Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Trung Quốc đã thu phục Trung Á như thế nào?

Share

 - Trung Á hôm nay đã định hình trở lại, với vai trò chiến lược của nó, sau khi Liên Xô sụp đổ. Đã xa rồi quan niệm đây là khu “đặc quyền” về kinh tế, quân sự, chính trị của Moscow. Thừa cơ Hoa Kỳ và Nga mải giằng co tại không gian địa chính trị này theo những chiến lược cũ, Trung Hoa đang huơ gậy - cà rốt, để “bất chiến tự nhiên thành” tổng hợp của Lê Đỗ Huy.


Thế "Tam Quốc diễn nghĩa" mới

Trung Á, hay Nội Á được biết đến như phần châu Á không tiếp giáp với đại dương. Đây là một vùng giàu tài nguyên nằm giữa Nga, Trung Hoa, Iran và Afganistan. Phần lớn vùng lãnh thổ này thuộc Liên Xô gần ba phần tư thế kỷ XX. Cuộc tranh đoạt bá quyền ở khu vực đầy lợi ích chiến lược này hiện đã hình thành thế “tam quốc diễn nghĩa” mới.

Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan và Uzbekistan là thành viên của tổ chức Hợp tác thượng Hải (SCO) cùng với Nga và Trung Hoa, ban đầu để chống khủng bố, nhưng ngày một tập trung hơn vào các vấn đề kinh tế. Các thành viên của tổ chức này chia sẻ tin tức tình báo, cùng tham dự các cuộc diễn tập quân sự. Năm 2010, Trung Quốc cho các nước trong SCO vay 10 tỉ USD.

Theo truyền thông, Hoa Kỳ vẫn hì hụi tìm cách giành ưu thế để hỗ trợ cho quân Mỹ, đang hụt hơi trong một cuộc chiến không lời giải ở xứ Afganistan gần đó. Còn Moscow thì vẫn nhất mực rằng đây là sân sau của mình, nơi Nga/Liên Xô từng mất vô khối công của để duy trì ảnh hưởng trong thế kỷ qua.


Tương kế tựu kế, Trung Hoa đã phím vào “sở đoản” của cả hai đối thủ, đó là cuộc chiến sa lầy ở Afganistan của Washington, và chứng “viêm dạ dày” tài chính của Moscow, để đoạt vị thế cho mình ở Trung Á, A. Cooley, một nhà nghiên cứu chính trị ở Đại học Columbia chia sẻ với AFP (1) .

Báo Nam Trung Hoa buổi sớm, hơi muộn, tiết lộ rằng Trung Hoa đang ve vãn các nước cộng hoà Hồi giáo từng thuộc Liên Xô một cách hiệu quả, nhờ các thương vụ béo bở.

Thật vậy, Trung Hoa, lẻn cất những bước đi mang vẻ tơ lụa nhưng quá nặng đồng cân để bứt lên trong cuộc chơi lớn, bỏ xa hai cường quốc từng đứng đầu hai phía của chiến tranh lạnh, trước hết nhờ vào khả năng chi trả hùng hậu và một tầm nhìn xa của Trung Nam Hải.

Kim ngạch ròng trong trao đổi thương mại (net trade) của Trung Hoa với khối Trung Á đã vượt lên  kim ngạch ròng của Nga từ 2009, và xu thế ấy vẫn tăng trưởng. “Nga từng là thế lực áp đảo trong khu vực nhưng khủng hoảng tài chính đã xói mòn năng lực kinh tế và ảnh hưởng của nước này. Điều này đã gia tốc cho đợt sóng mới của các thương vụ mới giữa Trung Hoa và khối các nước Trung Á”. Cooley nhận xét.

Cụ thể, thương mại của Trung Hoa với “ngũ hổ” của Trung Á (Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan and Turkmenistan) đã đạt 25,9 tỉ USD năm 2009, so với con số 527 triệu của năm 1992, khi Liên Xô vừa “tan đàn sẻ nghé”.
Cuộc chơi lớn của “ông chủ” cũ

Hai đế quốc Nga và Anh từng giằng co nhau trong hiệp đấu suốt thế kỷ XIX được gọi là “cuộc chơi lớn” (great game). Quân lính và gián điệp của họ từng kình nhau trong những vùng đồng bằng lầm bụi mà Con đường tơ lụa xưa kia đã đi qua.
d
Cuộc chơi lớn của Nga và Anh tại Trung Á, thế kỷ XIX từng bất phân thắng phụ

Nếu cuộc chơi lớn thế kỷ XIX giữa hai kỳ phùng địch thủ ấy xoay quanh một mưu đồ khó giấu diếm: Sa hoàng lúc đó đang tìm cách thọc sang Ấn Độ thuộc Anh, thì hôm nay, trận đồ giao tranh ở Trung Á chuyển thành thế chân vạc.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Hoa đã kiên trì phát triển những ràng buộc ngày một thít chặt hơn đối với vùng sân sau này của Nga, thông qua thương mại, phát triển hạ tầng, và nhập khẩu năng lượng.

Nga, ngược lại, đã mất thế ở đây. “Đòn bẩy cho chính sách đối ngoại nhiều năm của Moscow ở Trung Á là đồng tiền, nhưng nay lại chính là cái mà Nga đang vô cùng thiếu hụt”, Quinn – Judge, một chuyên gia thuộc văn phòng của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế đóng tại Bishkek, Kyrgyzstan, nhận định.

Nét mới về chiến lược ở vùng này gần đây, theo The New York Times, còn là chính sách ngoại giao cơ bắp, khi Bắc Kinh gồng mình cho các lân bang, kể cả “ông chủ” cũ của Trung Á là Nga, cảm thấy.

Quơ năng lượng, cho vay nóng, rải hàng giá rẻ...

“Bắc Kinh quan niệm vùng Trung Á như một khu vực đệm để đảm bảo ổn định và phát triển cho khu Tân Cương, nằm ở biên giới phía Tây của Trung Hoa”, học giả A. Cooley từng nhận định. Tân Cương, giáp giới với cả Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là khu vực được xem là có những nhóm Hồi giáo cực đoan chống chính phủ.

Thách thức đối với Trung Hoa ở Trung Á hẳn vẫn là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sở tại. Nhưng cả “hổ” Mỹ lẫn “gấu” Nga đều phải chọi với đối thủ này. Về phần mình Trung Hoa hẳn có những tiên liệu sâu xa hơn, về mọi mặt như an ninh năng lượng, bành trướng mậu dịch, ổn định sắc tộc, và quốc phòng.

Thừa cơ Mỹ và Nga mải đối phó với nhau trên nền chính trị hỗn tạp ở Trung Á, Trung Hoa đã “phóng tài hóa thu nhân tâm”. Bắc Kinh đã cho các nước cộng hoà Hồi giáo ở đây vay nhiều khoản trị giá hàng tỷ đô la, đồng thời quơ vội các nguồn năng lượng chủ yếu ở Kazakhstan và Turkmenistan.

Thật vậy, nhờ tốc độ phát triển nhanh, Trung Hoa đã “lợi dụng được thế yếu của Mỹ và Nga trong khu vực”, tướng Liu Yazhou (Lưu Á Châu) viết trong một bình luận đăng trên Phoenix Weekly vào hè năm 2010 (2). Vẫn theo viên tướng này “Trung Hoa đã tạo được cơn sốt chủ nghĩa tiêu dùng ở đây”, và mở rộng thị trường cho hàng hoá giá rẻ của mình.

Nhìn sâu hơn, theo The New York Times, Trung Hoa đã “bắt bài” được Mỹ, tìm cách đối phó với thế trận của người Mỹ  và đồng minh quân sự ở Trung Á, Ấn Độ, Afganistan - vòng cung phía tây của chính sách ngăn chặn (western arc of a containment strategy), một chiến lược còn dựa trên hợp tác với các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á.

Cuộc chơi hậu xô viết của Mỹ ở Trung Á không thuận lợi

Sau khi Liên Xô sụp, Hoa Kỳ tìm cách khống chế Đại lục bằng cách xây một vành đai dọc theo Trung Á, Ấn Độ, và Afganistan bằng các căn cứ quân sự Mỹ. Các công ty Hoa Kỳ tham gia phát triển các nguồn năng lượng ở Kazakhstan và Turkmenistan.
d

Cuộc chơi lớn đầu thế kỷ 21 ở Trung Á: sư tử Mỹ và gấu Nga đành chầu rìa, nhìn kẻ thứ ba thu hoạch.

Nhưng tới lúc này, mục tiêu của Mỹ ở Trung Á  chẳng lấy gì làm to tát, nó chỉ gồm một từ: Afghanistan, Paul Quinn – Judge tiết lộ.

“Kết quả là Hoa Kỳ đang đánh cược khi quan hệ với một số chế độ tham nhũng và độc tài nhất thế giới hiện nay, và đang chịu những thiệt hại không đếm xuể, hòng kéo dài sự đứng chân ở đây”. Quinn – Judge bình luận.

Khi chuẩn bị tiến công Afganistan sau sự kiện 11 tháng 9, Hoa Kỳ đã thành lập căn cứ quân sự ở Kyrgyzstan và Uzbekistan. Qua gần một thập kỷ, nay chỉ còn Trung tâm quá cảnh Manas ở Kyrgyzstan là còn hoạt động. Uzbekistan đã đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ năm 2005.

Theo một bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ trong vụ WikiLeaks mới đây, Trung Hoa bị ngờ rằng đã “gạ” biếu Kyrgystan 3 tỉ USS để đóng cửa căn cứ Manas, hiện đang là then chốt cho tác chiến của Mỹ ở Afganistan. (3)

Các nhà đấu tranh vì quyền con người cho rằng vì cố giữ Manas làm căn cứ quân sự, bất chấp dư luận ở Kyrgyzstan, Washington đang “mất mặt” trong mắt người dân nước cộng hoà Hồi giáo này.

Sự có mặt của Mỹ ở Trung Á thuộc Liên Xô hiện vẫn gây nên sự chú ý theo hướng không đồng thuận trong khu vực, và lại còn chọc giận Moscow.

 Và "bất chiến tự nhiên thành"

"Cuộc xâm lăng không tiếng súng" là đầu đề của một bài báo ra hôm 9/6 vừa qua trên báo điện tửAsia.new.it. Bài này cho rằng Trung Quốc thăng hạng về kinh tế và quân sự ở Trung Á chính là nhờ những yếu kém của Nga, nhưng đặc biệt là của Mỹ.

Trung Nam Hải hôm nay đã trở thành “ông cậu đô la” trong mắt các “sultan” (thân vương Hồi giáo) mới ở các nước cộng hoà Trung Á, vốn khét tiếng nghèo và tham nhũng, mà khán giả Việt Nam từng biết qua những bộ phim Liên Xô như “Kẻ cắp đúng luật” (Вор в законе).

Học giả cho rằng cho dù các quốc gia Trung Á đang lo sợ cuộc xâm lăng của Trung Hoa cả về hàng hoá lẫn nhập cư, rằng kinh tế các vùng đông dân sẽ rơi vào tầm kiểm soát của Bắc Kinh, họ không thể có lựa chọn khác, ngoài chấp nhận nguồn đầu tư và thương mại của Trung Quốc.

Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc mở các viện Khổng Tử để dạy tiếng và văn hoá Trung tại thủ đô của các nước Trung Á.

“Trung Á”, tướng Liu Yazhou cảm nhận, “là một miếng kếch sù của cái bánh mà Trời cho người Trung Hoa thời nay”.

Con đường tơ lụa thế kỷ 21

Trong các phim lịch sử, ta từng thấy vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu … trôi nổi trên Con đường tơ lụa. Nay trên đoạn chạy qua xứ sở Uzbekistan, tưởng như còn âm vang bài ca xô viết trong những Samarkan và Bukhara cổ kính, đang nườm nượp những đoàn caravan mới - những xe tải chất tận nóc đồ điện tử, dụng cụ cơ khí và các loại hàng. Các thương nhân người Hoa mới đang khệnh khạng mở những “Bách hoá đại lầu” xâm lấn thị trường địa phương.
Gần đây, một tập đoàn thuộc Công ty quốc gia Dầu khí Trung Hoa thắng thầu khai thác khu mở khí đốt ở vùng Nam Yolotan, Turkmenistan, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.

Đường ống chạy dọc theo Trung Á đang đưa dầu đến cho Đại lục từ Nga, Kazakhstan và Turkmenistan. Đây là một nguồn năng lượng độc lập dành cho người Trung Hoa, trong khi khu vực Viễn Đông đang bất ổn về chính trị, và Trung Nam Hải vẫn chưa kiểm soát được tuyến các tầu chở  dầu chạy qua eo biển Malacca.

Trung Hoa cũng xăng xái trong các dự án khai thác uranium và dầu hoả ở Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Kazakhstan đã nghiễm nhiên thành trạm quá cảnh có tính đầu mối cho hàng Tàu tìm đường đến với vùng biển Caspian, Nga, và châu Âu.

Và, thay cho lạc đà, là những xa lộ và đường sắt hiện đại được Bắc Kinh xây dựng để hàng hoá made in China vươn sang các nước nghèo như Tajikistan, Kyrgyzstan và lân cận. Ở Tajikistan, các công ty nhà nước Trung quốc đang hăm hở nối dài những đường ống dẫn dầu. Hai đường ống khác, một từ Turkmenistan dẫn khí đốt, một từ Kazakhstan dẫn dầu thẳng hướng Vạn Lý Trường Thành.

Năm 2009, nguyên thủ Trung Quốc đã sang tận sa mạc Karakum, để mở van tượng trưng đường ống dài hơn ngàn dặm. Nó được dự trù sẽ đạt công suất  đầy đủ vào năm 2012, hoặc 2013 là 40 tỷ mét khối. Turkmenistan đã ký hợp đồng cấp ga cho Trung Quốc trong 30 năm tới.

Cách “bài binh bố trận” của Bắc Kinh ở Trung Á, theo The New York Times, vì thế nặng phần Đường tơ lụa, hơn là Cuộc chơi lớn, kiểu đối đầu Nga – Anh thế kỷ XIX.

Cách đây hơn hai thiên niên kỷ, khi được lệnh Hán Vũ đế đi sang Trung Á để lập các liên minh quân sự chống Hung Nô, đại tướng Trương Khiên đã xuất kỳ bất ý lập ra Con đường tơ lụa nổi tiếng. Bất chấp những pha chơi rắn thuần tuý bạo lực đượchậu thuẫn bởi người Nga, như ở Bishkek vừa qua, những hậu duệ của Tào Tháo vẫn vươn đến chiếu trên, nhờ cả thế, lực, lẫn một chiến lược “bình thiên hạ” được thiết kế thâm hậu.

Lê Đỗ Huy (tổng hợp)

-----------
(1) http://www.scmp.com/portal/site/SCMP/menuitem.2af62ecb329d3d7733492d9253a0a0a0/?vgnextoid=1f8d2ae6ab087210VgnVCM100000360a0a0aRCRD&ss=Asia+%26+World&s=News  
 (2) http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9802E6DF163BF930A35752C0A9679D8B63&pagewanted=all
 (3) http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9802E6DF163BF930A35752C0A9679D8B63&pagewanted=all
Nguồn: Bee.net.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét