Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

,

Nếu Không Là Bây Giờ…

Share
Xuất thân từ gia đình nông dân và không có truyền thống làm chính trị, chắc có lẽ con đã lớn lên theo cái truyền thống “không biết, không nghe, không thấy” ấy nếu như không có một ngày….

-Trần Quốc Tuấn

Hai mươi năm trước


Khi vừa lên năm tuổi, con đã chứng kiến cảnh đòi hối lộ, trong đó nạn nhân chính là hai cha con. Năm ấy, khi con phải cần một tờ giấy khai sinh để có thể vào học mẫu giáo, hai cha con đã chở nhau trên con ngựa sắt cọc cạch lên xã. Chiếc xe đạp mòn bánh cũ kỹ đã khó chạy, đường mưa trơn trợt làm chiếc xe càng dở chứng. Vậy mà cái vất vả hành xác ông bố không phải là đoạn đường khó khăn đó.

Khi hai cha con đến nơi, cô thư ký xã đã sẵn giọng “Sao bây giờ mới làm, nó lớn quá, mấy tuổi rồi”? Đúng là miệng nhà quan có gang có thép. Cha chỉ biết từ tốn đáp thật gọn, ánh mắt ông hằn lên vẻ khó nhọc pha lẫn ái ngại “Dạ cháu năm tuổi. Cô thông cảm nhà tôi ở xa và vì bận chuyện đồng án(…)”. Vậy đó, cứ đến cửa nhà quan là dân đen cứ khúm núm, tay chân thừa thải. Đối với ông bố nông dân thì vẻ quê mùa càng lộ rõ.

Sau một hồi tỏ vẻ trịch thượng, cô thư ký trao đổi thêm vài điều. Cuối cùng, cô phán gọn lỏn “Hồ sơ còn thiếu giấy tờ, về bổ xung thêm”. Sau câu nói ấy là một thái độ lạnh nhạt và không một lời giải thích. Thế là hai cha con phải cuốc đạp trở về – têu ngễu và nặng trịch. Trên con đường gồ ghề, con chỉ biết vắt cả hai chân lên trên ba-ga xe cho khỏi ngã, để bố bớt lo lắng phần nào.

Chắc bụng là đã có thêm được số giấy tờ để phòng khi cô thư ký khó tinh bắt bẻ, hai cha con lại cưỡi ngựa sắt lên xã vài ngày sau đó. Mấy hôm nay trời lại mưa to, bùn kết dính với nước mưa quện chặt vào bánh xe. Ông bố phải rướn người đạp từng vòng xe nặng nhọc. Thấy đường trơn quá, con chỉ biết bám hai tay vào yên xe, hai chân co hẳn lên ba-ga, để mặc cha chiến đấu.

Sau mấy tiếng đồng hồ gò mình trên yên xe, hai cha con cũng đến nơi và gặp lại cô thư ký hôm nào. Vẫn cung cách thờ ơ và chẳng tỏ vẻ gì là thông cảm với cuộc chiến đấu vất vả của hai cho con, cô cho biết “Hôm nay không làm việc, hôm khác anh lên lại”. Mặt cha chợt biến sắc, méo xẹo, các nếp nhăn xô nhau chảy xuống. Trong cái óc non nớt của đứa bé năm tuổi, con chỉ kịp so sánh mặt cha lúc đó như quả cà chín héo ở ruộng nhà mình. Cha đứng chần chừ một hồi rồi cũng an ủi “Thôi mình về con”. Con biết cha nói một cách cam chịu chứ không hờn trách, nhưng trong lòng rất buồn. Có lẽ bố đã quá quen với kiểu “hành chính” thế này. Có lẽ dân đen như cha thì thấp cổ bé họng lắm, muốn nói cho cô thư ký biết cha con đã có đủ giấy tờ, đã lặn lội đường mưa ướt át, và đã tới đây trong giờ làm việc của cơ quan, nhưng lại ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trong lúc sắp xếp lại mớ giấy má lộn xộn, cha tiện thể buộc miệng than với cô thư ký là năm nay mùa màng thất bát quá. Thằng bé năm tuổi chẳng hiểu câu ấy nghĩa là gì và vì sao cha lại đổi giọng xuống nước nhỏ như thế. Con chỉ biết là nhờ câu nói ấy mà người ta “đóng mọc” khai sinh, để con có thể trở thành cư dân Việt Nam hợp pháp. Trên đường về, ngồi sau lưng cha, con cứ nhớ lời cô thư ký mà thắc mắc mãi “Năm nay mà thất bát sao? Lần sau phải bồi dưỡng cho tụi tui nhen”. Hai cha con, mỗi người một suy nghĩ, nhưng có chung một niềm vui. Niềm vui được chứng nhận là người Việt Nam khi sinh ra ở Việt Nam và có cha mẹ là người Việt Nam.

Hai mươi năm sau

Bây giờ, con đã biết gọi đó là “tham nhũng”.

Hai mươi năm trước, tham nhũng chỉ mới bắt đầu lan tràn và cắm rễ ở các ban ngành. Gìơ đây tham nhũng còn tinh vi hơn, đã len lõi và trở thành luật bất thành văn trong hệ thống nhà nước. Đã có vụ tham nhũng PMU 18 cả triệu USD do ông Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng cầm đầu. Khi bị mang ra xét xử, ông Tiến được trắng án và sau đó được phục hồi thẻ Đảng. Chưa hết, theo tài liệu từ phía Nhật Bản, Gíam Đốc đại lộ Đông Tây Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ 800 nghìn đô la từ công ty tư vấn PCI của Nhật. Việc này đã khiến chính phủ Nhật gây áp lực và đã ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam một thời gian. Sau đó ông Sỹ chỉ bị xét xử 3 năm tù vì tội “cho thuê nhà trái phép”. Gần đây nhất là việc viên chức Ngân Hàng Nhà Nước nhận mười hai triệu đô Úc từ công ty Securrency. Báo chí Úc phanh phui và yêu cầu Việt Nam hợp tác làm rõ.

Bây giờ người ta nói tới công nghiệp hoá đất nước, nhiều đường xá cũng được tráng nhựa. “Con đường gian khổ” ngày xưa của hai cha con chắc cũng không còn nữa. Nhưng Hà Nội, Sài Gòn cứ vào mưa là ngập lụt vì cống thoát nước xuống cấp. Các lãnh đạo viện cớ “do triều cường dâng”, chính phủ chi tiền nâng cấp nhưng tiền cứ không cánh mà bay. Giao thông đường bộ thì đầy hỗn loạn vì ngay cả tiền lấp biển báo cũng bị rút ruột! Giá điện, giá nước cứ tăng mà không ai quan tâm đến việc dân đen lấy đâu ra tiền để chi cho các khoản ấy. Công nghiệp hoá thì không thấy nhưng đâu đâu cũng nghe thấy tham nhũng, từ thị xã cho đến thành phố và cả trung ương! Làm sao có thể công nghiệp hoá đất nước khi các công trình đến tay các quan thì bị rút ruột một cách trắng trợn, từ PMU18 với con số tham nhũng lên đến vài triệu USD đến PCI, và gần đây cả Ngân hàng Nhà nước cũng tham nhũng!

Đành rằng bây giờ không ai vất vả đạp xe lộc cộc, cũng ít có ai ăn cơm rau như ngày xưa nữa. Nhưng trong khi thế giới di chuyển bằng máy bay và xe hơi, con người đã uống sữa tươi và ăn cá hồi nhiều hơn ăn cơm trắng; thì dân đen Việt Nam lẽ ra phải được hưởng nhiều hơn là ba bữa cơm với vài lát thịt và xài xe Trung Quốc. Nhiều nhà máy, công trình mọc lên và người ta đã ngộ nhân đó là sự phát triển.

Những vấn đề “nan giải” này đã và đang ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân vô tội. Chẳng lẽ cho rằng “nan giải” là trốn tránh trách nhiệm và làm ngơ không xử lý? Không vấn đề gì là “nan giải” nếu chúng ta có đủ quyết tâm. Bởi tại Việt Nam không có sự cạnh tranh trong công vụ nên dù nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc “thi đua,” nhưng kết quả thực dụng chỉ có trong báo cáo. Mặt khác, những luật pháp thiếu minh bạch và chồng chéo tạo nên bộ máy nhà nước trì trệ, dù đã 25 năm đổi mới.

Con không phải là kinh tế gia, nhưng cũng biết được rằng, kinh tế phát triển không phải là xuất hiện nhiều khu công nghiệp, nhiều khu thương mại, hay nhiều xe hơi đắt tiền; mà là người dân được đảm bảo một đời sống tốt đẹp. Điều đó cũng có nghĩa là, số tiền người dân kiếm được phải nhiều hơn số tiền họ phải chi tiêu. Chúng ta cứ tiếp tục sống với những vấn đề “nan giải” này cho đến bao giờ? Và con, rồi cháu của chúng ta mai này sẽ ra sao?

Câu chuyện của hai cha con đã tồn tại hai mươi năm. Nó sẽ tồn tại và phá hoại tương lai con cháu chúng ta nếu như không ai làm gì để ngăn chặn nó. Con không thể tưởng tượng đến một ngày nào đó con chính là ông bố già, còng lưng đưa con mình đi làm giấy khai sinh ở một nơi mà chính nơi đó, con của mình bắt đầu biết khái niệm “tham nhũng”.

Hãy lên tiếng!

Chúng ta phải lên tiếng vì sự im lặng đồng nghĩa với “tôi không quan tâm,” và nó tạo cơ hội cho kẻ gian tấn tới. Tôi lên tiếng bằng những bài viết. Bạn cũng có thể làm được. Những việc cụ thể bạn có thể làm để kiện toàn dư luận hiện nay:

· Hãy tăng cường chia sẽ với nhau những bức xúc trong cuộc sống của bạn;

· Hãy tiếp cận thông tin đa chiều, từ trong và ngoài nước để hiểu rõ tình hình đất nước;

· Hãy tạo một trang nhật ký mạng (blog) và viết lên những suy tư của bạn;

· Hãy viết thư đến các viên chức lãnh đạo để nhắc nhở trách nhiệm của họ;

· Hãy tán thưởng những việc làm tốt và phê bình, góp ý những việc làm sai;

· Hãy tích cực phản đối những vụ án mà toà án xét xử kiểu “giơ cao, đánh khẻ” bằng những bài viết trên báo, trên blog, hay qua thư tín, vân vân…;

· Nếu có thể, hãy vận động bạn bè, người thân của bạn tham gia kiến nghị những quyết định, những dư án đầy sai lầm của nhà nước (Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên là ví dụ.)

Có câu “Ý dân là ý trời”. Vì hiện thân của “Ý dân” là dư luận cho nên chúng ta phải lên tiếng. Chỉ có sức ép dư luận mới có thể thay đổi vận nước và thay đổi luôn cuộc sông hiện nay của bạn. Vì dư luận không là “chính trị”, bạn đừng e sợ. Hãy tin vào sức mình và hãy lên tiếng!

Nếu không phải bây giờ thì đến khi nào?

T.Q.T

0 nhận xét:

Đăng nhận xét