Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Bảo Lộc - lặng lẽ nơi này!

Share
Nằm trên đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc nằm nép mình bên quốc lộ 20, cách Sài Gòn khoảng 200km, cách Đà Lạt 100km. Nhờ việc nằm gần hơn về phía Đà Lạt, lại được "đẩy" lên cao hơn trên đỉnh 1 ngọn đèo, nên Bảo Lộc không quá nóng nực như vùng dưới đèo, lại không quá lạnh lẽo như Đà Lạt mà được hưởng một khí hậu mát mẻ, hiền hoà.

Trong suốt bao năm đã qua của cuộc đời mình, tôi không thể đếm hết được mình đã đi ngang qua Bảo Lộc bao nhiêu lần.

Từ ngày còn bé xíu, mỗi mùa hè được đi Sài Gòn 1 lần, tôi đã ngang qua Bảo Lộc trên những chiếc xe than (xe chạy bằng 1 bình than nóng rực treo tòn teng ở cuối xe). Qua thời xe than, tân tiến hơn 1 chút là những chiếc xe đò sơn vàng, xộc xệch, chất đầy trên mui những sọt rau củ quả, nhét đầy dưới chân những giỏ hàng, cả gà, cả vịt. Cứ cách 1-2 tháng, lại nghe tin từ đâu đó dội về: có xe lật ở dưới đèo.

Và sau này nữa, khi xe cộ đã thoải mái, hiện đại hơn, tôi đi ngang qua Bảo Lộc bằng xe Ford, xe Coaster, xe chất lượng cao. Có 1 vài lần ngang qua Bảo Lộc bằng xe con 4 chỗ, lần nào cũng vật vờ, hãi sợ vì say xe luý tuý. Và gần đây, tôi ngang qua Bảo Lộc trên những chiếc xe máy, sản xuất bởi Tàu, bởi Suzuki, bởi Honda…

Và tất cả những lần đi ngang qua Bảo Lộc như thế đã để lại trong tôi một Bảo Lộc với 1 cái tên, 1 con đèo ngoằn ngoèo có 2 điểm dừng chân - 1 cho con chiên của Chúa và 1 cho các tín đồ của Phật mà tôi chỉ kịp liếc mắt khi chạy ngang qua. Bảo Lộc mà tôi đã qua trong suốt bao nhiêu năm chỉ vọn vẹn là 1 quãng đường mang tên Trần Phú nằm ngay trên Quốc Lộ 20 với cái nhà thờ mang tên Bảo Lộc và cái 1 cái hồ ven đường. Và Bảo Lộc một thời, những vườn dâu xanh lá, những nhà máy chế biến tơ tằm bóng mượt với bóng công nhân trong đồng phục trắng lấp loá giờ tan ca.

Một Bảo Lộc với “danh trà Đỗ Hữu” mà ông cụ hàng xóm đã pha vào mỗi buổi sáng suốt thời niên thiếu của tôi, một Bảo Lộc sau này có trà Trâm Anh, trà Tam Châu là điểm dừng chân cho khách qua đường với nhà vệ sinh, trà, cà phê miễn phí. Và một Bảo Lộc với những đồi trà, cà phê chập trùng trong nắng, trong mưa, trong sương chiều giá lạnh.


Tôi đã đi lướt qua Bảo Lộc trong chừng ấy năm, để đến ngày tôi nhìn lại, thấy mình thật tệ, thấy mình không thể đối xử với 1 vùng đất anh em với quê nhà mình bằng thái độ thờ ơ “lướt qua, liếc mắt”. Cho đến ngày tôi quyết định phải ghé qua, phải ở lại, phải cảm nhận – 1 lần.

Bảo Lộc đón tôi vào 1 ngày cuối năm nắng hanh vàng, khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Theo như kế hoạch, khi đến nơi, chúng tôi sẽ đi tìm khách sạn để nghỉ ngơi trước, sau đó sẽ bắt đầu thăm thú loanh quanh Bảo Lộc, cho ngày đầu tiên, lần đầu tiên. Các điểm khác sẽ được “đào sâu nghiên cứu” vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, khoảng cách chỉ 200km từ Sài Gòn làm chúng tôi đến Bảo Lộc rất sớm, chỉ vào khoảng 3 giờ chiều, với món nắng vàng, và gió mát mơn man, chúng tôi không cầm được lòng lượn 1 vòng nhỏ.

Chợ Bảo Lộc không lớn. Thị xã sắp lên cấp thành phố này có các con đường lớn, công viên thênh thang, nhiều cây xanh. Nếp sống hiền lành, không xô bồ, ồn ào. Vừa qua khỏi chợ khoảng 300m là đã qua khỏi sự ồn ào mua bán, chỉ còn lại không khí êm ả của cuộc sống dân thường. Có người bạn đang ở thác Đambri í ới gọi, chúng tôi quyết định hẹn gặp nhau ở Tu Viện Bát Nhã.

Hỏi đường vài người dân, chúng tôi được chỉ tận tình 2 quẹo trái, 1 quẹo phải ngay nhà thờ lớn và thêm 1 quẹo trái, 1 quẹo phải nữa, chúng tôi đã vào được con đường trực chỉ Tu Viện Bát Nhã thẳng tiến.

Đường trải nhựa phẳng lì, uốn quanh co bên những rẫy cà phê bạt ngàn, ngang qua những đồi trà bát ngát trong nắng chiều. Vào lúc chúng tôi đi, cà phê đang phủ bông trắng muốt, lấp lánh màu trắng tinh khôi trong cái xanh êm đềm của lá thẫm. Nhà cửa thưa thớt nhường cảnh quang cho đồi núi nhấp nhô trùng điệp. Thật khoan khoái dễ chịu biết bao – không khí này, thời tiết này, gió này, nắng này – êm đềm say đắm. Tôi đi, bụng bảo dạ, mình mà có tiền, lên đây kiếm miếng đất để đó, biết đâu về già về đây dưỡng già, cuốc đất trồng dâu… nuôi tằm thì thật là lý tưởng (tượng).

Tu viện Bát Nhã đón chúng tôi bằng 1 vạt trà được cắt thẳng tắp với 1 viên đá cảnh khiêm tốn bên đường. Trước khi đến Bát Nhã, tôi đã tiếp nhận rất nhiều thông tin về nơi này. Đầu tiên, đây là 1 nơi “rất đẹp” theo lời 1 người bạn đã đến đây và tham gia khoá tu tập 1-2 ngày ở đây. Kế đến đây là 1 nơi bị tranh chấp giữa 2 nhà góp vốn dẫn đến phát sinh ẩu đả của những tăng ni nơi này. Hay dở đều có cả, nhưng với tôi, 1 kẻ không niềm tin, không tâm linh, thì chùa (hay tu viện) chỉ là 1 nơi để chiêm ngưỡng. Và tôi ngắm…


Đồi thông này, bình thường thôi, thông còn non, chừng 8-10 năm tuổi. Hàng cột này, bình thường thôi, có lẽ học theo hàng cột 4 cây của chùa thiên Mụ ở Huế. Tuy nhiên, hàng cột ở chùa Thiên Mụ - Huế lại được cái địa thế của nó, nằm ngay trên cao, lại rất hoà hợp với toàn cảnh – được tôn vẻ đẹp lên nhờ có tán phượng vĩ đổ bóng bên bờ sông Hương. Kiến trúc của điện chính, các công trình phụ xung quanh… chẳng biết bình luận sao nhưng thực tế là làm tôi vô cùng thất vọng. Đáng lẽ, cái gì làm sau, và được làm với rất nhiều tiền thì phải đẹp hơn, giá trị hơn. Nhưng thật sự là càng về sau này, khi đi đến các đền chùa, thì hầu như tôi không tìm thấy ở bất cứ đâu kiểu xây dựng làm cho công trình có giá trị cao về về mặt kiến trúc. Toàn bộ thiết kế cũng như bố trí các hạng mục của tu viện không để lại trong tôi bất cứ ấn tượng nào mặc dù tu viện toạ lạc trên một phần diện tích khá rộng và chiếm vị trí đẹp trong khu vực.


Tu viện vắng ngắt, chỉ có vài ba người đến. Chiều xuống, một nhóm chú tiểu trẻ trong áo lam vào điện chính để gõ mõ, ê a đọc kinh. Trong sảnh rộng, tiếng chuông, tiếng mõ như loãng đi trong tiếng kinh của những giọng trai trẻ, còn chưa cả bể giọng làm tôi thấy lòng chùng xuống, thấy thương cảm cho cảnh chùa hoang vắng nhưng chẳng tạo được cảm giác tôn nghiêm – hay bởi chính lòng tôi đã chẳng còn tôn nghiêm với những nơi như thế này, bởi lòng người đầy sân si đã làm cho ranh giới giữa đạo và đời bị xoá nhoà. Và ta tự cho mình là hiểu biết đủ để coi thường cả đạo…bởi sự lẫn lộn làm cho niềm tin và sự u mê là không thể phân biệt được…

Nguồn: Phượt.vn 
Tác giả: langbianoz

0 nhận xét:

Đăng nhận xét