Bauxite Việt NamTheo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh – người biên tập] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?
Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.
Chúng tôi đồng ý với 5 đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xin nói rõ 2 đề nghị đầu:
1. Đối với một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Những tỉnh chưa ký thì đình chỉ ngay; thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng để thực hiện. Thực tế đất rừng đã giao cho đồng bào sử dụng gần hết. Nếu ký cho nước ngoài thuê sẽ đụng đến môi trường, đụng đến quyền lợi đồng bào, nhất là đồng bào miền núi, đang thiếu đất, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp.
2. Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường xây dựng bộ phận chuyên trách. Trong vòng 1 năm, chính thức giao đất, khoán rừng cho từng hộ; cấp quyền sử dụng đất vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.
Từ đây, chúng tôi đề nghị mở rộng chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đất rừng đầu hộ của đồng bào miền núi còn trên 4 ha. Tuy không nhiều, nhưng vẫn gấp 3 lần ở đồng bằng; ở đây, thực hiện được đa canh, đa con. Đặc biệt kết hợp tốt trồng rừng phòng hộ với rừng kinh tế. Lùi về trước đã có mô hình tỉnh Tuyên Quang nhân dân ta tự trồng rừng, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy Bãi Bằng. Vậy bây giờ có điều kiện hơn, tại sao lại giành cho nước ngoài?
Đất đai là thứ nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của nhân dân, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng. Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm họa cho dân cho nước.
Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2010
Đ. S. N. & N. T. V
HD Bauxite Việt Nam biên tập
0 nhận xét:
Đăng nhận xét