Đêm và rạng sáng 10-05-2009.
Tôi ngồi đây ghi lại những dòng chữ trong không gian thật đặc biệt và linh thiêng, một nơi mà người chết nhiều hơn người sống với 20.000 người chết (trong thời gian 113 năm) và chỉ có khoảng 6200 người đang sinh sống(tính cho đến năm 2008), như thế người cõi âm nhiều hơn cõi dương rồi, chắc hẳn bạn đã nhận ra đó là nơi nào rồi nhỉ, vâng đó chính là Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “bàn thờ của tổ quốc” như lời của vị thuyền trưởng tàu Côn Đảo 10 đã nói.
Tôi lên xe từ trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn để đến cảng Cát Lở (Vũng Tàu), tôi thật sự xúc động khi chính hiệu trưởng Đào Văn Lượng ra tận xe động viên và chúc cho chuyến đi của chúng tôi thành công tốt đẹp, đây là một sự may mắn và vinh dự lớn của chúng tôi khi được nhà trường quan tâm tạo mọi điều kiện để có chuyến đi này.
Chúng tôi lên tàu Côn Đảo 10 và bắt đầu trải nghiệm cảm giác lênh đênh 12 tiếng đồng hồ trên biển, đây là lần đầu tiên tôi đến Côn Đảo và thật thú vị khi trải nghiệm cái cảm giác lênh đênh trên sóng biển bao la, và đẹp hơn khi chúng tôi khởi hành đúng đêm 14 ÂL cho nên tôi thật may mắn khi cảm nhận được vẻ đẹp của ánh trăng dát bạc xuống mặt biển trong một đêm trăng thanh gió mát... như bao thi sỹ đã từng ca ngợi.Sáng ngày 09-05-2009 chúng đặt chân đến Côn Đảo và nơi đầu tiên chúng tôi đến là nghĩa trang Hàng Dương với hàng nấm mồ của các tù nhân Côn Đảo đã được chôn cất nơi này, sở dĩ chúng tôi chọn đến đay trước tiên là để thể hiện lòng biết ơn và kính trọng công lao và sự hy sinh của các bậc tiền bối đã hy sinh vì độc lập dân tộc cho nên chúng tôi những người ăn quả phải nhớ đến kẻ trồng cây.
Khi đứng trước nghĩa trang này, tôi thật sự ngưỡng mộ những tấm gương trung kiên, sự hy sinh của các bậc tiền bối đi trước và tôi nghĩ đến thế hệ trẻ chúng tôi, với tuổi trẻ và nhiệt huyết phải làm gì để cống hiến và xây dựng đất nước VN hùng cường, để không phải xấu hổ với chính mình khi đối diện với các vị tiền bối cũng đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho tổ quốc... tại nghĩa trang Hàng Dương này.
Và tôi đi thăm và thắp hương cho các vị như: Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh. Võ Thị Sáu... và các vị khuyết danh cũng như hữu danh khác. Sau khi nghe chị hướng dẫn viên thuyết trình về chị Võ Thị Sáu cùng với những huyền thoại, truyền thuyết xung quanh chị, tôi thật sự ngưỡng mộ một người con gái trẻ tuổi với ý chí can trường dũng cảm của chị_cái tên mà khi được nhắc đến thì các đấng mày râu phải nghiêng mình ngưỡng mộ. Với những câu chuyện truyền miệng mang tính tâm linh về chị cho nên không khó để hiểu nguyên nhân người dân ở đây tôn chị như một trong hai vị nữ thần hộ mệnh cho người dân nơi này (người kia chính là vợ thứ của vua Nguyễn Ánh với lòng trung trinh, tiết hạnh đã làm bao người xúc động). Và tôi khi đứng trước mộ chị, tôi cũng đã chắp tay cầu nguyện để cầu xin sự phò hộ của chị cho dù tôi không phải là người theo chủ nghĩa duy tâm cho lắm.
Hôm sau, chúng tôi tiếp tục tham quan địa ngục trần gian với hệ thống “chuồng cọp kiểu Pháp”, “chuồng cọp kiểu Mỹ”, “chuồng bò”, “cầu tầu 914”, “cầu Ma Thiên Lãnh”.
Thật tự hào và vinh dự khi trong chuyến đi của chúng tôi có một nhân chứng sống của nhà tù Côn Đảo, đó là tiến sĩ Trần Hồi Sinh nguyên hiệu phó trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn, thầy đã trải qua 5 năm khổ ải nơi này (1968-1973) với các trại giam khác nhau. Với những câu chuyện thật từ lời kể của một nhân chứng như thầy, chúng tôi những người trẻ tuổi sống trong thời bình không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghe kể về các gương đấu tranh can trường của các tù nhân Côn Đảo cũng như các hình thức tra tấn dã man đã từng áp dụng nơi đây,... nhưng không có cách nào có thể đè bẹp ý chí bất khuất của họ. Và tôi tự đặt câu hỏi cho mình rằng tuôi trẻ chúng ta đã làm gì để xứng đáng với những hy sinh của các vị tiền bối này, chắc hẳn ít nhiều gì mỗi người đều có cho mình một câu trả lời khi đứng trước không gian này.
Và chúng tôi còn có thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh bình của Côn Đảo ngày nay với biển xanh, gió mát, con người hiền hậu và hiếu khách nơi đây, chứ không phải là không gian u ám của mấy mươi năm trước. Nhưng chúng tôi cũng không nên quên đi công lao của cha ông chúng ta đã đổ bao xương máu để có một Côn Đảo thanh bình như hôm nay.
Trải qua hai ngày tham quan thật ý nghĩa tại Côn Đảo, cúng đã đến lúc chúng tôi lên tàu để về lại Sài Gòn, với cảm giác chia tay Côn Đảo thật nao nao lưu luyến khó tả.
Chúng tôi lên đường trở về mái trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn với một tâm trạng bùi ngùi và như thể được cổ vũ tiếp thêm sức mạnh để đóng góp tâm, sức, trí của nhiệt huyến tuổi trẻ để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường và làm tiếp những việc mà cha ông chúng ta chưa kịp làm…!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét