Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Người xứ Nghệ – Ngựa khó thuần mới là ngựa tốt!

Share
NGHEANDOST – CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN, SỐ 5/2013
Người xứ Nghệ – Ngựa khó thuần mới là ngựa tốt!
Ngày đăng tin : 6/19/2013
Là một người con xứ Nghệ làm ăn xa quê, tôi khá buồn khi thời gian qua, dư luận, báo chí rộ lên tình trạng doanh nghiệp kỳ thị, phân biệt vùng miền trong việc tuyển dụng lao động xứ Nghệ. Tại các tỉnh phía Nam, lao động cầm hồ sơ xin việc mà nghe giọng “trọ trẹ” và có hộ khẩu ở vùng này thì coi như bị loại ngay. Một số doanh nghiệp không ngần ngại treo biển “Không tuyển lao động Nghệ An, Hà Tĩnh”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người xứ Nghệ bị phân biệt đối xử ngay trên đất nước mình như vậy?

Khác biệt văn hóa
Xứ Nghệ bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có cùng cội rễ lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Nghệ An và Hà Tĩnh được gọi chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc), Nghệ An (thời Lý, Trần, Lê). Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (Bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (Nam sông Lam). Trải qua ngàn năm tạo dựng, đi kèm theo đó là những tương đồng và dị biệt về lịch sử, văn hóa hình thành nên cốt cách, tâm tính con người. Xứ Nghệ được ví như Việt Nam thu nhỏ, cái gì Việt Nam có thì xứ Nghệ cũng có. Nơi đây một thời từng là biên thùy trọng trấn của nước Đại Việt, là đất phát tích Đế Vương, có vị trí quan trọng đến mức: xứ Nghệ còn, quốc gia còn; xứ Nghệ mất, quốc gia mất. Lê Lợi nhờ nghe theo kế của Nguyễn Chích đưa quân vào Nghệ An mà phá được thế vây hãm hết sức hiểm nghèo của giặc Minh, thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc kháng chiến. Là đất địa linh nhân kiệt nên thời nào văn thần, võ tướng xứ Nghệ cũng nhiều, Bắc sông Lam thiên về võ tướng, Nam sông Lam thiên về văn thần. Tổ tiên vua Quang Trung Nguyễn Huệ vốn là người họ Hồ ở Nghệ An, bị quân Chúa Nguyễn bắt cóc vào khai hoang ở Bình Định. Xứ Nghệ cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa như Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Công Trứ… Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới; Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSV; Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập là những là người con ưu tú của xứ Nghệ. Khi nổ ra phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931, thực dân Pháp đã đàn áp dã man, dìm nhân dân ta trong biển máu nhưng không thể dập tắt được lòng yêu nước của người dân xứ Nghệ. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Nghệ Tĩnh là vùng tự do, địch khiếp sợ không dám xâm chiếm trở lại. Trải qua các cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, người xứ Nghệ hăng hái xung phong ra mặt trận, chiến đấu hết sức dũng cảm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, chặn họng súng kẻ thù để đồng đội tiến lên. Nhiều nhân vật lẫy lừng của Việt Nam từ quãng năm 30 thế kỷ 20 là người Nghệ. Đi khắp Việt Nam và cả chiến trường Lào, Campuchia nơi đâu cũng thấy mộ liệt sỹ xứ Nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi sân Vinh là “chảo lửa”; với bản sắc “Choa dân 37” còn làm nên cả chảo lửa sân Vinh ở ngay tại Mỹ Đình, Hà Nội.
Yếu tố lịch sử – văn hóa như vậy vô hình chung khiến người xứ Nghệ tự bản thân đã mang cái tính ương ngạnh, kiêu hãnh và trịch thượng. Loạn kiêu binh thời Lê mạt cũng bởi quân cấm vệ người Thanh – Nghệ. Đặc trưng của người xứ Nghệ là có tính cố kết cộng đồng cao, khi có việc cả nhóm cùng đứng ra gánh vác. Nhưng ngay ở Nam – Bắc sông Lam cũng có sự phân cách. Người Nghệ An luôn tự thị là anh, tính cố chấp, trịch thượng cao hơn hẳn. Người Hà Tĩnh mềm dẻo, hợp thời hơn. Đất chật, người đông, chiến tranh tàn phá, thiên nhiên không ưu đãi, vô hình chung khiến người xứ Nghệ trở nên cần kiệm, chắt chiu. Núi sông, thời tiết xung khắc mãnh liệt khiến người xứ Nghệ chênh vênh giữa trạng thái tốt và cực đoan. Cần kiệm thì đến mức chi li bủn xỉn, đoàn kết thì đến mức thành cục bộ địa phương; lại có tính bảo thủ, ương gàn, chậm thích ứng với cái mới. Dường như người xứ Nghệ sinh ra đã mang dòng máu chiến binh, không chịu khuất, không chịu nhún ai bao giờ. Có doanh nghiệp Hàn Quốc về Nghệ An đầu tư nhà máy may, thế mà lao động đi làm cứ gắn tai phone rồi gật gù theo tiếng nhạc, chủ xưởng bảo mãi không chịu nghe. Một số lao động từ miền Nam về quê xin đi làm lại so sánh lương cao thấp thế là xúi bãi công khiến doanh nghiệp lao đao. Cả cái nhà máy mấy ngàn công nhân toàn làm chậm tiến độ, hàng bị trả về. Ông chủ phải dồn 5 nhà máy ở các KCN phía Bắc lại hỗ trợ mới xong. Ngay chính một số lãnh đạo các sở ngành ở Nghệ An cũng nhận ra những hạn chế của lao động xứ Nghệ trong thời buổi hội nhập và kinh tế khó khăn hiện nay. Nhược điểm lớn nhất của người xứ Nghệ là cái tôi quá lớn (cái tôi cá nhân và cái tôi của khu biệt văn hóa, ghét bị sai khiến).
Làm thế nào để người xứ Nghệ luôn được đón chào?
Các chủ doanh nghiệp và nhà lãnh đạo, quản lý nên hiểu rằng rất khó để ngày một ngày hai, người xứ Nghệ thay đổi những nhược điểm đã ăn sâu vào máu thịt của mình. Vậy chỉ còn cách là phải “sống chung với lũ”, biết chấp nhận nó và cố gắng khơi dậy, khai thác những phẩm chất tốt đẹp của người xứ Nghệ. Mà muốn chấp nhận và sử dụng tốt lao động người Nghệ thì phải hiểu đặc tính, lịch sử – văn hóa xứ Nghệ. Nhiều người thiếu am hiểu nên chỉ thấy phần nổi của đặc tính người Nghệ, những cái xấu của tâm tính người Nghệ mà không biết cái phần tốt bị khuất lấp. Có người hỏi: thế mặt tốt của người xứ Nghệ là gì? Xin thưa, nó cũng nằm một phần trong những mặt xấu của người xứ Nghệ: tính cương cường, quyết liệt, không chịu khuất phục. Ở một cơ quan, một doanh nghiệp mà biết tận dụng và khơi dậy cái đặc tính này, cố kết nó trong khuôn khổ chung thì doanh nghiệp đó có thể vượt lên mọi khó khăn, trở ngại. Một khi người Nghệ đã tin, đã yêu thì tất dốc lòng hết sức, tận tụy, nhiệt tâm làm việc. Tính trung thành, quyết liệt là vốn quý của người xứ Nghệ. Người Nghệ đói no có nhau, anh em sống chết làm việc, không (hoặc hiếm khi nào) bội phản hoặc chạy theo tiếng gọi của lợi ích riêng mà bỏ rơi cộng đồng. Vì vậy, vua chúa ngày xưa và cả thời nay, quân cấm vệ hay những vị trí cần sự trung thành tuyệt đối thì người xứ Nghệ bao giờ cũng được chọn đầu tiên. Dân xứ Nghệ rất khó khăn về mặt kinh tế nên có tính cần cù, chịu khó, chịu khổ nhưng trọng danh dự mà tiêu biểu là sự tích “Cá gỗ”. Tuy nghèo nhưng xứ Nghệ là đất học, người thành danh rất nhiều, nên người sử dụng lao động xứ Nghệ cần phải đặc biệt thấu hiểu văn hóa, đối đãi trọng thị để họ thấy mình được coi trọng, có chỗ đứng trong doanh nghiệp. Còn ngược lại chỉ mang lòng kỳ thị, đãi bôi thì tất yếu những phẩm chất còn hạn chế của người xứ Nghệ sẽ có đất để trỗi dậy và không ai được lợi. Ở xứ Nghệ, công tác đào tạo, dạy nghề cho người lao động chưa được chú trọng, phần đa công nhân đi làm ở các KCN từ đồng ruộng mà ra (tính làng xã, tư tưởng tiểu nông vẫn rất cố hữu). Họ có thể được dạy tay nghề nhưng lại thiếu hẳn đi đào tạo kỹ năng và cung cách ứng xử hay còn gọi là kỹ năng mềm. Nói đi cũng phải nói lại, một số doanh nghiệp kỳ thị người Nghệ cũng không phải là không có lý. Nếu cứ tiếp tục thả nổi cho người lao động tự bươn chải với đầy đủ tính xấu theo kiểu tự sinh tự dưỡng như thế cũng rất khó cho doanh nghiệp. Bát nước chè xanh của xứ Nghệ rất chát nhưng uống lâu sẽ thấy ngon, có vị ngọt. Vấn đề là khách hàng phải uống thử và người bán chè xanh cũng phải biết cách tiếp thị. Xin được mượn lời cổ nhân thay cho lời kết bài viết này: “Ngựa khó thuần mới là ngựa tốt”.
Trần Phan Nam Tiến

0 nhận xét:

Đăng nhận xét