1/ Thế nào là Dân chủ?
2/ Chính trị là gì, tại sao phải quan tâm tới chính trị?
3/ Háo danh, tham lợi, bất mãn... có nên trở thành chính trị gia?
4/ Vi phạm pháp luật, dù là luật rừng, cũng cần phải trừng trị thích đáng?
5/ Dân chủ giống và khác với chống Cộng ở điểm nào?
6/ Dân chủ là tư tưởng Tây Phương, không thích hợp với phương Đông...
7/ Đồng ý dân chủ là tốt, là cần thiết - dưng mà dân trí kém quá, làm bây giờ loạn mất...
8/ Làm gì thì làm, đừng vạch áo cho người xem lưng, đừng nói xấu Việt Nam trước thế giới!
9/ Đóng góp cho đất nước về khoa học kỹ thuật thôi, chính trị đừng có đụng vào!
10/ Phát triển kinh tế trước đi, rồi hẵng dân chủ hóa
11/ Việt Nam đang đi lên với tốc độ cao, thay đổi thể chế làm gì?
12/ Tôi có nên ơn Đảng, ơn Chính phủ không?
13/ Yêu nước là phải yêu XHCN!
14/ Chủ nghĩa Marx-Lenin là vô địch, là con đường duy nhất cho Việt Nam
15/ Thành phần phe dân chủ toàn dân hải ngoại chống Cộng...
16/ Các bác dân chủ toàn làm chính trị sa-lông, ngồi nói phét là giỏi, chẳng có ích gì cho xã hội...
17/ Dân chủ đa đảng gắn liền với bạo động li khai:
18/ Đa Đảng là đấm đá ra trò, là xung đột quyền lợi...
19/ Đa Đảng dễ bị nước ngoài gây ảnh hưởng...
20/ Đảng CSVN là sự lựa chọn của lịch sử...
21/ Mẽo cũng còn đầy vấn đề, theo chân nó làm gì khi chính nó cũng không giải quyết hết được các bất cập xã hội...hay Cả thế giới gặp vấn đề tham nhũng, nói gì tới Việt Nam
22/ Những tham nhũng và sai phạm kia chỉ là một vài con sâu trong Đảng, còn Đảng vẫn rạng ngời mà không chói lóa
23/ Tại sao lại gọi Đảng viên Đảng CSVN là "tư bản đỏ"? Giai cấp này có bản chất và nhược điểm gì?
24/ Tại sao các bác dân chủ cứ nhè chủ nghĩa Marx-Lenin mà nói xấu?
**************
1/ Thế nào là Dân chủ?
Ngắn gọn kiểu cụ Hồ: "Là thể chế để dân làm chủ".
Theo cụ Churchill, "đây là thể chế chính trị tồi, nhưng trong lịch sử loài người thì chưa có thể chế nào hơn được nó".
Hô hào suông "Nhà nước tôi là nhà nước của dân, do dân và vì dân" thì cực dễ, nhưng muốn thực hiện nó thật sự thì bắt buộc phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định nhằm hạn chế quyền lực. Thể chế dân chủ tốt phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, phải đảm bảo quyền tự do phát biểu của người dân. Muốn thế phải có đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí và tự do lập hội, các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng...
Muốn dài dòng hơn thì mời vào đây đọc:
Thế nào là dân chủ?
Nhà nước Pháp trị
Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội
Dân chủ - nhà nước pháp trị - tự do cá nhân là gì?
2/ Chính trị là gì, tại sao phải quan tâm tới chính trị?
Định nghĩa theo Wiki tiếng Anh: "Chính trị là tiến trình một nhóm người đưa ra quyết định. Mặc dù thuật ngữ này thường ám chỉ hoạt động của chính quyền ở cấp quốc gia, nhưng chính trị cũng tồn tại trong tất cả các nhóm người có tương tác với nhau khác như doanh nghiệp, trường học hay nhóm tôn giáo..."
Theo định nghĩa này, mỗi khi các bác góp ý với sếp trong cơ quan về hoạt động của phòng ban mình, là các bác đã tham gia hoạt động chính trị. Không nhất thiết phải trở thành Thủ tướng hay Đại biểu quốc hội mới là tham gia chính trị. Viết báo bàn về việc xử lý ô nhiễm nước hồ Tây cho cộng đồng tham khảo cũng là hoạt động chính trị.
Vì chính trị là tiến trình đưa ra quyết định cho một nhóm người, trong đó có các bác nên các bác buộc phải tham gia. Khi có lương, sếp quyết định cho hai kỹ sư theo tỷ lệ 9:1, các bác được 1 mặc dù làm nhiều việc cực nhọc hơn anh bạn cùng phòng kia. Các bác nêu lên sự bất công đó, đó là làm chính trị để đảm bảo quyền lợi của mình.
Suy rộng ra, lý do để một cá nhân tham gia chính trị ở tầm quốc gia cũng vậy. Đó là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và gia đình. Phản đối tăng giá xăng, đòi tăng lương cơ bản, đòi ngân sách lớn hơn cho giáo dục blah blah blah là những hoạt động chính trị rất thiết thực cho bản thân mình
3/ Háo danh, tham lợi, bất mãn... có nên trở thành chính trị gia?
Chính trị gia cần phải được nhìn nhận như một nghề nghiệp, giống anh bán phở hay bác bơm xe đầu đường. Tôi đồng ý để anh phục vụ cộng đồng, với mục đích gì thì tôi không quan tâm, miễn là anh phục vụ tốt mục đích của tôi. Xét cho cùng, đố các bác tìm ra một chính trị gia làm việc vì đất nước vì dân tộc vì lý tưởng vĩ đại, mà không vì... mình! Nếu các bác nghe nói tới một người như thế, hãy xem lại cẩn thận, khéo kẻo bị nó lừa
Tuy không quan tâm tới mục đích anh trở thành chính trị gia, nhưng tôi lại đặc biệt quan tâm tới hoạt động của anh trong vai trò chính trị gia. Anh có thực hiện được những hứa hẹn của mình không? Anh có dấu hiệu bán rẻ quyền lợi của tôi để đạt quyền lợi của cá nhân anh không? Anh có lạm dụng hay ăn cắp của công không? Chỉ cần anh có dấu hiệu để tôi bất tín nhiệm là anh biến, tôi kiếm người khác ngay.
Dân chủ là thể chế cho phép tôi theo dõi hoạt động của các chính trị gia, tước bỏ quyền lực của họ nếu cần, chọn người phù hợp hơn lên thay thế.
4/ Vi phạm pháp luật, dù là luật rừng, cũng cần phải trừng trị thích đáng?
Sai!
Trong thế giới văn minh, tất cả mọi người đều phải tôn trọng pháp luật, và sai phạm cần phải bị trừng trị thích đáng. Nhưng đó mới là một nửa vấn đề. Điều kiện đủ là pháp luật đó phải "do người dân tạo ra, phục vụ lợi ích của chính họ". Luật rừng do một Đại Ca (hay Vua, hay một Đảng phái) áp đặt cho người khác một cách không công bằng thì không thể bắt người khác tôn trọng nó được.
5/ Dân chủ giống và khác với chống Cộng ở điểm nào?
Dân chủ giống chống Cộng ở chỗ, nó không chấp nhận "sự lãnh đạo toàn diện" của Đảng Cộng Sản. Dân chủ phản đối sự độc tài quyền lực, nhồi nhét tư tưởng một chiều, kiểm duyệt thông tin và pháp luật tùy tiện. Một Đảng lãnh đạo là trái với các nguyên tắc cơ bản của dân chủ, không đảm bảo được vai trò làm chủ của người dân.
Dân chủ khác với chống Cộng ở chỗ, chúng tôi không thù oán với Đảng CS, không có ý định lật đổ rồi tận diệt nó. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Đảng CS để dân chủ hóa đất nước. Nếu Đảng CS chấp nhận thay đổi, từ bỏ độc quyền và chấp nhận cạnh tranh chính trị, đa nguyên đa đảng, tự do báo chí; thì họ rất có thể sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo trong thể chế dân chủ tương lai.
Về nguyên tắc, đấu tranh cho một xã hội đa nguyên đa đảng, tự do ngôn luận không phải là chống Cộng. Nhưng đối tượng bị phe dân chủ tấn công lại chính là Đảng CS với học thuyết Marx-Lenin ủng hộ thể chế độc tài toàn trị, thành ra phe dân chủ vẫn thường bị xếp vào mục "chống Cộng"
Oan hơn thị Mầu!
6/ Dân chủ là tư tưởng Tây Phương, không thích hợp với phương Đông...
Chủ nghĩa Marx-Lenin cũng không phải là tư tưởng của phương Đông.
Phim ảnh, báo chí, nhà tầng, xe hơi, sex hay các chuyên ngành khoa học và kinh tế... đều là made in Tây Phương đã được chúng ta chấp nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng. Không lẽ dân chủ là một ngoại lệ?
Cách đây 60 năm, cụ Hồ và Đảng CSVN đã lập ra một chính phủ và một hiến pháp dân chủ đầu tiên ở Việt Nam, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dân trí thấp kém hơn nhiều so với hiện nay. Dân chủ đã từng là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ cha ông chúng ta trước đây, không có lý do gì để chúng ta nghi ngờ nó ở thế kỷ 21...
Thread tìm hiểu thêm về Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cách đây hơn 60 năm:
Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cách đây 60 năm
Hiến Pháp Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1946)
Những câu nói về dân chủ của Hồ Chí Minh
7/ Đồng ý dân chủ là tốt, là cần thiết - dưng mà dân trí kém quá, làm bây giờ loạn mất...
Ờ, thì chúng ta cùng trì hoãn dân chủ - đa đảng, đợi dân trí khá lên. Nhưng không thể trì hoãn xây dựng dân trí thích hợp cho xã hội dân chủ văn minh. Chúng ta chấp nhận Đảng CS tạm thời vẫn độc quyền lãnh đạo xã hội, nhưng không thể chấp nhận việc họ ngăn cấm chúng ta bàn về chính trị, trao đổi các tư tưởng tiến bộ để nâng cao dân trí.
Chúng ta không thể chờ đợi Đảng CSVN ban ơn cho chúng ta về dân trí. Chiến tranh đã lùi xa hơn 20 năm nay (cứ giả sử lấy mốc cuộc chiến 1984 với Trung Quốc là cuộc chiến cuối cùng), vậy mà dân trí còn thua thời 1945, diễn đàn vẫn tràn ngập các HVB (Hồng Vệ Binh) thế này. Thử hỏi cứ phó thác cho Đảng và Nhà nước, thì sẽ phải cần bao lâu nữa để dân trí tới tầm để Việt Nam có dân chủ?
Khi đã hiểu dân chủ cần thiết như thế, và dân trí là rào cản dân chủ - sao các bác còn đứng ngoài dèm pha? Sao không góp một tay nâng cao dân trí cùng với chúng tôi nhỉ?
8/ Làm gì thì làm, đừng vạch áo cho người xem lưng, đừng nói xấu Việt Nam trước thế giới!
Thế giới họ không mù để phải có các nhà dân chủ Việt Nam hướng dẫn, họ mới hiểu Việt Nam tốt xấu ra sao. Chính quyền Bắc Hàn, một quốc gia kín cổng cao tường, nơi có các nhà bất đồng chính kiến bị thủ tiêu hay mọt xương trong các trại giam, vẫn bị thế giới lên án vì những hành vi vô nhân đạo. Các tờ báo, các doanh nghiệp cũng như chính phủ nước ngoài có nhiều con đường riêng của họ để tìm hiểu thông tin nội tình Việt Nam. Không phải các nhà dân chủ im tiếng là Việt Nam sẽ trở nên tốt đẹp trong mắt họ.
Hãy tưởng tượng một tấm hình thế này nhé (bác nào có khiếu vẽ lại hộ thì tốt quá): Một thằng đang bôi bẩn lên tường. Một người công dân có ý thức đi qua nhìn thấy hô lên rằng "anh kia vẽ bẩn". Các bác HVB (Hồng Vệ Binh) đi qua, không thèm tìm hiểu ngọn nguồn đúng sai ra sao, kết luật công dân mẫu mực kia là đồ phản động, vạch áo cho người xem lưng!?! Tường bẩn là do kẻ xấu kia làm ra, nhưng người tốt đấu tranh với cái xấu đó lại bị coi là đồ mách lẻo, đúng là ở xã hội này giá trị đảo lộn hết cả rồi
Muốn cho thế giới thấy Việt Nam là một quốc gia văn minh và xứng đáng làm bạn với, cần phải biết lắng nghe những phản ánh của các công dân để trừng trị thích đáng những kẻ bôi bẩn bức tường kia. Chúng ta đang làm ngược lại, bảo vệ những kẻ bôi bẩn, còn bỏ tù những công dân; thế thì trách gì Việt Nam vẫn bị thế giới đánh giá là công dân hạng hai?!?
9/ Đóng góp cho đất nước về khoa học kỹ thuật thôi, chính trị đừng có đụng vào!
Một quan điểm thường thấy của các bác HVB (Hồng Vệ Binh) là: yêu nước thì làm ăn buôn bán, nghiên cứu khoa học để phục vụ lợi ích cộng đồng; còn chính trị thì tránh càng xa càng tốt!?!
Không có gì sai lạc hơn suy nghĩ này. Như đã nói ở trên, thể chế chính trị là cỗ máy lớn, các lĩnh vực khác chỉ là cỗ máy con trong đó. Việt Nam hiện nay còn nghèo nàn lạc hậu, nghiên cứu khoa học bí bét không phải vì chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi, những nhà kinh doanh có đầu óc; mà vì cơ chế chính trị hiện thời ngăn cản sáng tạo và phát triển đúng mức của dân tộc. (Có thể các bác HVB (Hồng Vệ Binh) không tin lời phe dân chủ, coi đây là sự khuyếch đại quá đáng. Nhưng các bác cứ thử lên Google tra "cởi trói" "cơ chế" xem tôi nói có đúng không? Lĩnh vực nào cũng đề nghị "cởi trói" - từ giáo dục, y tế, tiền lương, ngân hàng cho tới bóng đá, văn hóa... Không bị cơ chế trói buộc thì tại sao nhiều người đòi cởi trói vậy?)
Các doanh nghiệp và khoa học gia không chỉ cần biết cách buôn bán và nghiên cứu. Họ còn cần phải tư vấn cho nhà nước về những khiếm khuyết trong thể chế và pháp luật, để điều chỉnh cho phù hợp, đẩy nhanh tốc độ phát triển. Đó chính là tham gia hoạt động chính trị, vừa ích nước vừa lợi nhà, thiết thực không phím nào mà gõ cho hết..
10/ Phát triển kinh tế trước đi, rồi hẵng dân chủ hóa
Dân chủ và kinh tế giống hai chân - phải song hành. Nghèo quá mà dân chủ thì cũng không bền, thống kê cho thấy các nền dân chủ quay đầu lại thành độc tài thường xuất hiện ở các nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp. Ngược lại, thiếu tư duy dân chủ thì kinh tế cũng èo uột, phát triển không bền vững. Mối liên hệ giữa dân chủ và phát triển kinh tế sẽ được đề cập trong một câu hỏi kế tiếp.
Phe dân chủ không phản đối phát triển kinh tế. Chúng tôi cổ vũ các doanh nhân, nếu có khả năng, hãy đóng góp cho đất nước bằng hoạt động của doanh nghiệp mình. Nhưng chúng tôi phản đối các doanh nhân nhắm mắt nhắm mũi phát triển kinh tế, mà không quan tâm tới chính trị và đạo đức. Họ đang nhắm mắt tiếp tay cho tham nhũng làm nghèo đất nước, đang đầu độc thế hệ tương lai bằng những dòng sông rác và bầu không khí đầy khói bụi. Doanh nhân, hay tầng lớp trung lưu, phải là đầu tầu giúp xã hội nâng cao dân trí, tham gia vào tiến trình dân chủ hóa. Như câu 9 đã đề cập, đó không phải là việc làm vô bổ, ôm rơm nặng bụng - mà gắn liền với quyền lợi của bản thân họ.
Tóm lại, nếu có khả năng thì đóng góp phát triển kinh tế - kỹ thuật. Nhưng phải để ý tới khía cạnh chính trị; và cũng đừng coi những người bàn về chính trị là bọn vô tích sự - họ có tác động gián tiếp tới nền kinh tế đó.
11/ Việt Nam đang đi lên với tốc độ cao, thay đổi thể chế làm gì?
Có hai nhầm lẫn trong lập luận này của các bác HVB (Hồng Vệ Binh):
Thứ nhất, sự phát triển của Việt Nam kể từ những năm đổi mới 1986 trở lại đây là vì lý do gì?
Thật đáng tiếc là sự phát triển của Việt nam kể từ 1986 lại không phải là kết quả của chủ nghĩa Marx-Lenin, mà ngược lại là kết quả của sự thay đổi thể chế đi xa con đường XHCN. Có thể nói, Việt Nam đạt được tốc độ phát triển nhanh là bởi vì Đảng CSVN giảm bớt độc quyền, cởi trói cho xã hội, chấp nhận cho người dân tự do và dân chủ hơn!
Đó không phải là nhìn nhận riêng đối với Việt Nam. Ông Hồ Thư Lập, chủ bút báo Tài Chính của Trung Quốc, có kết luật một câu ngắn gọn về sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc thế này:
Trích:
Tất cả các thành tích của cải cách kinh tế Trung Quốc từ 1978 có thể kết vào đúng một câu: "Giảm sự can thiệp trực tiếp của chính quyền và tăng vai trò làm chủ của thị trường"
Từ việc chấp nhận khoán sản phẩm thay vì hợp tác xã, kinh tế thị trường thay cho quan liêu bao cấp cho tới tiến trình xã hội hóa, mà thực chất là "tư nhân hóa", ngược lại quá trình "quốc hữu hóa" trước kia, Đảng CSVN và TQ đang quay trở lại với con đường bình thường mà các quốc gia phát triển đã và đang đi; chỉ trừ thể chế chính trị là họ chưa buông.
Cách làm này đã đem lại phát triển nhất thời, nhưng càng ngày càng có những dấu hiệu chậm lại và mất bền vững. Đó là nhầm lẫn thứ hai của các bác HVB (Hồng Vệ Binh):
Thứ hai, phát triển tốc độ cao có tốt không?
Chúng ta vẫn thường tự hào về tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta đứng thứ hai khu vực, chỉ sau có Trung Quốc. Rất tiếc, tốc độ tăng GDP chỉ phán ánh một phần câu chuyện, và nó không phải là cái đích chính để một quốc gia hướng tới. Cao là một yếu tố, nhưng quan trọng hơn phải là tính bền vững.
Phát triển bền vững (sustainable development) là phát triển sao cho đáp ứng được nhu cầu đời sống của xã hội hiện tại, nhưng không làm tổn hại tới đời sống của xã hội tương lai. Chúng ta "có lẽ" đã đáp ứng được vế đầu (mặc dù điều này rất đáng nghi vấn, đời sống nông thôn vẫn còn nhiều cực khổ) - nhưng dường như không có tầm nhìn ở vế sau.
Cách phát triển hiện tại của Đảng ta giống như một ông nông dân chơi sang bán ruộng bán vườn để ăn chơi. Vì có tiền bán ruộng vườn, GDP của ông ta tăng vọt với tốc độ khủng khiếp, ông mua xe hơi mua điện thoại Vertu về làm cả làng cả xã choáng "Thằng cha này nghèo vượt khó mau quá!"
Số tiền thu được một cách dễ dàng nhanh chóng thì cả nhà cũng chi tiêu phóng tay. Ông bố đút túi một chút để chơi gái, thằng con cũng thủ một ít để đánh bạc, cả nhà yên tâm vì số tiền chắc chắn đủ dùng tới cuối đời mình.
"Đời cha ăn mặn, đời con khát nước", câu nói của các cụ ta quả không sai. Đến đời cháu ông nông dân kia, tiền bạc đã tiêu sạch, ruộng vườn không còn, họ đành phải lầm lũi đi kéo cầy thuê để trả nợ. Những thế hệ kế tiếp của người Việt cũng vậy. Họ sẽ làm gì ra tiền, làm gì để phát triển đất nước khi dầu mỏ và than đá đã được Đảng ta bán sạch để duy trì tốc độ phát triển hiện tại; khi các dòng sông con suối và cánh đồng đều ô nhiễm nặng? Chúng ta chẳng để lại di sản gì cho thế hệ tương, ngoại trừ những đống rác và những khoản nợ nước ngoài.
___________________________
Kết luận ở đây là gì? Phát triển chỉ đến khi người dân tự do hơn, luật pháp được tôn trọng hơn.
Dân chủ sẽ giúp phát triển được bền vững và hiệu quả. Trong câu chuyện nói trên, nếu ông nông dân được giám sát về chi tiêu, đảm bảo đầu tư hợp lý, thì có thể ông ta đã mang lại nhiều tiền hơn cho con cháu của mình. Thế hệ kế tiếp sẽ có tài sản thừa kế thay vì những gánh nặng khổng lồ. Chúng ta có thể tiến chậm hơn, nhưng cũng sẽ chắc chắn hơn!
Đó là lý do tại sao Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách chính trị theo hướng dân chủ, mặc dù đã và đang có GDP nhất nhì khu vực!
12/ Tôi có nên ơn Đảng, ơn Chính phủ không?
Tất nhiên là không! Bị dở hơi à?
Thế kỷ 21 rồi chứ có phải thời phong kiến nữa đâu mà "ơn Vua" "ơn Chúa"? Hãy nghĩ xem, từ chiến thắng dành độc lập cho tới phát triển kinh tế, việc gì cũng là dân, vâng chính người dân trong đó có gia đình các bác, góp mưu góp sức, thậm chí góp cả tính mệnh, vào thực hiện. Người chúng ta cần biết ơn phải là nhân dân, là bố mẹ ông bà, những người lăn lưng ra lao động nuôi mình, chứ không phải Đảng hay Chính phủ!
Có bác bảo: Đảng và Chính phủ xây trường, xây bệnh viện, giảm chi phí giáo dục và chữa bệnh cho chúng ta, nên chúng ta phải biết ơn! Họ có làm điều đó bằng tiền túi của họ đâu cơ chứ? Họ đang dùng tiền thuế của bố mẹ các bác, dùng tài nguyên thiên nhiên (là sở hữu chung của xã hội) để làm, rồi bắt các bác biết ơn - giống như các cụ ngày xưa gọi là "mượn hoa cúng phật".
Nếu coi xã hội là một công ty, thì quan chức cần phải được xem như những giám đốc "làm thuê". Chúng ta thuê họ về để giúp chúng ta quản lý tài sản quốc gia, đưa ra những quyết định có lợi cho đất nước. Còn nếu họ không làm được thì sa thải, kiếm người khác thay. Đừng coi họ là thần thánh, là vua chúa không thể bị thay thế hay nói "xấu", như thế Hai Lúa cổ hủ lắm!
13/ Yêu nước là phải yêu XHCN!
Không nhất thiết! Cụ Võ Văn Kiệt nói có nhiều cách yêu nước, không phải cứ yêu CNXH mới là yêu nước.
Yêu nước không nhất thiết chỉ được nói những cái đẹp ca ngợi đất nước. Đấu tranh nói lên những cái xấu để tiêu diệt chúng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước cũng là một cách yêu nước.
Bảo vệ giai cấp lao động, người nghèo với lý tưởng XHCN là một cách yêu nước. Nhưng muốn đất nước phát triển, chúng ta cũng cần tầng lớp thương nhân, tư sản và trí thức - vậy ai đó theo con đường TBCN bảo vệ những người này cũng thể hiện lòng yêu nước của mình.
Yêu nước còn là yêu đồng bào mình. Không thể vì họ khác quan điểm mà coi họ như kẻ thù cần phải thóa mạ và loại bỏ thẳng tay - như thế không thể gọi là yêu nước. Câu này có lẽ không chỉ đúng với các bác HVB (Hồng Vệ Binh), mà còn cả với các bác chống Cộng nữa
14/ Chủ nghĩa Marx-Lenin là vô địch, là con đường duy nhất cho Việt Nam
Wake up, man! Đến giờ này mà các bác còn tin vào CHXN, mộng du mất rồi!
Hệ thống XHCN trên thế giới đã sụp đổ gần hết, chỉ còn 4 nước thoi thóp là Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và Bắc Hàn, điều này đã chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa Marx-Lenin. Trên thực tế chỉ còn 2 ông Cuba và Bắc Hàn là thủy chung với chủ nghĩa Marx, nhưng cả hai đều vật vờ chết đói. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam chỉ còn cái vỏ XHCN, trong ruột TBCN từ lâu rồi.
Ai quan tâm tới nguyên nhân tại sao XHCN hứa hẹn thiên đường, nhưng làm theo nguyên tắc này sẽ dẫn tới địa ngục thì đọc ở đây:
Con đường dẫn tới chế độ nông nô - F.A. Hayek
Chia tay ý thức hệ - Hà Sĩ Phu
Suy tư 90 - Nguyến Kiến Giang
Karl Marx 101
Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong - Bàn về lý thuyết Nhà nước của Karl Marx
Nếu các bác HVB (Hồng Vệ Binh) băn khoăn thay CNXH bằng gì thì đọc ở đây:
Dân chủ - Xã hội là gì? (phần thứ nhất)
Dân chủ - Xã hội là gì? (phần thứ hai)
Dân chủ Xã hội (Social Democracy) - Phần thứ nhất
Dân chủ xã hội là một hình thức lai ghép của hai thế giới: XHCN và TBCN. Điểm quan trọng nhất: nó dựa trên thể chế dân chủ để đảm bảo quyền lợi và bình đẳng cho người nghèo. Một số quốc gia phát triển vào bậc nhất thế giới đi theo mô hình dân chủ xã hội, điển hình là Bắc Âu.
15/ Thành phần phe dân chủ toàn dân hải ngoại chống Cộng...
Không chính xác!
Cuộc đấu tranh đòi tự do - dân chủ khởi phát ở Việt Nam từ thời cụ Phan Chu Trinh, theo sau đó còn có... cụ Hồ và các chiến sĩ cách mạng cộng sản khác. Cứ đọc lại những bức thư hay bài báo của ông cụ đòi bọn Pháp dân chủ ở Việt Nam, các bác sẽ thấy chả khác quái gì yêu cầu của cụ Hoàng Minh Chính hay luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cả. Mà tôi chắc chắn ông cụ không thể bị liệt vào hàng "dân hải ngoại chống Cộng":
Tư liệu: những bức thư của Hồ Chủ Tịch
(Trộm vía, bức thư này mà được gửi lên tổng thống Bush vào thời điểm này thì khéo ông cụ dừ đòn với các bác HVB (Hồng Vệ Binh): Bôi nhọ đất nước, dân chủ xa lông, hám danh, ăn tiền của hải ngoại để làm tay chân cho bọn chúng blah blah blah... Rồi ký giả báo An Ninh Thế Giới lại có khối việc để làm )
Một bản tóm lược những sự kiện và con người liên quan đến vận động dân chủ ở Việt Nam nằm ở đây:
Dự án Khảo cứu Lịch sử Cận đại của Việt Nam
Nếu chịu khó đọc thì các chiến sĩ HVB (Hồng Vệ Binh) của chúng ta có thể thấy trước năm 1975 đã có những tiếng nói đòi tự do - dân chủ ở miền Bắc. Và sau đó, khá nhiều nhân vật có tiếng trong phong trào dân chủ lại là người Việt trong nước, như Hà Sĩ Phu, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang... Thậm chí có cả những quan chức cao cấp của chính phủ và quân đội như Viện trưởng viện Triết học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính, Trung tướng Trần Độ, và nhiều tướng lĩnh quân đội khác (mà nghe đâu bác Võ Nguyên Giáp cũng dính vào)...
Hiện nay ngày càng nhiều những nhóm trong nước lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ. X-cà được sáng lập bởi mấy thanh niên trẻ trong nước bên ddth.com, và sau này chuyển sang server mới cũng do những người Việt quốc tịch Việt Nam đàng hoàng quản lý. Nếu các bác HVB (Hồng Vệ Binh) còn nghi ngờ thì để tôi copy hộ chiếu của tôi đưa lên.
16/ Các bác dân chủ toàn làm chính trị sa-lông, ngồi nói phét là giỏi, chẳng có ích gì cho xã hội...
Như đã nhìn nhận ở trên, dân trí là rào cản đối với dân chủ. Để có thể diễn đạt cho chính xác hơn, thì phải kể câu chuyện cười thế này:
Trong phim Anh em nhà Super Mario, có một thế giới khủng long ngầm ở dưới đất, cầm đầu là một con khủng long bạo chúa rất thông minh và độc ác. Nó thường sai lính của mình đi làm việc, và bọn lính này rất ngu, chỉ biết vâng lời nhưng lúc nào cũng làm hỏng việc. Một hôm, khủng long bạo chúa bực quá quyết định "nâng cấp" trí tuệ cho 2 chú lính, để làm việc cho khỏi hỏng. Vừa bước ra khỏi máy "tiến hóa", hai con khủng long lính đã thông minh hơn kia hỏi ngay: "Tại sao chúng tao phải đi hầu hạ cho mày?"
Thế có nghĩa là khi dân trí đủ cao, người dân sẽ tự đòi những quyền lợi của mình, tự thấy họ không có nhiệm vụ phải tuân phục chế độ độc tài. Phong trào dân chủ cần thay đổi tâm lý "nô lệ" của người dân, biến họ thành những "công dân" dám chất vấn chính quyền như hai chú khủng long lính kia.
Tùy khả năng mỗi người mà các cá nhân ủng hộ tự do - dân chủ sẽ hành động. Những người chủ trương hành động như Nguyễn Tiến Trung có thể lập hội, nhóm và về nước hoạt động. Những người chủ trương giáo dục từ từ (như tôi ) thì ngồi viết bài bàn luận. Mỗi cách có ưu và nhược điểm riêng, nhưng không thể nói là "ngồi nói phét thế này không thay đổi được gì".
Muốn có sự thay đổi rộng rãi trong nước, cần có quá trình chuẩn bị tâm lý. Theo Hegel, xã hội chỉ hành động khi cách suy nghĩ cũ bị đào thải, nếp suy nghĩ mới trở nên phổ biến. Chẳng hạn, nếu cả xã hội còn tâm lý phong kiến "ơn Vua", tránh né "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" thì Đảng CSVN vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Những câu chuyện bức xúc hàng ngày trên X-cà nhằm thay đổi những tâm lý cổ lỗ nói trên, tức là có những hiệu quả riêng của nó.
Quá trình chuẩn bị tâm lý này lâu và buồn tẻ, nhưng không phải không có tiến bộ. Nếu trước đây, việc tham gia một diễn đàn như X-cà là điều phải làm dấm dúi thì nay đã có nhiều thành viên công khai danh tính. Tôi tin rằng đã có nhiều thành viên diễn đàn này đem những gì mình thu nhận được ở đây để truyền bá ở nơi khác. Làn sóng dân chủ hóa tuy chậm, nhưng cứ đà này, sẽ tới sớm hơn là ngồi im đợi Đảng ban hồng ân.
17/ Dân chủ đa đảng gắn liền với bạo động li khai:
Mời các bác đọc bài viết sâu sắc về vấn đề này của bác ThanhNam:
Mối liên hệ giữa dân chủ và vấn đề li khai, mâu thuẫn sắc tộc, khủng bố
Theo tôi, độc tài không giải quyết vấn đề li khai tốt hơn dân chủ. Nó chỉ tạm thời kìm nén vấn đề cho tới khi căng thẳng vượt quá ngưỡng có thể kìm nén được, nổ bung ra; hoặc khi thể chế độc tài tan rã. Sự yên ổn của Iraq dưới sự lãnh đạo của Saddam Hudsen có thể so sánh với sự "bình yên" trong nhà tù, và khi nhà tù đó sụp đổ, đám tù nhân sẽ lại tiếp tục chia phe lao vào cắn xé nhau với hận thù cao hơn bởi sự ngột ngạt và tàn bạo của nhà tù kia.
Ngược lại, với những quốc gia tương đối ổn định, ít có mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc và yêu cầu li khai (chẳng hạn như Việt Nam), độc tài lại trở thành nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn đó. Khác với độc tài, dân chủ cho phép người dân phát biểu ý kiến, và đảm bảo ý kiến của họ được lắng nghe. Điều này đóng vai trò như một van xả giúp từ từ giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội.
Nếu vấn đề của nông dân Thái Bình sớm được lắng nghe và giải quyết, bạo động đã không nổ ra ở đây vào năm 1997. Bởi vì thiếu cơ chế giải quyết mâu thuẫn hiệu quả, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang đau đầu che dấu những bất ổn mỗi ngày một lớn, chẳng hạn như vụ tấn công ở Shengyou. Chính quyền độc tài có thể cứng rắn xử lý những vụ việc đó, không để lan rộng - Tốt! Nhưng nếu có thể gỡ ngòi những quả bom đó trước khi chúng phát nổ thì còn hay hơn...
18/ Đa Đảng là đấm đá ra trò, là xung đột quyền lợi...
Đúng! Nhưng đó là một đặc tính cần thiết cho phát triển...
Lý thuyết chọn lọc tự nhiên nói rằng chỉ có những con khỏe nhất, tối ưu nhất trong đàn mới có cơ hội tồn tại, những con yếu sẽ bị đào thải. Không chỉ lĩnh vực tự nhiên, mà trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, cạnh tranh cũng đã được chứng tỏ là động lực phát triển. Thị trường cần có sự đấm đá, xung đột quyền lợi giữa các công ty để đem lại sản phẩm tốt nhất với giá rẻ nhất cho khách hàng. Các cuộc thi thể thao hay ca nhạc cũng cần có sự so tài giữa các ứng cử viên để tìm ra người khỏe nhất, đẹp nhất...
Trên thực tế, các quốc gia dân chủ sử dụng thể chế đa nguyên đa đảng chính là để... cho các đảng phái đối lập đánh lộn cắn xé lẫn nhau. Đấu đá càng khắc nghiệt, các đảng phái càng phải chú trọng nâng cao chất lượng Đảng viên, kiện toàn bộ máy cho tối ưu, xử lý các vấn đề khôn khéo và tới nơi tới chốn để đối thủ không thể lợi dụng bêu xấu. Các đảng phái đối lập cũng biến thành những tên gián điệp rình mò sơ hở của đối phương, và như thế hoạt động thanh tra kiểm tra chính phủ sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Chớ nghĩ rằng trong thể chế độc đảng thì không có đấm đá và xung đột quyền lợi. Chỉ có điều chúng nằm trong bóng tối mà người dân không được biết tới. Đây chính là sự khác biệt giữa dân chủ đa đảng và độc tài. Cạnh tranh phải đi kèm với minh bạch thì mới có tác dụng. Bởi vì thiếu minh bạch, đấm đá và xung đột quyền lợi trong thể chế độc đảng có thể là những "cú đấm dưới thắt lưng", vi phạm pháp luật và không có lợi cho dân cho nước. Khi ý kiến người dân không phải là thước đo thành bại, thì những người nhẫn tâm hơn, thủ đoạn hơn, thiếu trung thực hơn cũng sẽ dễ leo cao hơn.
19/ Đa Đảng dễ bị nước ngoài gây ảnh hưởng...
Sai!
Thứ nhất, dù độc đảng hay đa đảng thì một quốc gia cũng không tránh khỏi sự phụ thuộc vào các nước lớn trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Xem Độc lập là một khái niệm hẹp của tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Thứ hai, dân chủ đa đảng cho phép lựa chọn chính sách đối ngoại phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng. Một đảng phái có ý định bắt tay với quốc gia không được sự đồng tình của dân chúng thì khó có khả năng nhận được sự ủng hộ đông đảo. Đảng cầm quyền có ý định thực thi các chính sách có lợi cho nước ngoài, nhưng bất lợi cho nhân dân trong nước cũng sẽ không yên với các đảng phái đối lập và tổ chức quần chúng. Họ khó có cơ hội tái cử, nếu đi ngược lại ý kiến số đông.
Ngược lại, độc đảng là mảnh đất lý tưởng để nước ngoài can thiệp gây ảnh hưởng. Trong lịch sử Trung Quốc, các quốc gia đối nghịch đã dễ dàng triệt hạ những anh hùng dân tộc của quốc gia kia bằng cách mua chuộc một vài vị trí cao cấp có khả năng tác động tới đảng cầm quyền duy nhất (hihi, thời đó là các ông vua, thời nay là Bộ Chính trị). Dư luận của việc mất đất mất biển của Việt Nam cũng khiến người ta đặt câu hỏi có hay không những người ở cấp cao trong Đảng CSVN vì lợi ích cá nhân đã chịu sự tác động của nước ngoài?
20/ Đảng CSVN là sự lựa chọn của lịch sử...
Dớ dẩn hết sức!
Nhà Trần cũng đã từng là "lựa chọn của lịch sử": phế bỏ nhà Lý hủ bại rồi liên tiếp ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông làm rạng danh lịch sử Việt Nam... Ấy vậy mà cuối cùng cũng "đội nón ra đi" khi vua Trần Dụ Tông bỏ bê triều chính để ăn chơi sa đọa, quan lại thì tham nhũng áp đặt sưu cao thuế nặng làm dân chúng khổ cực (nếu vua Trần Dụ Tông biết nghe theo Thất Trảm Sớ của Chu Văn An mà tiêu diệt bọn tham quan thì có lẽ nhà Trần không mất - nhưng đời nào vua lại phải nghe bọn phản động bôi bác tình hình đất nước hihi).
Nhà Nguyễn cũng đã từng là "lựa chọn của lịch sử" khi Nguyễn Ánh khai hoang mở đất rồi sau đó thống nhất đất nước. Kết quả cuối cùng vẫn bị nhân dân lên án là bạc nhược bán đất bán biển cho Pháp và bị Việt Minh đá đít sang Pháp.
Công trạng của Đảng CSVN trong lịch sử không đảm bảo cho nó vị trí lãnh đạo đất nước vĩnh viễn. Trước anh là người tốt thì chúng tôi tôn kính đưa anh lên, sau này anh biến chất đè đầu cưỡi cổ chúng tôi thì chúng tôi lại lót lá chuối mời anh xuống, đơn giản vậy thôi!
21/ Mẽo cũng còn đầy vấn đề, theo chân nó làm gì khi chính nó cũng không giải quyết hết được các bất cập xã hội...hay Cả thế giới gặp vấn đề tham nhũng, nói gì tới Việt Nam
Một ngụy biện kiểu "Kiếm nhiều tiền làm gì, có cố thì cũng chẳng thể bằng Bill Gates được đâu". Tôi kiếm tiền để có cuộc sống sướng hơn so với quá khứ, chứ tôi so với Bill Gates làm gì
Xã hội nào cũng có vấn đề bất cập, đúng! Sự khác biệt giữa các quốc gia là các vấn đề đó nghiêm trọng và phổ quát hay chỉ là một số trường hợp cá biệt. Dân chủ đa đảng không giúp chúng ta xóa sạch 100% tham nhũng, nhưng nếu giảm được 50% so với hiện nay cũng là một thành quả đáng khích lệ rồi, phải không ạ?
22/ Những tham nhũng và sai phạm kia chỉ là một vài con sâu trong Đảng, còn Đảng vẫn rạng ngời mà không chói lóa (@Người Cộng Sản)
Ở các nước dân chủ, nếu người ta gắp được một hai con sâu trong Đảng cầm quyền là uy tín giảm sút rõ rệt, Đảng đó buộc phải nhanh chóng "làm thịt" sâu và thanh minh với thiên hạ. Những người bị dính tới cáo buộc tham nhũng coi như tiêu tan sự nghiệp chính trị, thậm chí mất mặt tới mức tự sát.
Trong khi đó, tỉ lệ sâu / rau trong Đảng và Nhà nước ta khá cao, theo thăm dò của Ban Nội chính Trung ương năm 2005, 1/3cán bộ công chức trả lời họ sẽ nhận và có thể nhận hối lộ nếu có người đưa!!! 69,1% cũng đồng ý một phần hoặc hoàn toàn rằng "nếu không tham nhũng sẽ bị loại"!!! Toàn là những con số rùng mình cả, nhưng không sao, Đảng ta vẫn tiếp tục ràng ngời mà không chói lóa!
Xử lý tham nhũng thì sao? Vụ chiếm đoạt đất đai ở Đồ Sơn được đánh giá là "cực kỳ nghiêm trọng" mà các bị cáo bị phạt...50.000 ĐỒNG, nhẹ hơn cả vượt đèn đỏ. Thanh tra giao thông Đỗ Hoàng Phương có sai phạm bị báo chí lên án, đã bị kỷ luật chuyển từ Đội giao thông số 2 về... công tác tại Đội Thanh tra giao thông số 1. Thiếu gia Đỗ Hoài Minh Phương sài vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ chỉ bị kỷ luật đuổi khỏi ngành... Có thể tìm ra vô khối những hành vi bao che, coi thường pháp luật và nhân dân của các cấp chính quyền trên mặt báo, nhưng không sao, Đảng ta vẫn tiếp tục rạng ngời mà không chói lóa trong lòng dân tộc Việt Nam! Bởi lẽ Đảng đã long trọng HỨA trước toàn dân là sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng - lời hứa này được lặp đi lặp lại mỗi kỳ đại hội Đảng (chả nhớ bao nhiêu kỳ rồi), nhưng tham nhũng kỳ sau cao hơn, to hơn kỳ trước...
Nói tóm lại, dân tộc Việt Nam phải đợi số quan tham chiếm 80-90% Đảng Viên, chúng ta mới có quyền kết luận đó là một Đảng hỏng, một thể chế sai lầm. Còn tình hình như hiện nay thì mọi việc vẫn ok chán.
23/ Tại sao lại gọi Đảng viên Đảng CSVN là "tư bản đỏ"? Giai cấp này có bản chất và nhược điểm gì?
Khái niệm "Tư bản đỏ" được bác Milovan Djilas đề cập trong cuốn "Giai cấp mới". Giai cấp mới được hình thành một cách tất yếu ở các quốc gia hoàn tất cuộc cách mạng XHCN, lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm kim chỉ nam:
Trích:
Hỏi: Giai Cấp Mới gồm những ai?
Đáp: Đó là một nhóm người trong đảng, có quyền quản lý và phân phối toàn bộ khối tài sản đã được quốc hữu hóa và tập thể hóa. Chính vai trò độc quyền quản lý và phân phối thu nhập quốc dân cũng như mọi tài sản khác của quốc gia đã biến tầng lớp này trở thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi.
Dựa trên một loại hình sở hữu đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử loài người, đó là "sở hữu tập thể", giai cấp mới chiếm đoạt thành quả lao động của xã hội, tự cho mình hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi to lớn. Để duy trì quyền lợi của mình, giai cấp mới tiếp tục phải sử dụng tới bạo lực và tuyên truyền. Điểm khác biệt giữa giai đoạn đầu và giai đoạn sau của cách mạng là, quyền lực, từ chỗ là mục đích [phải chiếm được quyền lực để cải thiện xã hội] trở thành phương tiện [là công cụ duy trì quyền lợi]. Tư cách của người đảng viên cũng thay đổi giữa hai thời kỳ:
Trích:
Từ bài viết của Milovan Djilas
Trước cách mạng, các đảng viên cộng sản có nghĩa là nghèo khổ về vật chất, thoát li hoạt động là vinh dự, thì giờ đây, khi đảng đã nắm được chính quyền, đảng viên đồng nghĩa với thành viên của giai cấp nắm quyền, hoạt động cách mạng đồng nghĩa với việc trở thành những kẻ bóc lột đầy quyền uy.
Hỏi: Giai Cấp Mới có những đặc điểm gì nổi bật?
Đáp: Một số đặc điểm quan trọng của Giai Cấp Mới này là:
1/ "Do sự bấp bênh về vị trí xã hội và kinh tế, cũng như xuất thân từ một đảng chính trị, giai cấp mới buộc phải cực kỳ cố kết, luôn hành động một cách có ý thức với một kế hoạch thật rõ ràng. Như vậy, giai cấp mới có tổ chức và ý thức hơn bất kỳ giai cấp nào trước đó".
2/ "Giai cấp mới cũng tham lam giống như giai cấp tư sản thời kỳ đầu, nhưng lại không cần cù và tiết kiệm bằng các nhà tư sản. Nó là tổ chức cố kết và khép kín, giống như giai cấp quý tộc, nhưng lại thiếu tâm hồn tinh tế và phẩm chất của người hiệp sĩ"
3/ "Quyền lực tạo ra cho những kẻ cầm quyền thói ham hố quyền lực, giả dối, nịnh bợ, ghen tị. Tham quyền và chủ nghĩa quan liêu là hai căn bệnh nan y của chủ nghĩa cộng sản".
4/ Quyền lực của giai cấp mới thể hiện qua khả năng kiểm soát tài sản xã hội và khả năng kiểm soát tư tưởng của dân chúng. Khi mất một trong hai, hoặc cả hai, quyền kiểm soát này, giai cấp mới sẽ lột trần và thủ tiêu: Mất quyền kiểm soát tài sản xã hội, nó sẽ mất đặc quyền đặc lợi, và lý do gắn kết giai cấp tan vỡ. Nếu mất khả năng kiểm soát tư tưởng, nó sẽ mất luôn lý do để kiểm soát tài sản xã hội, dẫn tới tan vỡ. Đó là đường hướng tạo ra xã hội dân chủ và tự do dưới xã hội cộng sản: Đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, thu hẹp kinh tế quốc doanh... Chính vì vậy, giai cấp mới bám dính lấy chủ nghĩa Marx giáo điều, độc quyền tư tưởng, xóa bỏ các hình thức sở hữu khác ngoài "sở hữu tập thể", bất chấp quyền lợi của đất nước để duy trì quyền lợi của mình.
Hỏi: Mâu thuẫn lớn nhất của Giai Cấp Mới là gì?
Đáp: Giai cấp mới không có chính danh: Nó chiếm đoạt và hưởng thụ tài sản của toàn xã hội, nhưng lại phải nhân danh "sở hữu tập thể", "tài sản xã hội chủ nghĩa"... tức là không được nói thật rằng tài sản này là của nó. Từ đây sinh ra chuyện "nói một đằng, làm một nẻo": Một mặt nó phải liên tục bảo vệ quyền sở hữu của mình, chiếm đoạt một cách bất công thành quả lao động của người khác; một mặt khác, nó lại phải leo lẻo lý thuyết XHCN, hứa hẹn công bằng và bình đẳng xã hội. Mâu thuẫn này sẽ ngày càng lớn, dẫn tới sự sụp đổ của giai cấp mới.
Những đòi hỏi tự do chính là những mũi kim đâm trúng tim đen giai cấp mới, lật tẩy bản chất của nó, là đòi hỏi quan hệ sở hữu phù hợp với pháp luật. Vì thế giai cấp mới chống lại mọi đòi hỏi về tự do nhân danh bảo vệ "xã hội chủ nghĩa".
Giai cấp mới duy trì một chế độ đàn áp cả về tinh thần lẫn kinh tế khiến cho người dân luôn sống trong sợ hãi, luôn lo sợ mình làm gì sai để biến thành "kẻ thù của chủ nghĩa xã hội". Điều này cũng giống như thời Trung cổ, người ta phải luôn chứng tỏ rằng mình là người trung thành với nhà thờ. Giai cấp mới đã đầu độc giết chết đời sống tinh thần của dân tộc mình, khiến con người ngu đần đi vì tuyên truyền, không còn nhận thức được sự thật và không vươn tới được các ý tưởng mới.
24/ Tại sao các bác dân chủ cứ nhè chủ nghĩa Marx-Lenin mà nói xấu?
Thứ nhất, vì chủ nghĩa này tệ hại thật, nên những phân tích về nó nghe như nói xấu.
Thứ nhì, Đảng CSVN dựa vào chủ nghĩa Marx-Lenin để duy trì sự độc quyền lãnh đạo của mình. Khi chứng minh được chủ nghĩa này sai lầm, cơ sở độc quyền của Đảng CSVN cũng không còn, chúng ta mới có thể xây dựng thể chế dân chủ (mời xem kỹ câu 23).
http://thelastsamurais.multiply.com/journal/item/53
Nhãn
Copyrights @ Journal 2014 - Designed By Templateism - SEO Plugin by MyBloggerLab
0 nhận xét:
Đăng nhận xét