một tặng thưởng của Pháp và một loạt những rắc rối với chính phủ Việt Nam.
Còn một chuyện nữa cũng làm tôi nhớ mãi. Đó là một hôm đến chơi nhà anh bạn. Nhân dịp nói chuyện về sinh nhật Cụ Hồ, anh hỏi đứa con gái lớp 6: ‘Vì sao con lại kính yêu Bác Hồ?’. Đứa con thành thật trả lời: ‘Vì trông bác đẹp trai ạ’. Anh bạn tôi trợn mắt lên quát: ‘Mày đừng có láo, vì Bác vĩ đại, nghe chưa?’. Tôi chợt nhớ đến bức ảnh nổi tiếng thế giới của Che Guevara. Khi không biết nhiều về thân thế và sự nghiệp của Che, chính là vẻ mặt nam tính và ánh mắt biểu cảm ấy đã khiến tôi ngưỡng mộ, và từ đó, tôi càng tập trung tìm hiểu nhiều hơn về ông. Đôi khi, một lý do đơn giản lại dẫn chúng ta đến với những lý do khác xây dựng nên tình yêu và lòng kính trọng.
Kết lại bài viết, tôi xin kể lại đây một lời nói hỗn của anh bạn tôi. Anh bảo: ‘Làm sao mà Bác Hồ không sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta được cơ chứ? Khi mà đồng tiền Việt Nam từ to đến nhỏ đều in hình Bác?’. Thực tế, để Bác thực sự sống trong lòng mỗi người Việt Nam là chuyện không hề đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi chúng ta phải có quyền tiếp cận nhiều luồng thông tin khác nhau để tự tìm hiểu và có một Bác Hồ của riêng mình, để yêu cả những điều tốt và xấu."
Bài viết nêu ý kiến riêng của tác giả, đang học tại London.
Link: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/09/090902_hochiminh_youth_view.shtml
Nhãn
Copyrights @ Journal 2014 - Designed By Templateism - SEO Plugin by MyBloggerLab
0 nhận xét:
Đăng nhận xét