Chính phủ Việt Nam lên tiếng bác bỏ cáo giác mà hai hãng Google và McAfee đưa ra tuần trước về việc tin tặc có địa chỉ ở Việt Nam tấn công các trang mạng nội dung chính trị nhạy cảm bằng tiếng Việt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói với các nhà báo: " Đây là những ý kiến không có cơ sở".Bà Nga cũng cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ quan điểm của Việt Nam về việc tiếp cận, sử dụng thông tin và công nghệ thông tin, trong đó có Internet".
"Luật pháp Việt Nam có những quy định cụ thể về chống virus máy tính, phần mềm gây hại và bảo đảm an toàn, bí mật thông tin."
Tuần trước, trong blog về an ninh mạng của Google, chuyên gia Neel Mehta viết rằng các kỹ sư của hãng này đã thu thập được thông tin về đe dọa an ninh nhằm vào người Việt sử dụng máy tính trên toàn thế giới.
Ông Mehta nói đợt tấn công này nhằm vào các trang mạng có nội dung nhạy cảm về chính trị, nhất là các trang chứa thông tin phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của chính quyền.
Theo Google, tin tặc phát tán phần mềm ác tính (malware) qua việc tải phần mềm dùng để đánh font chữ tiếng Việt VPSKeys của Hội chuyên gia Việt Nam (VPS), hoặc phần mềm khác.
Nó được sử dụng để theo dõi người dùng máy tính hoặc tạo lỗi DDoS khiến các trang mạng, nhất là các trang mang nội dung bất đồng chính kiến, không thể truy cập được.
Xuất xứ từ Việt Nam
Trong một phỏng vấn với đài BBC, người phụ trách chính của hội VPS đặt tại California, Hoa Kỳ, ông Trần Trung Dũng nói việc tin tặc bẻ khóa gài malware vào phần mềm VPSKeys xảy ra từ hồi tháng 1, nhưng các chuyên gia của hội này đã nhanh chóng khắc phục sự cố chỉ trong 24 tiếng đồng hồ.Ông Dũng nhận định sở dĩ tin tặc nhắm vào VPS vì phần mềm tiếng Việt của hội này khá thông dụng và được cung cấp miễn phí.
Ông cũng khẳng định nay người sử dụng có thể download phần mềm VPSKeys một cách an toàn.
Người phụ trách VPS nói không thể xác định chính xác con số máy bị nhiễm malware là bao nhiêu, vì người download có thể chuyển cho bạn bè của mình mà không hay biết.
Cũng theo ông Trần Trung Dũng, chuyên gia VPS cũng tìm thấy trong các xuất xứ của tin tặc có địa chỉ IP "của cơ quan nhà nước" ở Việt Nam.
Đáp lại nhận xét của chuyên gia an ninh mạng Việt Nam, rằng tin tặc có thể ăn cắp địa chỉ IP và chưa thể kết luận có bàn tay của Việt Nam trong vụ này, ông Dũng trả lời: "Vâng, đó cũng là một cách giải thích".
"Nhưng chúng ta phải nhìn thấy mục tiêu của tin tặc là gì, họ nhắm đến các trang web loại nào."
"Ai là người muốn hack các trang web nội dung chính trị?"
Tháng 12 năm ngoái, các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam kêu gọi Hà Nội cải thiện tiếp cận báo chí và thông tin trên internet, gọi việc ngăn chặn các website như Facebook là đe dọa cho phát triển kinh tế ở trong nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét