Trang 1: Trong Lớp Văn Minh Đông Phương
Người đàn ông tóc bạc da mồi rung rung bước lên bục giảng... Nắng chiều heo hắt ngoài song... nắng chiếu trên hàm râu quai nón quá khổ... Ông đứng, như chơi vơi như mời gọi, hai lòng bàn tay đưa ra, nâng lên, như dâng hiến hết cho đời những gì đang có, hai lòng bàn tay trống không... mà tưng tiu, mà âu yếm như đang ôm ấp ngàn muôn châu ngọc của thế gian!
Bây giờ là một chiều cuối năm... ngoài sân xạc xào lá đổ. Bây giờ nắng đã tàn phai, đầu non ngọn núi đã vào mây. Ông già đứng như con sư tử giữa mùa đông. Đôi hố mắt sâu còn phảng phất ánh sáng của một thời... vàng son rực rỡ. Ông hát... Lời hát ngọt như lời cha dặn dò... Cả đại giảng đường của viện đại học chợt im bặt. Rừng xôn xao ngàn chim muôn bướm, từng gốc cây, từng ngọn cỏ lặng im nghe tiếng gầm gừ... Con sư tử giữa mùa đông!
Ông già hát... không đàn, không trống, cả cái bục giảng quen thuộc cũng trở thành trống không. Bài hát khởi đầu bằng tiếng Việt Nam, người bạn Mỹ mở to đôi mắt nghe... như nghe những câu thần chú lạ:
“Châu báu chất đầy thế giới, tôi đem tặng bạn sáng nay...
Hỡi người giầu sang bậc nhất, tha phương cầu thực là đây...”
Ông già hát, lời hát chuyển sang Anh ngữ... Những người Mỹ chấp tay, cúi đầu đón nhận. Lời dâng tặng như một cành hoa đưa ra, người đón nhận mỉm môi cười... nụ cười của Ma-Ha-Ca-Diếp (Mahakôsyapa) trong nắng tàn phai... Một đóa hoa đưa ra, một nụ cười đón hiểu, từ không thành có, từ đó mà khởi sinh... Lời hát như tiếng cồng khua khai mở tư duy... Lời như lời thái tử Tất Đạt Ta: dâng hết cho thế nhân những vàng son nhung lụa, dâng hết cho đời, dâng hết cho người, không còn lại gì cho mình, trời cũng không, mà đất cũng là không...
Ông già hát, rồi ông già rời bục giảng đi ra, lời hát vẫn còn đọng lại trong ánh nắng chiều lung linh, lời hát sẽ còn đọng lại trong tâm hồn nhiều sinh viên...
Ông già đã đi xa, những người sinh viên còn ngồi lại... bàng hoàng như một trí tuệ vừa được khai hóa.
…..
Người giáo sư bước vào. Người giảng về Văn Minh Đông Phương hôm nay là một triết gia người Việt. Một thiền sư chưa bao giờ nằm yên trong những trói buộc nghiệt ngã của thiền đường. Một nhà văn Việt Nam không có bằng cấp, đến dạy những người đang làm luận án Tiến Sĩ. Ông nói về những con sư tử giữa mùa đông... Về loài thú lớn đang lần lần tuyệt chủng... Về những chao đảo của tư tưởng trong nền văn minh cơ khí.
Giữa cuộc nói về tư tưởng của người phương đông, ông chợt ngưng bặt, rồi cầm quyển sách hướng dẫn khóa học lên, lật qua lật lại vài trang, rồi lẩm bẩm vài câu tiếng Latin, rồi lầu bầu đôi dòng văn Hy Lạp, rồi... tiện tay, ông ném quyển sách ra ngoài sân.
Sách, như ngàn lá mùa thu, đã nằm yên bên bờ cỏ lạnh.
Khi nói về văn minh đông phương, các học giả tây phương chỉ chú trọng đến Ấn Độ, Trung Hoa, và Nhật Bản. Quyển sách ông vừa vất ra ngoài kia cũng thế, chỉ nói về các kiến trúc, và văn tự của ba nước nầy. Theo ông, Ấn Độ, Trung Hoa, và Nhật Bản chỉ là một con quái vật ba đầu, chạy tung tóe trong khu rừng đầy kỳ hoa dị thảo của người đông phương. Để hiểu người phương đông, phải có một cái nhìn tổng hợp. Để vào căn nhà đông phương, người phải cúi đầu, chấp tay, im lặng lắng nghe... Người hòa với thiên nhiên, tâm hòa với vạn vật, trí tuệ như cành hoa buổi sáng: nhẹ nhàng, thảnh thơi... Và phương đông không chỉ có Ấn Độ, Trung Hoa,... mà còn có ngàn vạn nền văn minh, như ngàn vạn đóa kỳ hoa trong cánh rừng thiêng tươi đẹp.
Các biện chứng pháp của tây phương là những chiếc chìa khóa thô bạo, sẽ không mở được cửa vào khu rừng đông phương. Người tây phương với óc phân tích cố hữu sẽ không tìm được cửa vào, bởi vì ở đông phương: rừng không có cửa.
Ông thầy chợt trầm giọng nói về Việt Nam. Nơi ông sinh ra và lớn lên có một nền văn minh kỳ bí. Trên miền đất đầy gấm hoa, trong tâm hồn người dân hiền hòa mộc mạc bên ấy: ba ông Phật, Khổng, và Lão đã “kết hôn” với nhau, đã sống chung với nhau một cách hòa thuận gần hai ngàn năm. Tinh thần “Tam Giáo Đồng Nguyên” là một tinh thần rất Việt Nam: sự hòa hợp nhịp nhàng trong ba nguồn tư tưởng lớn của nhân loại đã mang đến cho dân Việt đức tính từ bi, vị tha, thủy chung, trọng tình người hơn vật chất. Sau tam giáo, Hồi Giáo đến, Thiên Chúa Giáo đến, hòa hợp nhẹ
nhàng vào đời sống Việt. Đầu thế kỷ 20 Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo Hòa Hảo ở miền Tây, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc triển đạo Cao Đài ở miền Đông... Những tôn giáo lớn được khởi sinh, làm phong phú thêm nền văn hóa Việt.
Trên đất Việt các tôn giáo không hề chém giết nhau. Chưa có một đất nước nào, con người nào có thể thực hiện được tinh thần hòa hợp tôn giáo nầy, như dân tộc Việt.
Nhưng người Việt không chỉ có nền văn minh thuần tính hòa đồng tôn giáo, hiền hòa như các tôn giáo. Văn minh Việt còn là kết tụ của mấy ngàn năm chiến đấu để sống còn. Từ đời cha Lạc Long Quân đã phải bủa lưới trên sông, đánh nhau với thủy quái, đến đời con, rồi đời cháu, bốn ngàn năm văn hiến là bốn ngàn năm đấu tranh!
Người Việt còn có võ học, và tinh thần Việt Võ Đạo. Võ học và tinh thần nầy khởi nguồn từ ngọn lao cha Lạc Long Quân tung ra giết thủy quái bảo vệ dân; hình thành qua lệnh Hưng Đạo Đại Vương truyền xây Giảng Võ Đường (năm 1253), và... cho đến những năm giữa thế kỷ 20, võ thuật và ý thức hệ Việt Võ Đạo được cô đọng lại thành một hệ tư tưởng, một phong trào giáo dục đại chúng: Vovinam.
Ông thầy nói, và vẫn nói... Chỉ tay về phương đông, ông nói về những bậc đại sư của Việt Nam, những con sư tử giữa mùa đông... Rừng đã cháy, nước nguồn đã khô, mạch sống đã nhiều đảo điên mà họ vẫn ở lại, gầm gừ trong lòng suối hoang, trung thành bám theo bờ đất cũ. Trong một khoảng khắc, ông chợt dừng lại, im lặng. Rồi trầm giọng hối tiếc... Một trong những niềm hối tiếc lớn của đời ông là việc ông chưa bao giờ học Vovinam, và việc ông chưa bao giờ gặp đại sư LÊ SÁNG, Chưởng Môn Vovinam.
Nắng đã khuất, ngoài sân đèn đã lên. Trong cái đìu hiu lạ lùng của một chiều cuối năm trên sân trường, tôi, một huấn luyện viên Vovinam, nghe một người lạ nói về tư tưởng Vovinam.
Từ một nền văn minh cơ khí nhìn về đông phương... Nơi mặt trời lên vẫn hàm chứa nhiều hố thẳm tư tưởng!
Bấy giờ là một chiều cuối năm 1989. Bài giảng của nhà văn Việt Nam kia rồi cũng chen chúc hỗn độn trong xấp bài giảng về các nền văn minh khác. Rồi tôi ra trường, ra đời. Trong đời sống Mỹ cuồng loạn, tôi đã quên hẳn ông.
Mười hai năm sau, năm 2001, khi thầy Lê Sáng đến California, tạm trú trong cùng thành phố với ông nhà văn kia. Tôi sực nhớ nỗi hối tiếc của ông, lòng ước mơ muốn gặp “đại sư” Lê Sáng của ông. Định bụng đến chở ông đi thăm thầy Lê Sáng, tôi đến nơi ông ở tìm... vẫn khoảng sân đìu hiu, vẫn bụi chuối èo uột ông trồng từ năm nào, nhưng người mở cửa là một ông già khác. Người chủ mới của căn phòng trọ cho hay ông đã mất từ mấy năm qua.
Tôi thở dài, buồn như vừa nghe tin… thêm một loài thú lớn đã bị tuyệt chủng!
Khi nói cho chúng tôi nghe về văn minh Việt Nam, khi tung mạnh cánh tay chỉ về phương đông, bây giờ tôi hiểu: ông nhà văn cũng là một trong những con sư tử, giữa mùa đông của cuộc đời, khắc khoải nhìn về khu rừng cũ…
Tống Minh Đường - Tháng 12 năm 2005
Nhãn
Copyrights @ Journal 2014 - Designed By Templateism - SEO Plugin by MyBloggerLab
Thích hoc4 võ thuật ghê mà không có thời gian học nữa nà..buồn quá
Trả lờiXóa