Trước đây vào các bậc phổ thông, trung học học sinh thường than với nhau rằng ước gì mình mới học lớp một, không phải lo lắng nhiều việc bài vở. Nhưng trong những năm gần đây, trên các trang báo chúng ta thường xuyên gặp những câu như : « làm sao các bé lớp 1 phải khổ thế?, trẻ « sốc » ngày đầu vào lớp 1, khổ như… học sinh lớp1 , căng thẳng “đại học” lớp 1, cơn khủng hoảng vào lớp 1, lớp 1 khổ hơn… lớp 10 » …, thế mới biết « quãng đường » học hành của các em lớp 1 gian nan thế nào !
Khoảng cách từ mầm non lên lớp 1
Nhiều giáo viên phụ trách khối lớp 1 cho rằng, tính chất giáo dục ở mầm non và tiểu học rất khác nhau, nhất là chương trình giảng dạy. Ở mầm non, các em chỉ vui chơi là chính, khi vào lớp 1 thì các em chập chững làm quen với việc học chữ và bắt đầu tiếp thu kiến thức mà trước giờ chưa có khái niệm về nó. Ngay cả không gian sinh hoạt, sự khác biệt về bàn ghế vật dụng trong phòng học cũng làm các em bỡ ngỡ.
Ngoài sự khác biệt trên, vấn đề tâm lý của các bé còn được lý giải ở cảm giác nhớ nhà, thiếu vắng gương mặt thân quen của ba, mẹ. Những lúc như vậy, phản ứng của bé thường là khóc thét lên và đòi về. Hoặc có khi, do không tìm được người thân, lại chưa quen với cô giáo, nhiều em đi vệ sinh luôn ở trong lớp… Nhiều phụ huynh hiểu tâm lý này nên không yên tâm để con ở trường một mình, vẫn cứ dõi theo khi con đã vào lớp. Các bé, vì thế càng bịn rịn, nũng nịu. Điều này làm cho việc chăm sóc học sinh càng trở nên vất vả.
Học thêm từ mầm non
Theo Nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Phạm Toàn, người đã có gần 30 năm giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về giáo dục tiểu học, Giáo dục tiểu học là phải dạy sao cho học sinh học được. Bộ GD-ĐT quy định trước khi vào lớp 1 phải làm quen với chữ cái. Vậy như thế nào là làm quen? Biết mặt chữ cũng là làm quen, biết ghép vần, biết đọc cũng là làm quen… Giáo viên có thể “núp” dưới chữ “làm quen” ấy để dạy cho học sinh biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1.
Hiện nay, vừa mới đầu hè, nhiều lớp học thêm do giáo viên dạy ở nhà, hay các lớp do các trường tiểu học mở dành cho trẻ mầm non cuối cấp đã không còn chỗ trống, đó là chưa kể chất lượng. Những đứa trẻ ở lứa tuổi thích chơi thích ngủ phải bắt đầu đánh vật với những con chữ…
Bên cạnh đó nếu ai không cho con đi học thêm sau mẫu giáo thì giờ đây chỉ còn cách gửi cô giáo dạy kèm. Quy định của ngành giáo dục là không được dạy trước chương trình cho trẻ mẫu giáo, song đa số phụ huynh vẫn phải cho con đi học trước “đón đầu”để tránh trường hợp trẻ có điểm kém. Trẻ tủi thân, xấu hổ, tự ti đã đành, song ông bà, cha mẹ còn buồn lòng, bất lực gấp bội. Ở trường mẫu giáo, các em chỉ được làm quen với việc đọc các chữ cái, hoàn toàn không được dạy viết; trong khi ở lớp 1, chỉ mới khoảng hai tháng sau khai giảng đã thấy HS lớp 1 tập chép, thậm chí viết vài câu dạng chính tả. Chưa hết, đầu óc non nớt đã phải “vắt óc” ra “tìm x”, tìm 2 số mà cộng lại với nhau ra được kết quả lớn hơn 2 và nhỏ hơn 5.
Có phụ huynh thì than: tuy mới chỉ học lớp 1 được đúng 1 tuần nhưng buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đã nhận xét về… học lực của từng cháu: cháu này viết chậm, cháu kia viết nhanh. Nhiều em chưa được học trước khi vào lớp 1 sẽ không tránh khỏi tình trạng bỡ ngỡ, chán nản vì thua kém các bạn cùng lớp.
Biết chữ trước nhằm không thua kém bạn bè, nhưng bên cạnh đó có thể sẽ làm cho các em trở nên chủ quan khi vào lớp. Cô Thu, một cán bộ quản lý ở quận Tân Phú (TP.HCM), cho rằng: “Trẻ học trước có thể hơn những trẻ chưa được học trong một thời gian, nhưng khoảng cách này sẽ rút ngắn dần khi qua học kỳ 2. Ngược lại đối với trẻ học trước, vào lớp 1 cô dạy những chữ trẻ đã biết rồi nên không chú ý nghe và như vậy ngay từ đầu trẻ đã có thói quen thiếu tập trung, ảnh hưởng đến lớp học, khiến GV rất vất vả…”.
Theo cô Thu, do áp lực của việc học, đã có nhiều em học sinh bị tự kỷ, dẫn đến tình trạng nhắc đến học là sợ.
Do Bộ hay Thầy Cô?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo phụ trách bậc tiểu học, nhấn mạnh: “Trẻ khi vào lớp 1 về mặt kiến thức được phép như một tờ giấy trắng. Nhà trường có trách nhiệm dạy các cháu những nét chữ đầu tiên và phải theo cách các cháu hoàn toàn chưa biết gì”.
Hướng dẫn của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội, TP.HCM nêu rõ: « Đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, cần tạo điều kiện để học sinh hoàn thành bài tại lớp, tuyệt đối không bắt học sinh làm thêm bài tập ở nhà, nghiêm cấm tổ chức dạy thêm cho học sinh ». Trong khi đó, ý kiến của giới giáo viên thì cho rằng, chương trình học nặng, lượng kiến thức nhiều, quy trình dạy phức tạp và có quá nhiều bước phải thực hiện nên lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian, đặc biệt là môn Tiếng Việt rất dễ “cháy” giáo án.
Một giáo viên của trường Tiểu học Khương Thượng nói: « Nguyên nhân chính là do chương trình nặng. Ví dụ như môn toán, trong tháng đầu tiên của năm học, mặc dù chỉ trong phạm vi từ 1 đến 5, nhưng các em phải làm dưới nhiều hình thức để phân biệt số lớn, số bé, số nào ít hơn, nhiều hơn ». Cô giáo này còn nói: “Theo tôi, vì chương trình đã vậy, thay đổi hoặc giảm tải ngay thì không thể, cho nên chi bằng với những học sinh không đi học trước chương trình, về nhà phụ huynh nên luyện tập nhiều và thậm chí dạy trước được bài nào hay bài ấy"
Theo một giáo viên, chương trình của lớp 1 bây giờ khác với trước đây rất nhiều. Ngay từ lớp mẫu giáo dành cho trẻ 5 tuổi đã có những chuẩn bị cơ bản, đầy đủ cho trẻ bước vào lớp 1 nên khi bắt đầu vào chương trình học, các bé sẽ được các cô dạy “nâng cao” để bắt kịp sách giáo khoa, chứ không phải là dạy bé từ đầu như trước kia. Trước đây các bé chỉ học tính cộng trừ đơn giản trong khoảng từ số 1 đến số 10 thì nay nâng lên từ số 1 đến số 100…
Cùng quan điểm, cô Hoài Phương, giáo viên mới nghỉ hưu Trường tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Chương trình trước đây phải đến lớp 2 mới có bài giải toán bằng lời văn, nhưng nay, học kỳ 2 của lớp 1 đã có những bài toán kiểu này. Việc phải biết tóm tắt lại bài toán trước khi giải là một yêu cầu rất khó đối với học sinh lớp 1, vì nhiều em chưa hiểu được nội dung đề bài nêu ra.
Ngoài học các môn chính, các em cũng bắt đầu học tiếng Anh. Thậm chí ở một số trường, các em còn phải viết cả chữ Anh ngữ trong khi cần phải đọc thông viết thạo tiếng Việt mới theo được.
Do Gia đình ?
Chưa qua hẳn giai đoạn “chạy đua” trường điểm cho con vào lớp 1. Nay lại đến giai đoạn “tăng tốc” về điểm số của các bậc cha mẹ. Vì đã “trót” vào trường điểm, không phụ huynh nào muốn con mình bị học đuối hơn các bạn cùng lớp.
GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường PTTH dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã phải thốt lên: “Lớp 1 chỉ là khởi động, nếu ép trẻ học quá nhiều là một sai lầm!”
.Quá coi trọng việc luyện chữ và điểm của con khi vào lớp 1 là chuyện phổ biến hiện nay của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh gặp nhau, câu cửa miệng hỏi nhau là: “Con ông/bà hôm nay được mấy điểm”. Phóng viên đã chứng kiến cảnh tại một lớp rèn chữ “tiền lớp 1” đứa bé ra khỏi lớp, người mẹ đã giật ngay bài tập viết của con xem điểm.
Theo TS Lê Tiến Hùng – Nguyên giảng viên Khoa tâm lý Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: Việc trẻ vào lớp 1 ở chúng ta hình như chưa được chuẩn bị tâm lí tốt. Nhiều bậc phụ huynh tạo cảm giác áp lực cho con. Họ hù doạ con “học dốt là phải đi ăn xin” thậm chí nhiều cha mẹ còn bảo: Học dốt sẽ bị đánh đòn, bị các bạn cười chê, khiến cho trẻ cảm thấy việc học chữ là cả một trách nhiệm quá nặng nề. Điều đó ảnh hưởng rất xấu tới tâm lí của trẻ.
Xin đừng hành thêm các em …
Lịch của một trẻ lớp 1 bắt đầu từ 6 giờ sáng, thức dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và vội vã đến trường. Đúng 7 giờ 15 phải có mặt ở trường để các anh chị Sao đỏ đi chấm điểm thi đua. Đến 4 giờ 30 buổi chiều, các cháu được đón về, tắm rửa, ăn uống và lại tiếp tục ngồi vào bàn học để hoàn thành các bài tập về nhà. Không chỉ có đọc, viết, làm toán, các cháu còn phải làm cả bài tập thủ công, bài tập mỹ thuật, viết chính tả…
Lớp 1 là lớp học đầu tiên. Đồng nghĩa với đó là các em đã qua tuổi mẫu giáo, đã qua cái tuổi ăn, tuổi ngủ thoải mái để phải gò vào một giờ giấc nhất định. Theo các nhà tâm lý, lớp 1 có tác động rất lớn đến việc bé yêu trường học, thích học và tìm được phương pháp học tập tốt cho những năm sau này.
Nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Phạm Toàn, nếu tăng thời gian học ở trường chỉ để nhồi nhét kiến thức như hiện nay thì chắc chắn sẽ càng quá tải. Giảm tải theo cách mà Bộ GD-ĐT đang làm thể hiện rõ sự lúng túng, không tìm ra giải pháp triệt để. Giải pháp cho việc giảm tải cần làm là dùng phương pháp và công cụ khác để vẫn bằng ấy thời gian, kiến thức được học sinh tiếp thu một cách dễ dàng. Việc mà Bộ GD-ĐT cần làm là tổ chức cách học cho học sinh.
Theo ông có ba cách học để hướng trẻ đến với ba kiểu tri thức mà các nhà giáo dục cần phải hiểu, đó là kiểu khoa học, kiểu nghệ thuật, và kiểu đạo đức. Học khoa học thì nhất thiết phải tiến hành thao tác phân tích thì mới có được tư duy logic. Học nghệ thuật thì nhất thiết phải có thao tác tưởng tượng thì mới có được xúc cảm thẩm mỹ. Học đạo đức thì nhất thiết phải tiến hành tổ chức lối sống mới thì trẻ em mới dần dần có được nề nếp, thói quen, hành vi đạo đức. Ba cách học đó có thể loại trừ lối giảng giải nhồi nhét của giáo viên, nhưng sách giáo khoa hiện nay lại chỉ có đất cho lối giảng giải nhồi nhét.
« Thiết nghĩ, nếu Bộ ra qui định cấm dạy trước chương trình thì cũng phải có cơ chế giám sát kiểm tra vấn đề này ở các trường tiểu học. Và theo tôi, nếu không đặt vấn đề đánh giá học lực giỏi /dốt ở lớp Một thì sẽ nhẹ đi được phần lớn gánh nặng tâm lý cho cả các con cũng như cô giáo và nhà trường. »
Theo PGS-TS Khanh, để giúp trẻ, giáo viên và cha mẹ không nên chê bai trẻ, tránh cho trẻ điểm kém, đặc biệt là với môn tập viết. Giáo viên không nên nhận xét tiêu cực nhiều quá như: con viết ẩu, viết láu, lười… Điều đó chỉ càng làm cho các em không tự tin, không hứng thú học tập. Nếu có những lời nhận xét như vậy, phụ huynh thay vì mắng trẻ, hãy giúp bé. Cha mẹ không nên quá kỳ vọng về điểm số của con, không nên tỏ ra thất vọng hay lo sợ vì trẻ viết chưa đẹp. Quá trình tập viết diễn ra lâu dài. Những tuần đầu, tháng đầu, các em học vẽ chữ, tô chữ cho nên các em viết chưa đúng, chưa đẹp là bình thường. Nhà trường không nên buộc giáo viên và HS kỳ đầu lớp một phải tuân thủ các yêu cầu vở sạch chữ đẹp, vì điều này thực sự làm hại trẻ hơn là có lợi. Cả cô giáo, cha mẹ không vì lo rèn nền nếp mà gò ép trẻ để rồi làm thui chột sự phát triển. Người lớn cần nhẹ nhàng, phải động viên, cổ vũ hết sức, không chê bai trẻ trong bất kỳ tình huống nào.
Làm sao các em được thoải mái, để tạo niềm hứng thú cho trẻ đến trường, để giảm áp lực cho trẻ trong việc học hành? Đây là một câu hỏi nan giải đối với các bậc phụ huynh, những người không hề muốn con cái của mình căng thẳng trong việc học hành. Trong khi đó, nhà trường, giáo viên cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng để các “sinh viên nhí” được đến trường với tâm lý, tinh thần thoải mái, với một cơ thể khỏe mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của các em, đến thế hệ tương lai.
Nguồn :
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/
http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/giaoduc/
http://www.thanhnien.com.vn/news/
http://www.anninhthudo.vn/
htttp://www.tuoitre.com.vn
Link bài viết: TCPT-28
(Dân trí) - Cũng ê a giọng đọc, cũng ồn ã giành nhau lên bảng, lớp học của chùa Liên Hoa là nơi nuôi dưỡng ước mơ đi học của hàng trăm đứa trẻ nghèo ở xóm nhập cư dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM).
Trả lờiXóa(Dân trí) - Cũng ê a giọng đọc, cũng ồn ã giành nhau lên bảng, lớp học của chùa Liên Hoa là nơi nuôi dưỡng ước mơ đi học của hàng trăm đứa trẻ nghèo ở xóm nhập cư dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM).
Trả lờiXóa