Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Niềm tin và can đảm: Tự kiểm duyệt trong cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ

Share
Nguyễn Hữu Liêm, Tạp Chí Da Màu
09.05.2009


Nhà bình luận bảo thủ của Mỹ David Horowitz gần đây (18-4) có viết một bài trong tờ The Wall Street Journal kể lại chuyện ông bị quấy rối, la ó, phản đối khi đến nói chuyện tại đại học Texas ở Austin. Horowitz là một tay viết cánh hữu nổi tiếng, nhưng lập trường của ông là về phía tự do ngôn luận, bất chấp các khuynh hướng nội dung và tư tưởng. Horowitz từng biện hộ và bênh vực cho giáo sư cực tả Ward Churchill của đại học Colorado (khi ông này bị đuổi việc vì tuyên bố rằng nhiều nạn nhân của vụ 9-11 ở New York City là tồi tệ như những phần tử Nazi) và khoa trưởng trường luật của UC Irvine là Erwin Chemerinsky (một luật gia cấp tiến lừng danh). Trong bài viết này, với tựa đề là “Phe tả của đại học không tin vào tự do ngôn luận” (The campus leftists don’t believe in free speech), ông diễn tả lại cảnh tượng bị ngăn cản bởi các giáo sư và sinh viên cánh tả trong lần diễn thuyết nói trên đến mức độ mà nhân viên an ninh đại học phải can thiệp. Ông cho biết rằng hiện nay những người phe bảo thủ cánh hữu ở Mỹ phải đem theo nhân viên bảo vệ (body guards) mỗi khi đến các đại học diễn thuyết. Horowitz viết, “Tôi không biết một ai trong số cả ngàn nhà diễn thuyết cánh tả khi đến các đại học đã từng bị phản đối hay tấn công bởi sinh viên bảo thủ, những người vốn có đủ lịch sự và khoan dung để không làm như thế. Từ kinh nghiệm của buổi nói chuyện ở đại học Texas đã làm tôi nhớ lại câu nói của Orianna Fallaci rằng, sau 11-9 thì chúng ta không phải sống trong sự ‘va chạm của các nền văn minh’ mà là sự va chạm giữa văn minh (civilization) và mọi rợ (barbarism).”

Đó là phía người Mỹ. Còn trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thì tình hình cũng gần như thế - nhưng đi ngược lại về khuynh hướng chính trị. Không có một nhà bảo thủ, cánh hữu nào bị phe tả phái phản đối hay quấy rầy khi họ diễn thuyết ở các đại học hay cộng đồng Việt Nam. Tình trạng bị tấn công hay phá rối chỉ xẩy ra cho phía cánh tả vốn được chủ động bởi phe chống cộng bảo thủ. Liệu rằng ta có thể lấy câu kết luận của Horowitz ở trên để nói rằng, phe cánh tả trong cộng đồng Việt thì quá lịch sự và khoan dung? Và những chuyện cánh tả bị cánh hữu tấn công là hiện thân của “mọi rợ” xung khắc với “văn minh”?

Những ai cứ nghĩ rằng thế gian này, nhất là trên bình diện tư tưởng chính trị, mà không có xung khắc, thì kẻ ấy chỉ là mơ mộng. Trong một xã hội dân chủ, pháp trị, với một truyền thống tranh luận tư tưởng công khai lâu đời, dân chủ và tự do ngôn luận chỉ có thể được phát huy khi có sự đối nghịch về tư tưởng và cung cách diễn đạt. Luật pháp và chính quyền Hoa Kỳ không phân biệt đối xử trên bình diện nội dung tư tưởng – mà chỉ thiết lập những quy tắc trật tự nhằm bảo vệ và phát huy quyền tự do ngôn luận. Nội dung và chất lượng tư tưởng chỉ là vấn đề của trình độ tri kiến và ý thức của người tham dự. Mâu thuẫn tư tưởng là điều kiện thiết yếu cho nhu cầu khai sáng. Những xung đột về ngôn luận và tư tưởng giúp làm khai thông những vũng tối của giáo điều, của vô minh, lừa dối và ác ý. Mặc dù không có trên văn bản chính thức, nhưng cho một nền tảng chính trị hiến pháp tiến bộ của bất cứ quốc gia nào, nó phải hàm chứa những khuyến khích cho sự mâu thuẫn và đối nghịch tư tưởng.

Tôi xin phép đem trường hợp cá nhân chúng tôi ra làm bằng chứng ở đây. Từ những năm 1985 – 1992, tôi đã công khai kêu gọi Hoa Kỳ bỏ cấm vận và thiết lập bang giao với Việt Nam. Tôi tin rằng chỉ với con đường đó mới tạo cơ hội cho Việt Nam thoát ra khỏi vũng lầy nghèo đói kinh tế và áp bức chính trị. Lúc ấy, ít ai trong cộng đồng Việt ở Mỹ dám công khai lên tiếng về vấn đề này. Vì đó mà an ninh cá nhân đã trở nên một vấn đề. Văn phòng luật sư của tôi đã phải dời đi ít nhất hai lần vì bị đe dọa đặt bom. Một vài tờ báo Việt ngữ từ chối không đăng quảng cáo kinh doanh của tôi, và FBI của Mỹ đã đến gặp tôi tại nhà nhằm khuyến cáo những biện pháp an ninh cá nhân. Không khí thời ấy bao trùm sự đe dọa khủng bố. Những nhà báo như Dương Trọng Lâm, Đạm Phong, Tú Rua đã bị bắn chết theo hình thức xử tử. Nhiều nhà báo, nhà hoạt động chính trị cộng đồng thiên tả hay ôn hòa khác thì bị đe dọa, cô lập. Cơ sở kinh doanh của họ bị đốt cháy hay cá nhân họ đã bị bắn trọng thương, như trường hợp Đoàn Văn Toại. Đã nhiều lần, phe cánh hữu chống cộng đến trước văn phòng luật sư của tôi để biểu tình, làm cho nhân viên của tôi phải bỏ trốn. Dù trong bối cảnh đó, tôi đã không chùn bước. Tôi vẫn hành nghề luật sư, vẫn công khai tiếp tục phát biểu về lập trường chính trị của mình. Vì tôi tin rằng những gì tôi cổ võ là đúng - và khi tôi đã tin như vậy thì tôi phải sẵn sàng đứng lên hành xử quyền tự do ngôn luận của mình. Không ai có quyền “kiểm duyệt” tôi cả. Những người đe dọa tôi chỉ có thể có “quyền kiểm duyệt” đối với tôi chỉ khi nào tôi sợ hãi họ mà tự im miệng.

May mắn thay cho những ai có điều gì để nói mà bị phản đối. May mắn cho tôi là ở Mỹ chỉ có phản đối và đe dọa dân sự, mà không phải là của luật pháp hay chính quyền, đối với quyền ăn nói của tôi - dù có vấn đề nguy hiểm cho an ninh cá nhân. Mỗi lần tôi nói hay viết điều gì, nếu có người phản đối, phá rối, la hò, chửi rủa, tôi thông cảm và ghi nhận. Bởi vì ít nhất là người phản đối đã để ý và quan tâm đến những gì tôi muốn nói. May là họ không làm ngơ. Nhiều người cũng hỏi tôi là tại sao không kiện họ ra tòa vì tội phỉ báng. Tôi thì cho rằng nếu tôi đã lên tiếng nói về những vấn đề chung thì phải chấp nhận luật chơi để chấp nhận bị chỉ trích và phỉ báng. Đó là chưa kể đến “cái lợi” khi tôi bị biểu tình hay chỉ trích, bởi vì đó là một cách mà người ta “quảng cáo không công” cho công việc hay ý kiến của mình.

Thế nhưng, về các vấn đề Việt Nam, hầu hết những người cầm bút, hay hoạt động xã hội, nghệ thuật và tôn giáo trong cộng đồng người Việt ở Mỹ lại quá dè dặt, hay là quá nhạy cảm - nếu không nói là sợ hãi - khi muốn nói những gì mà họ tin. Những năm trước 1996, khi còn chưa có bang giao Việt-Mỹ, nhiều nhà báo, nhà bình luận, hoạt động chính trị, khi tôi gặp riêng thì họ cho tôi biết rằng họ ủng hộ bang giao, bỏ cấm vận. Nhưng khi viết bài trên báo hay ra công chúng thì họ lại hô hào chống đối. Hay là có những sinh hoạt tư nhân, ra mắt sách, hay sinh hoạt tôn giáo chẳng hạn, họ cũng phải “cực chẳng đả” làm lễ chào cờ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Họ chỉ sợ bị “chụp mũ” là “thân cộng.”

Mà thực ra nếu có bị chụp mũ “thân cộng” thì có gì ghê gớm lắm đâu? Quá lắm thì chỉ bị biểu tình, vài bài báo, hay là đài radio chỉ trích, chửi bới. Trong suốt bốn năm trời từ 2003 đến 2007, ở San Jose, có một luật sư, từng là nhân viên văn phòng của tôi, nay làm chủ báo, liên tục đăng hình tôi lên trang nhất, tố cáo tôi là “Việt gian” là “đặc công trí vận,” nhưng tôi vần coi thường và bỏ qua. Tôi thấy rằng nếu chúng ta phát biểu ôn hòa, lý luận vững chắc thì quần chúng sẽ lắng nghe. Còn các trường hợp bị đe dọa an ninh cá nhân thì hiếm hoi, và chỉ ở vào thời điểm mười, hai mươi năm trước. Bây giờ, những ai chịu nói thật và thẳng về những vấn đề Việt Nam không còn phải lo sợ như trước. Tuy vậy, trên nhiều đề tài về Việt Nam, gần hết cả cộng đồng báo chí, văn hóa, cộng đồng người Việt chúng ta ở Mỹ chỉ vì sợ hãi sự chụp mũ mà phải im lặng. Đây là tự chính họ vi phạm quyền ngôn luận của mình. Họ đã thay mặt đám đông mà “tự kiểm duyệt.” Những người đó tự phủ nhận quyền tự do của chính họ. Hãy tự trách chính mình trước.

Trở lại câu chuyện của Horowitz ở trên, tôi nghĩ rằng ông này hơi quá đáng khi cho rằng sự xung đột giữa các phe tả và hữu ở Mỹ về các buổi diễn thuyết là chuyện giữa “văn minh” và “mọi rợ.” Xung đột và mâu thuẫn là điều đáng khuyến khích - kể cả những lúc đi quá đà. Không phe nào hay cá nhân ai là “lạc hậu” hay “tiến bộ” cả. Những hành động phản đối, quấy phá nào cũng không thể trở nên “kiểm duyệt” nếu kẻ phát ngôn đứng vững vị trí của họ. Vấn đề là ở chỗ rằng, người phát ngôn có đủ niềm tin vào lập trường của mình, có tư tưởng, có điều gì đáng để nói, để viết, và quan trọng nhất, họ có đủ can đảm để thực thi quyền tự do ngôn luận hay không.
Adam Michnik, một nhà báo Ba Lan đấu tranh cho dân chủ hai thập niên trước có lần viết, “Nếu bạn muốn có tự do ngôn luận ư? Đừng sợ hãi. Hãy nói lên. Bạn muốn có tự do tư tưởng? Hãy thực thi tự do tư tưởng cho mình.” Câu nói quen thuộc này hẵn phải còn đúng cho tất cả những người Việt Nam muốn có tự do tư tưởng và ngôn luận, dù ở trong nước hay ở hải ngoại. Khi nào mà tầng lớp trí thức cầm bút, những người có tư tưởng, quan điểm chính trị hay xã hội không có can đảm đứng lên hành xử quyền tự do ngôn luận và tư tưởng thì ngày đó sinh mệnh đất nước và cộng đồng vẫn còn bị nằm trong bóng tối của thoái hóa và áp bức.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, dù bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, kẻ sĩ Việt phải có can đảm đứng lên cho tiếng nói của mình. Đây chính là một thách thức quan trọng nhất hiện nay cho sĩ phu Việt Nam.
Nguồn:
Tạp chí Da Màu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét