Trước tình hình khô hạn những năm gần đây, một số nông dân trong tỉnh đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, mang lại hiệu quả vượt trội.
Anh Trang Tố Hữu (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, cách đây mấy năm, gia đình anh thuê lại hơn 30ha xoài Úc (thời kỳ thu hoạch ổn định) của Công ty EMU tại Khánh Vĩnh để kinh doanh. Tuy nhiên, việc tưới theo cách cũ tốn nhiều nước và công lao động, trong khi nguồn nước tại khu vực miền núi ngày một khan hiếm. Vì thế, khi biết được công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel mà Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh đang sử dụng, anh đã tìm hiểu, đầu tư cho trang trại của mình. Hệ thống tưới tiết kiệm nước bao gồm 2 phần chính: xây hồ trên cao để tạo áp lực đưa nước tưới vườn; hệ thống ống dây nhiều mức độ cho phép tưới đến từng gốc cây. Nguồn cung cấp nước có thể lấy từ suối hay giếng khoan. Anh Hữu chia sẻ: “Năm ngoái, nguồn nước tương đối dồi dào nên hệ thống sử dụng nước suối. Năm nay, nắng gắt, nguồn nước khan hiếm nên tôi phải đào giếng để lấy nước tưới...”.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho phép tưới nhỏ giọt từng gốc cây |
Để ứng phó với tình trạng khô hạn, khan hiếm nước, anh Hữu xây 3 bể nước khá lớn đặt ở vị trí cao (1 bể có dung tích 80m3, 2 bể còn lại, mỗi bể 30m3). Hệ thống đường ống lắp đặt nhỏ dần, từ đường kính 60cm giảm còn 15cm, khi tới gốc xoài thì chỉ là một ống dây nhỏ, tạo vòng tròn cách gốc 1m để ngày đêm rỉ nước nuôi cây. Tổng kinh phí đầu tư toàn hệ thống là 500 triệu đồng, bình quân 15 triệu đồng/ha (không tính kinh phí khoan giếng). Theo anh Hữu, tuy kinh phí lắp đặt ban đầu khá lớn nhưng rất đáng để đầu tư: “Vườn rộng hàng chục hecta, mỗi lần tưới cần 8 - 10 nhân công (chi phí 120.000 - 150.000 đồng/ngày/người) suốt 2 - 2,5 tháng trong thời kỳ cây xoài ra hoa và quả. Nhưng khi tưới giáp vòng thì diện tích ban đầu đã khô nên buộc phải tưới lại, rất tốn kém...”. Với cách tưới theo công nghệ Israel không chỉ giúp đưa nước tới cây một cách tiết kiệm, mà còn có thể đưa phân bón nuôi cây, không sợ thất thoát... Qua 1 năm, so sánh với tưới theo cách cũ, anh thấy đã tiết kiệm chi phí để có thể đầu tư một hệ thống mới. Hiện nay, sản lượng xoài ở trang trại của anh đạt bình quân 150 tấn/30ha. Có hệ thống tưới tiết kiệm, anh Hữu dự kiến sẽ sản xuất xoài trái vụ, đem lại lợi nhuận cao hơn...
Gần đây, trên nền tảng công nghệ này, một số nông dân đã cải tiến cho phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ. Ông Phan Quang Mai (thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) là một trong số đó. Ông Mai xây bể nước 12m3, đường ống có đường kính 49cm, giảm dần xuống 21cm, cuối cùng là ống ti-ô đục lỗ cho nước nhỏ giọt tưới 1,2ha xoài Úc. Theo ông Mai, chi phí cho 1.000m2 vườn như trên là 3,5 triệu đồng (kể cả xây bể chứa). Nếu so sánh với hệ thống tưới của anh Hữu thì chi phí còn cao, nhưng đây là cách làm phù hợp với sản xuất quy mô nhỏ, nông dân tự đầu tư chứ không nhờ đến các doanh nghiệp thi công.
Theo ông Mai Xuân Thương - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh, hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức tới để học hỏi cách thức tưới tiết kiệm nước mà đơn vị đã đầu tư từ năm 2008. Mô hình đầu tư mới đây tại huyện Khánh Vĩnh đang tỏ ra hiệu quả trong tình hình khô hạn hiện nay. Hệ thống không chỉ tưới tiết kiệm nước trên một đơn vị diện tích, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như: sử dụng đơn giản, có thể đưa phân bón, chất dinh dưỡng nuôi cây rất hữu hiệu, tưới tập trung, tránh cỏ dại tranh nước, tranh phân với cây, điều chỉnh được độ ẩm thích hợp để cây phát triển tốt... Tuy chi phí còn cao, chỉ phù hợp với người có tiềm lực tài chính, nhưng công nghệ tưới này cũng rất đáng khuyến khích phát huy tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa như huyện Khánh Vĩnh - nơi việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao còn khó khăn.
PHÚ LÂM (Báo Khánh Hoà)
http://tannongthinh.com/nd_dlth.aspx?muc=139&mboardname=dacn
Trả lờiXóahttp://www.congnghenhakinh.com/sp-he-thong-tuoi-tu-dong/tuoi-tu-dong-xoai.html
Xóahttp://www.congnghenhakinh.com/sp-he-thong-tuoi-tu-dong/tuoi-tu-dong-xoai.html
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa